Văn hóa - Xã hội

Một số nhiệm vụ trọng tâm để phát triển thể dục, thể thao Thủ đô

Kim Thoa 13:54 21/02/2025

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TƯ về phát triển thể dục, thể thao Thủ đô trong giai đoạn mới.

vh5.jpg
Ảnh minh họa

Sự nghiệp thể dục, thể thao của Hà Nội đã từng bước phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tích toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn Thành phố. Các chỉ tiêu về phát triển thể dục, thể thao quần chúng, giáo dục thể chất và thể thao trường học, thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp; công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi; đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng lực lượng cán bộ, huấn luyện viên, cộng tác viên, vận động viên; thực hiện xã hội hóa thể thao; củng cố và mở rộng quan hệ quốc tế... đã đạt được những kết quả cao, Hà Nội luôn giữ vị trí lá cờ đầu và có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của ngành thể dục, thể thao Việt Nam.

Tuy nhiên, sự nghiệp thể dục, thể thao của Thành phố còn một số hạn chế, chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô. Công tác xã hội hóa trong thể dục, thể thao, phát triển kinh tế thể thao chưa đa dạng, việc khai thác nguồn lực xã hội còn hạn chế. Những tồn tại nêu trên chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đơn vị về vị trí, vai trò quan trọng của sự nghiệp thể dục, thể thao trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính sách phát triển kinh tế thể thao, xã hội hoá, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ trong thể thao chưa đủ mạnh. Vai trò của các tổ chức xã hội và xã hội - nghề nghiệp chưa được phát huy đầy đủ. Vì vậy, Ban Thường vụ Thành uỷ yêu cầu các cấp uỷ đảng, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của Thành phố tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển thể dục, thể thao Thủ đô trong giai đoạn mới như sau:

1. Thành phố Hà Nội xác định rõ mục tiêu phát triển thể dục, thể thao Thủ đô theo hướng đồng bộ, tiên tiến, hiện đại, hội nhập quốc tế, dẫn đầu cả nước về thể thao cho mọi người và thể thao thành tích cao: Phong trào thể dục, thể thao cho mọi người phát triển rộng khắp; trong đó đến năm 2030, số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên theo tiêu chí quy định đạt khoảng 50% dân số; số hộ gia đình thể thao đạt trên 35%; trên 98% học sinh, sinh viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên. Năm 2028, phấn đấu cạnh tranh vị trí thứ nhất toàn đoàn tại Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc và giành vị trí thứ nhất tại các kỳ Hội khoẻ Phù Đổng tiếp theo.

Thể thao thành tích cao, giữ vững vị trí số 1 tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026 và các kỳ Đại hội tiếp theo; đóng góp 30% lực lượng cán bộ, huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên và thành tích huy chương cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại các kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á; đạt huy chương vàng tại các kỳ Đại hội thể thao Châu Á, phấn đấu đạt huy chương vàng các môn thể thao trong hệ thống thi đấu Olympic; tối thiểu 02 vận động viên đạt chuẩn tham dự Olympic năm 2028 và tối thiểu 04 vận động viên đạt chuẩn tham dự Olympic năm 2032, phấn đấu có huy chương.

2. Nâng cao trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và Nhân dân đối với phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao; tổ chức quán triệt, đánh giá và đề ra các giải pháp cụ thể để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội, Chương trình công tác của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dụng người Hà Nội thanh lịch văn minh” và phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai nhiệm vụ phát triển thể dục, thể thao.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ số, phát huy vai trò của truyền thông đại chúng, xây dựng các kênh truyền thông về thể dục, thể thao nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng hoạt động thể chất... cho Nhân dân. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng phối hợp tuyên truyền, vận động thành viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia tập luyện thể dục, thể thao; góp phần gắn kết cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam...

3. Triển khai các biện pháp ưu tiên, đặc thù của Luật Thủ đô năm 2024 về đầu tư nguồn lực phát triển thể thao, xây dựng công trình thể thao hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ đăng cai tổ chức các giải thi đấu tầm khu vực, châu lục, thế giới, hội nhập và phát triển các môn thể thao mới, đặc biệt là các môn thể thao Olympic phù hợp với thể trạng con người Việt Nam; tiếp tục đầu tư xây dựng mới nhà tập luyện, công trình thể thao... đã được quy hoạch tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội; nâng cấp, từng bước hiện đại hóa cơ sở tập luyện và thi đấu thể thao hiện có; Thành phố đảm bảo có đủ 3 công trình thể thao cơ bản (nhà thi đấu, sân vận động, bể bơi) đạt tiêu chuẩn thi đấu quốc tế; phấn đấu 100% các đơn vị hành chính cấp huyện có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn quy định. 100% đơn vị hành chính cấp xã có thiết chế thể thao hoặc thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn quy định; hầu hết các tổ dân phố, khu dân cư, khu đô thị, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao có ít nhất 01 thiết chế thể thao hoặc 01 điểm tập luyện thể dục, thể thao công cộng; 100% các trường học trong hệ thống giáo dục phổ thông có công trình thể thao và quản lý, khai thác hiệu quả các thiết chế thể thao ở cơ sở. Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể thao.

Sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước dành cho phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao. Đồng thời đẩy mạnh sắp xếp, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thể dục, thể thao theo hướng tự chủ, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, gắn với tiêu chuẩn quốc tế.

Hoạt động kinh tế thể thao cần có bước phát triển mạnh mẽ, trong đó giai đoạn 2025 - 2030 tăng trưởng mạnh về số lượng, quy mô các cơ sở sản xuất, kinh doanh thể dục, thể thao và đa dạng các loại hình dịch vụ thể dục, thể thao.

Phát triển các tổ chức xã hội về thể dục, thể thao, số tổ chức thể thao thành phố đạt tối thiểu 50 tổ chức với hiệu quả hoạt động được nâng lên rõ rệt.

Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp với chủ trương, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thể dục, thể thao. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người trực tiếp làm công tác thể dục, thể thao; bồi dưỡng cán bộ đủ năng lực, uy tín tham gia các tổ chức, liên đoàn, hiệp hội thể thao khu vực, châu lục, thế giới.

Mở rộng liên kết hợp tác, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu Nhân dân thông qua thể dục, thể thao; tranh thủ sự hỗ trợ về mọi mặt của các quốc gia, tổ chức quốc tế và các tổ chức, cá nhân người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài. Chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế song phương, đa phương về thể thao với phương châm “Thành viên tích cực, có trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế.

Tăng cường công khai, minh bạch và thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật; kịp thời hướng dẫn xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong lĩnh vực thể dục, thể thao.

4. Khuyến khích phát triển thể dục, thể thao quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người dân được tham gia hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao, nhất là thế hệ trẻ. Đổi mới, nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Tổ chức hiệu quả mạng lưới hướng dẫn viên thể thao cơ sở, các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao trong cộng đồng. Tăng cường phối hợp liên ngành tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao trong từng đối tượng (công chức, viên chức, công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật...). Xây dựng các gương điển hình tiên tiến về thể dục, thể thao.

Phát huy tiềm năng, trí tuệ và vật chất trong Nhân dân; huy động nguồn lực của toàn xã hội chăm lo các hoạt động văn hóa thể thao, vừa đảm bảo việc chỉ đạo, quản lý có hiệu quả của nhà nước, vừa đảm bảo tính độc lập, tự chủ trong hoạt động, phát huy tính năng động, sáng tạo góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao của Thủ đô.

Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường gắn với mục tiêu giáo dục, phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, văn hoá, sức khoẻ, thẩm mỹ và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, tạo nền tảng để phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và tài năng trẻ. Tăng cường chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên, các cấp học, trình độ đào tạo và nghiên cứu khoa học về tâm sinh lý lứa tuổi, thể dục, thể thao trường học. Phát triển mạnh các loại hình câu lạc bộ thể thao trường học; tăng cường đào tạo năng khiếu thể thao ngay trong nhà trường. Khuyến khích các trường ngoài công lập có cơ sở vật chất và điều kiện ưu việt tổ chức các lớp năng khiếu thể thao. Xây dựng trường phổ thông năng khiếu thể dục, thể thao đạt chuẩn quốc gia.

Nâng cao chất lượng phong trào “Cán bộ, chiến sỹ khỏe” và các hoạt động huấn luyện, thi đấu thể thao nghiệp vụ ứng dụng trong lực lượng vũ trang. Quy hoạch, tăng cường mạng lưới cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ huấn luyện thể lực và hoạt động thể thao tự nguyện của cán bộ, chiến sỹ. Phát triển các câu lạc bộ thể thao và nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo vận động viên trong lực lượng vũ trang.

Bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian; phát triển thể thao giải trí, thể thao mạo hiểm, thể thao gắn với du lịch, lễ hội theo hướng đa dạng, độc đáo và bảo đảm an toàn.

5. Tập trung đầu tư phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp; hoàn thiện hệ thống phát hiện, tuyển chọn, đào tạo vận động viên trọng điểm xuất sắc; ưu tiên nguồn lực, đầu tư trọng điểm, chuyên sâu cho lực lượng vận động viên có khả năng giành huy chương ASIAD và Olympic.

Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ y sinh học thể thao hiện đại trong phát hiện, tuyển chọn, đào tạo huấn luyện tài năng thể thao Thủ đô. Tập trung phát triển khoa học dinh dưỡng và y học thể thao, xây dựng mô hình, chế độ dinh dưỡng phù hợp đối với các vận động viên thể thao thành tích cao nhằm tăng cường thể lực, thể chất đảm bảo sức khỏe tập luyện, thi đấu, cạnh tranh huy chương tại các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới.

Triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế chính sách đặc thù của Luật Thủ đô năm 2024 về mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa được quy định trong các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao như: chế độ đãi ngộ vận động viên thành tích cao tuyển Hà Nội, tuyển quốc gia, chế độ đào tạo vận động viên trở thành huấn luyện viên, trọng tài quốc gia, quốc tế; chính sách khen thưởng, hỗ trợ vận động viên, huấn luyện viên bị tai nạn, suy giảm sức khỏe do tập luyện, thi đấu và chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề...

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập, vận hành các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên, tổ chức thi đấu. Tiếp tục đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa một số môn thể thao. Tăng cường tổ chức và đăng cai tổ chức các giải thi đấu tầm cỡ châu lục và thế giới, các sự kiện thể thao gắn với văn hoá, du lịch có thương hiệu, mang tầm quốc tế.

Chú trọng việc học tập văn hoá, chính trị, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức, ý chí, lòng tự hào dân tộc cho vận động viên. Xây dựng nền thể thao lành mạnh, kiên quyết đấu tranh khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực thể thao, nhất là thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.

6. Đảng đoàn HĐND Thành phố xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển thể dục, thể thao; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tài trợ cho các hoạt động thể dục, thể thao của Thủ đô; quan tâm bố trí nguồn lực đảm bảo cho công tác thể dục, thể thao trên địa bàn Thành phố; tăng cường giám sát việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị này.

7. Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chỉ thị của Thành ủy, có giải pháp, lộ trình phù hợp, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao Thủ đô.

8. Các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy căn cứ chức năng, nhiệm vụ và chương trình công tác toàn khóa, kế hoạch công tác hằng năm của Thành ủy tham mưu giúp Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này.

Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu giúp Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy, biên chế Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, công chức, viên chức, rà soát Đề án về phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố triển khai thực hiện Quyết định số 1189/QĐ-TTg ngày 15/10/2024 và Quyết định số 1680/QĐ-TTg ngày 28/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Ban Tuyên giáo Thành uỷ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan. triển khai phổ biến, quán triệt Chỉ thị này tới các cấp uỷ đảng, chính quyền, đồng: thời có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị ở các cấp, các ngành và định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Thành uỷ.

9. Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp Thành phố phát huy tốt vai trò tuyên truyền, phổ biến Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tuyên truyền, vận động các tổ chức và Nhân dân tập luyện thể thao thường xuyên, nâng cao sức khỏe; tổ chức Hội khỏe, Hội thao ngành, giới; thực hiện việc giám sát thi hành chính sách, pháp luật về thể dục, thể thao; tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản của HĐND, UBND Thành phố ban hành triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam.

10. Các cấp ủy trực thuộc Thành ủy chỉ đạo quán triệt, triển khai, ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị tại địa phương, đơn vị. Các quận, huyện, thị ủy lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền địa phương triển khai Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn đơn vị theo thẩm quyền./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hơn 20 bức tranh phong cảnh của vua Hàm Nghi sẽ được giới thiệu tại Điện Kiến Trung (Huế)
    Vào cuối tháng 3/2025, Điện Kiến Trung (Đại Nội Huế) sẽ trở thành điểm hẹn nghệ thuật khi triển lãm "Trời, Non, Nước Allusive Panorama" chính thức ra mắt công chúng. Triển lãm giới thiệu 20 bức tranh phong cảnh sơn dầu nguyên bản do vua Hàm Nghi sáng tác trong những năm bị lưu đày, với quy mô lớn nhất cho tới nay.
  • [Podcast] Hà Nội mùa xuân căng tràn nhựa sống
    Hiếm có nơi nào như Hà Nội, có thể mang đầy đủ những nét đặc trưng của một mùa xuân xứ Kinh kỳ rõ nét đến vậy. Chút nắng nhưng vẫn kèm theo cái rét đến cóng đôi bàn tay, hay cả khi mưa bay đánh thức những cánh hoa ban tím yêu kiều, mùi hoa bưởi nồng nàn góc phố khiến lòng người xao xuyến, rung cảm về cuộc sống, cảnh sắc của Thủ đô. Những ngày đầu xuân Hà Nội như khoác một tấm áo mới với muôn sắc màu rực rỡ của bằng lăng lá đỏ, lộc vừng vàng ươm, hoa ban tím biếc... Tất cả tạo nên một bức tranh đẹp, nên thơ
  • Bộ sách khảo cứu của Nguyễn Văn Hầu: Nhìn việc cũ, học người xưa
    Nhà xuất bản Trẻ vừa ra mắt bộ sách khảo cứu của Nguyễn Văn Hầu, gồm 6 cuốn với phiên bản bìa mới, bao gồm: "Việt Nam tam giáo sử đại cương", "Việt sử kinh nghiệm", "Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang", "Nửa tháng trong miền Thất Sơn", "Bản ngã người Việt", "Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh".
  • Hà Nội khắc phục sự cố tràn phụ gia đào hầm Nhổn - Ga Hà Nội
    Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thông tin về hiện tượng phụ gia đào hầm phun lên mặt đất trong quá trình khoan hầm bằng máy đào TBM (Tunnel Boring Machine) tại đoạn tuyến đi ngầm của Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
  • Công đoàn Thủ đô chăm lo nữ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn
    Ngày 20/2, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh đã đến thăm, tặng quà cho lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn là đoàn viên Công đoàn quận Hoàng Mai và quận Hai Bà Trưng.
Đừng bỏ lỡ
Một số nhiệm vụ trọng tâm để phát triển thể dục, thể thao Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO