Mái ấm “ Xa mẹ” - điểm tựa của những đứa trẻ nghèo

Dương Lê| 12/09/2019 17:45

Hơn 30 năm qua, mái ấm “Xa mẹ” của ông Vũ Tiến và bà Vũ Thị Ngọc Oanh ở phố Ngô Văn Sở (Hà Nội) đã trở thành điểm tựa vững chắc của hàng trăm đứa trẻ nghèo lang thang cơ nhỡ trên địa bàn thành phố.

Mái ấm “ Xa mẹ” - điểm tựa của những đứa trẻ nghèo
Những trẻ em sống ở mái ấm “Xa mẹ” được học múa hát, chơi đàn và sống tự lập từ rất sớm. 

Đã qua tuổi thất thập nhưng ngày nào ông Vũ Tiến (sinh năm 1942) và vợ Vũ Thị Ngọc Oanh (sinh năm 1945) vẫn cặm cụi đi, về từ phố Vọng đến ngôi nhà số 13, Ngô Văn Sở (Hà Nội), vừa để quản lý việc kinh doanh, vừa để chăm 30 đứa trẻ mà với ông chúng là “duyên nợ của cả cuộc đời”. 

Mái ấm “Xa mẹ” nhỏ nhoi nằm nép mình trên con phố Ngô Văn Sở tấp nập người và xe qua lại. Căn nhà rộng chưa đầy 50m2, nhưng lúc nào cũng ríu rít tiếng trẻ thơ đọc bài, ca hát. Đứa mồ côi cha mẹ từ tấm bé, đứa thì bỏ nhà đi lang bạt. Mỗi đứa một số phận, một hoàn cảnh, về đây gắn kết với nhau như anh em ruột thịt. Những đứa trẻ ở mái ấm này thiệt thòi đủ đường. Tuổi thơ của các em là một chuỗi ngày bất hạnh. Nói chưa tròn vành rõ chữ đã phải lăn lộn ngoài đời kiếm từng đồng bạc mưu sinh, ăn bờ nằm bụi cùng sương gió.

Ông Tiến nhớ lại cơ duyên: “Vào những năm 80, kinh tế còn nhiều khó khăn. Ở các ngõ ngách, gầm cầu Hà Nội có rất nhiều trẻ lang thang. Chúng thường đến hàng cơm của tôi ở Quán Sứ để xin ăn. Thương chúng, tôi mua báo cho bán, đêm chúng lại về nghe bà Oanh dạy học. Vào cuối tuần, tôi cũng tổ chức xe đưa đón trẻ ở cầu Long Biên về đây cho chúng con chữ”.

Không dừng lại ở đó, với mong muốn các em không còn phải lo miếng cơm, manh áo, được đến trường, từ năm 1995, ông Tiến chuyển mục tiêu vào nuôi dưỡng khoảng 30 trẻ mồ côi và trẻ em nghèo. Bởi vậy, Tổ bán báo xa mẹ được đổi thành Chương trình nuôi dạy trẻ em mồ côi xa mẹ, ở số 13, Ngô Văn Sở.

Năm nào cũng vậy, vào những dịp Tết thiếu nhi hay rằm Trung thu... ông Vũ Tiến và bà Vũ Thị Ngọc Oanh dù bận đến mấy cũng đều thu xếp công việc tổ chức cho bọn trẻ vui chơi, như để bù đắp lại phần nào sự bất hạnh đó. “Những đứa trẻ ở đây được nuôi đến trưởng thành, tự lập rồi tôi lại nhận những trẻ còn bé vào. Lúc nào cũng duy trì ở con số 30. Mình có sức sao nuôi chúng bằng vậy”, ông Tiến kể.

Mái ấm “ Xa mẹ” - điểm tựa của những đứa trẻ nghèo
Bà Oanh trong giờ dạy trẻ múa hát

Kinh phí nuôi lũ trẻ đều từ hoạt động kinh doanh du lịch, quán ăn và cà phê của vợ chồng ông. “Có thời gian trước đây, chúng tôi cũng nhận giúp đỡ từ tổ chức phi chính phủ và một vài cá nhân trong, ngoài nước. Nhưng tuyệt đối chúng tôi không đi xin và kêu gọi nhân đạo”, bà Vũ Ngọc Oanh cho biết.

Những đứa trẻ ở “Xa mẹ” được ông Tiến và bà Oanh nhận về nuôi dưỡng, cho ăn học tử tế. Ngoài giờ học văn hóa, bọn trẻ còn được học múa hát, tập đàn, chơi nhạc cụ. Lớn hơn chút nữa, thì ông bà cho đi học nghề. Đứa học lái xe, đứa học làm bánh, mỗi đứa đều có một nghề mưu sinh, đủ trưởng thành và tự lập, có thể tự lo cho bản thân mình.

Nói về hành trình 30 năm thiện nguyện, ông Vũ Tiến chia sẻ: “Căn nhà này là nơi nuôi dưỡng hơn 600 đứa trẻ lang thang, mồ côi không nơi nương tựa. Số lượng tuy nhiều như vậy nhưng tôi vẫn có thể nhớ từng đứa một dù có nhiều cháu đã rời xa mái ấm này hàng chục năm".

Theo ông Tiến, những đứa trẻ ở đây không những được học văn hóa mà còn được học thêm các môn năng khiếu nghệ thuật khác như học đàn, học múa, ca hát. Ông Tiến và bà Oanh cho rằng, bọn trẻ cần phải được giáo dục thẩm mỹ, bồi dưỡng sự tự tin, nhân ái. Hiểu biết về âm nhạc, nghệ thuật sẽ giúp đứa trẻ bớt suy nghĩ tới những điều tiêu cực, biết yêu thương cuộc đời và sống nhân văn hơn.

Hành trình 30 năm làm từ thiện, ông Tiến bà Oanh vẫn nhắc mãi về cậu bé Lê Quang Hòa, giờ đã là chủ cửa hàng của 7 tiệm bánh ở Hà Nội. “Những đứa trẻ đến với chúng tôi như một chữ duyên. Dù không chủ ý đi làm từ thiện vì cuộc sống lúc đó còn khó khăn. Chúng tôi không nỡ để bọn trẻ lang thang ngoài đường với một cái bụng đói. Bởi sau bữa đói, rất có thể, nhiều đứa trẻ sẽ trượt dài với những lỗi lầm” - bà Vũ Thị Ngọc Oanh bày tỏ.

Theo bà Oanh, các tổ chức xã hội nên quan tâm hơn tới hoàn cảnh, đời sống của những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Nên mở nhiều lớp học để hướng dẫn các em rèn nghề, có việc làm ổn định, hạn chế việc phát sinh các tệ nạn xã hội. Việc giáo dục đúng và đủ sẽ giúp các em vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện tại, mà còn tạo động lực, hạt nhân sống tốt sau này.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Kim Thúy (tổ trưởng tổ dân phố số 33, phường Trần Hưng Đạo) cho biết: Người dân sinh sống trong phường đánh giá rất cao hoạt động thiện nguyện của ông Tiến và bà Oanh trong nhiều năm qua.

Có lẽ, động lực lớn nhất để ông Vũ Tiến kiên trì làm nhân đạo trong hơn 20 năm qua cũng bởi vì ông từng là một đứa trẻ mồ côi. “Tôi sinh ra trong một gia đình trí thức nhưng do hoàn cảnh xô đẩy, mồ côi cha, tôi mới thành đứa trẻ lang thang. Rửa bát, đánh giầy, bán báo… tôi đã làm cả nhưng rồi vẫn đói", ông kể.

Vào quân ngũ, rồi làm công an, và bây giờ sang làm kinh doanh, ông luôn nghĩ cuộc đời đã cưu mang mình, giờ mình phải có nghĩa trả nợ cuộc đời. Vì thế mấy chục năm nay, ông dồn toàn tâm huyết vào những đứa trẻ bất hạnh.

Tuy tuổi đã cao, sức khỏe đã có phần giảm sút nhưng vợ chồng ông Tiến vẫn miệt mài với công tác nhân đạo, nuôi dưỡng trẻ em không nơi nương tựa, hành động này cần được nhân rộng và lan tỏa đến cộng đồng nhiều hơn nữa để xã hội sẽ ngày càng nhân văn, tốt đẹp hơn.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Đặc sắc phim tài liệu “Vượt sóng: Câu chuyện về thành phố 50 năm mùa hoa nở”
    Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra mắt, giới thiệu đến khán giả series phim tài liệu “Vượt sóng: Câu chuyện về thành phố 50 năm mùa hoa nở”.
  • Văn học thiếu nhi Việt Nam: Những bước chuyển mình sau ngày đất nước thống nhất
    Sau 21 năm bị chia cắt, hai miền Nam - Bắc Việt Nam được nối liền một dải nhờ chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975. Hòa chung niềm vui lớn của đất nước là niềm vui của sách văn học thiếu nhi khi được phát hành suốt từ Bắc tới Nam.
  • Hiểu rõ giá trị của thời đại Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam
    NXB Chính trị quốc gia Sự thật vừa ra mắt cuốn sách “Thời đại Hùng Vương (Lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội)” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”. Không chỉ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử phát triển của dân tộc, hai cuốn sách còn góp phần bồi đắp tinh thần tự hào về lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của cha ông ta.
  • Vinschool: Bệ phóng vững chắc cho học sinh vào đại học top đầu trong nước và quốc tế
    Mùa tuyển sinh đại học 2025-2026 tiếp tục chứng kiến sự bứt phá của học sinh Vinschool khi nhiều em trúng tuyển vào các trường danh tiếng trong nước và quốc tế trong Kì Tuyển sinh Sớm vừa qua. Đặc biệt, 2 học Nguyễn Bentley Minh Nhật và Nguyễn Sỹ Hưng đã gây “bão” mạng xã khôi khi xuất sắc giành học bổng hơn 8 tỷ VNĐ mỗi em từ các trường Đại học danh giá nhất nước Mỹ thuộc nhóm Ivy League – Dartmouth College và Brown University.
  • Tối đa hóa lợi nhuận khi đầu tư căn hộ The Cosmopolitan tại Cổ Loa
    Trong những năm gần đây, căn hộ cao cấp và hạng sang liên tục khẳng định vị thế trên thị trường bất động sản. Ngay cả trong giai đoạn trầm lắng vừa qua, khi nhiều phân khúc lao đao thì loại hình căn hộ chung cư vẫn duy trì sự ổn định, liên tục dẫn đầu về nguồn cung, giao dịch và tốc độ tăng giá trên thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mái ấm “ Xa mẹ” - điểm tựa của những đứa trẻ nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO