Văn hóa – Di sản

Lưu giữ giá trị truyền thống lịch sử thời Hai Bà Trưng

Phạm Quỳnh - Hải Truyền 11:17 18/06/2023

“Đình thờ tướng Hùng Bảo thời Hai Bà Trưng rất thiêng. Đình vẫn giữ được những nét kiến trúc từ thời xa xưa, các nét đục, chạm trổ trong đình còn vẹn nguyên, rất tinh xảo”, cụ từ Lê Văn Bào, người trông coi đình Phú Mỹ (xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội) chia sẻ.

Mê Linh - vùng đất đế đô thời Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa có hàng trăm di tích văn hóa lịch sử giá trị, đa số đều ghi dấu những chiến công hiển hách của Hai Bà Trưng. Ngoài khu di tích lịch sử Đền thờ Hai Bà Trưng cùng thân quyến, các tướng lĩnh của Hai Bà ở làng Hạ Lôi,  huyện Mê Linh còn có nhiều di tích thờ tướng lĩnh của bà Trưng Trắc, Trưng Nhị là niềm tự hào của người dân địa phương nói riêng, cả nước nói chung.

dinh-lang-phu-my-1-(1).jpg
Đình làng Phú Mỹ nhìn từ cổng chính giữa vào.

Đó là đền Văn Lôi (xã Tam Đồng) thờ Lũ Lũy, đình Bồng Mạc và Yên Mạc (xã Liên Mạc) thờ hai nữ tướng Ả Nang và Ả Nương, đền Đông Cao (xã Tráng Việt) thờ bà Hồ Đề. Đặc biệt, trong số này phải kể đến đình Phú Mỹ (xã Tự Lập) – Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đã được xếp hạng năm 1992, thờ tướng Hùng Bảo - Bộ chủ Bộ Hải Dương thời Hai Bà Trưng.

Từ trung tâm Thành phố Hà Nội, đi khoảng 30km theo hướng Tây Bắc, chúng tôi tìm đến đình Phú Mỹ. Đã quá giờ trưa, đang là thời gian nghỉ ngơi nhưng cụ từ Lê Văn Bào – người trông coi đình Phú Mỹ vẫn niềm nở ra đón những vị khách không hẹn mà đến. “Vất vả cho các anh, nắng cháy da cháy thịt thế này, nếu để các anh đợi đến giờ chiều tôi cũng có lỗi. Tôi mời các anh vào”, vừa nói cụ từ Lê Văn Bào vừa mở cánh cửa sắt bên hữu vu đình Phú Mỹ để chúng tôi vào tham quan.

z4438876431786_803e3d94be30dbeffe4685fd568c7696.jpg
Một trong các linh vật đặt trên các xà nách của đình.

Sau khi đặt lễ và làm lễ cho những vị khách phương xa, cụ từ Lê Văn Bào chia sẻ, đình Phú Mỹ được xây dựng thời Hậu Lê. Đình thờ Hùng Bảo vốn là Bộ chủ Bộ Hải Dương thời đầu công nguyên, trong khi phu nhân Trần Thị Nương (Ả Nương hoàng công chức) được thờ tại đền Phú Mỹ cách đình không xa. Vợ chồng tướng Hùng Bảo là những người đã có công giúp Hai Bà Trưng khởi nghĩa lật đổ ách đô hộ của nhà Đông Hán, giải phóng đất nước.

Theo tài liệu nét đẹp văn hóa tập tục đình Phú Mỹ hiện đang lưu tại di tích này, khi nhà Hán cho Mã Viện mang quân xâm lược nước ta, Hùng Bảo được cử cầm quân đánh giặc. Khi ra sa trường, tướng Hùng Bảo đã nói với dân làng rằng: “Trong chiến trường mạng người nhẹ như lông hồng, nay tôi có cung Đinh 2 sở (một ở ngoài chợ, một ở trong ấp) xin giao cho dân. Nếu mai mốt tôi thế nào thì lấy nơi đó để phụng thờ, nên tiếc thương cho hậu thế”.

img_0230.jpg
Gian trung tâm tòa Đại đình.

Trong cuộc chiến đấu không cân sức, tướng Hùng Bảo đã anh dũng tả xung hữu đột, hạ nhiều giặc Hán rồi không may bị thương. Quyết không sa vào tay giặc, Hùng Bảo phá vòng vây rồi phi ngựa về bến Toàn Liệt (sông chợ Sặt) gieo mình xuống sông mà hóa. Theo Ngọc phả đình: “Khi nghe tin tướng Hùng Bảo hóa thị, Trưng Vương than rằng: Ta mất một tướng có tài, lòng ta đau xót vô cùng”.

Cảm kích tấm gương anh hùng của Hùng Bảo, Trưng Vương liền cử người về cung ấp làm lễ và giao việc phụng thờ ông cho dân. Trưng Vương phong cho ông là Uy Linh Hiến ứng Thiên Bảo Hộ Quốc Đại Vương. Khi có đình, nhân dân liền rước thần hiệu của ngài vào đình thờ làm Thành Hoàng làng và từ đó đến nay, nhân dân địa phương đèn hương thờ phụng không bao giờ tắt.

dinh-lang-phu-my-2-(1).jpg
Hình tượng voi trong nét nghệ thuật trang trí tại đình Phú Mỹ và được đặt trên xà nách.
dinh-lang-phu-my-4-(1).jpg
Hình rồng được chạm trổ tinh xảo, cầu kỳ .

Đình Phú Mỹ có quy mô kiến trúc đồ sộ gồm đại đình 5 gian 2 đi, hậu cung 3 gian với nghệ thuật điêu khắc mang đậm phong cách nghệ thuật dân gian thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Tất cả các đầu bẩy, dép hoành, đầu dư, cốn, xà nách đều được đục chạm hết sức công phu tinh tế bằng kỹ thuật đục bong, chạm nổi, chạm thủng, khắc chìm.

Đề tài trang trí tại đình Phú Mỹ phong phú như tứ linh, cảnh cầu định, cưỡi rồng, ôm cổ rồng, táng mộ vào hàm rồng... Những bức chạm ở đây thể hiện những ước vọng chính đáng, tốt đẹp trong cuộc sống của nhân dân ta thời xa xưa.

img_0200(1).jpg
img_0188.jpg
Phú Mỹ là một trong những những ngôi đình cổ đẹp nhất Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung bởi giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc.

Đến đình Phú Mỹ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với kiến trúc độc đáo của một trong những những ngôi đình cổ đẹp nhất Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Cổng đình mở ra đường làng và xây kiểu nghi môn tứ trụ, thân đắp câu đối chữ Hán, bên kia đường có bức tường thấp với hai cổng nhỏ ở hai bên để thông với sân to phía trước.

Sau cổng có hai dãy nhà tả, hữu vu 3 gian ở hai bên sân. Toà đại bái 3 gian 2 chái, mặt nhìn về hướng sông Hồng. Bốn mái đều lợp ngói ta, trên bờ nóc đắp các hình linh thú. Bộ vì làm theo kiểu “chồng rường, giá chiêng”, đè nặng trên 48 cột tròn kê chân đá. Toà hậu cung gồm 3 gian rộng, hai gian dọc và kết nối với gian giữa toà đại bái thành hình chữ Đinh. Trong cung cấm có bài trí khám thờ với long ngai bài vị của Thành Hoàng làng.

img_0181.jpg
Vẻ cổ kính của đình Phú Mỹ nhìn từ bên ngoài.

Trải qua thời gian, trước tác động của thiên nhiên, đình Phú Mỹ xuống cấp và đã trải qua một số lần trùng tu, tôn tạo, trong đó có đợt đại trùng tu năm 2006. Nhưng giọng đầy tự hào, cụ từ Lê Văn Bào cho chúng tôi biết: “Ngoài việc tế lễ luôn được duy trì, đình Phú Mỹ vẫn giữ được những nét kiến trúc từ thời xưa với các nét đục, chạm trổ trang trí rất tinh xảo, vẹn nguyên như ngày đầu đình mới được dựng lên”. Ngoài ra, để tỏ lòng biết ơn Uy Linh Hiến ứng Thiên Bảo Hộ Quốc Đại Vương, ngày mồng Một, ngày Rằm âm lịch hàng tháng, người dân trong thôn, trong xã đến đình Phú Mỹ dâng lễ, dâng hương cầu mong mọi điều tốt đẹp, sức khỏe dồi dào.

Gắn với đình Phú Mỹ, hằng năm người dân xã Tự Lập mở hội làng vào mồng Chín, mồng Mười tháng Giêng âm lịch hằng năm để giữ gìn, lưu truyền những nét truyền thống văn hóa, tưởng nhớ công ơn hai vị Thành hoàng làng.  Sáng ngày mồng Chín tháng Giêng, người dân tổ chức rước kiệu Thánh ông và theo sau là đội cờ người từ đình Phú Mỹ ra đền Phú Mỹ để rước Thánh bà về đình. Trong các ngày diễn ra hội làng, ngoài được thưởng thức phần tế lễ truyền thống, người dân Tự Lập và du khách thập phương còn được tham gia các trò chơi dân gian: cờ người, đánh đu, chọi gà, bịt mắt bắt dê...

dinh-lang-phu-my-3-(1).jpg
Cụ từ Lê Văn Bào - người trông coi đình Phú Mỹ.

“Thời gian vừa qua, đình Phú Mỹ luôn nhận được sự quan tâm của Thành phố Hà Nội, huyện Mê Linh cũng như các ban ngành liên quan trong công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Nhiều đoàn chuyên gia đã về đây khảo sát. Tôi được biết, sắp tới đình sẽ được hạ giải để thực hiện trùng tu, tôn tạo một số hạng mục xuống cấp. Việc làm cần thiết này sẽ bảo tồn, lan tỏa các giá trị văn hóa lịch sử, nhân lên niềm tự hào của người dân với tướng Hùng Bảo nói riêng, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nói chung”, cụ từ Lê Văn Bào cho biết./.

Bài liên quan
  • Lễ hội truyền thống đền Hát Môn tưởng nhớ Hai Bà Trưng
    Gần 2.000 năm đã trôi qua nhưng phong tục làm bánh trôi và lễ hội truyền thống đền Hát Môn vẫn được duy trì. Đối với người dân xã Hát Môn nói riêng, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) nói chung, bánh trôi dâng Hai Bà Trưng là một lễ vật độc đáo mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và tâm linh.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • VinFuture và công cuộc tìm kiếm những đổi mới thiết thực cho nhân loại
    Việc đánh giá các công trình khoa học không chỉ dừng lại ở thành tựu trong phòng thí nghiệm mà phải dựa trên khả năng tạo ra những thay đổi thực sự trong cuộc sống. Đây cũng chính là tiêu chí then chốt để VinFuture lựa chọn các công trình đoạt giải năm nay.
  • Tiếp tục kỳ họp thứ 20, HĐND TP. Hà Nội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
    Sáng 11/12, trong ngày làm việc thứ 3 của Kỳ họp 20 HĐND TP. Hà Nội, các đại biểu đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn các vấn đề được cử tri quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Lưu giữ giá trị truyền thống lịch sử thời Hai Bà Trưng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO