Hiện tại, chưa có kết luận đúng - sai, tôn trọng các bên, chúng tôi đưa thông tin đa chiều.
‘Tôi không muốn từ nạn nhân bị công chúng hiểu lầm là thủ phạm’, đạo diễn Việt Tú lên tiếng khi cho rằng thời điểm ra mắt vở 'Tinh hoa Bắc Bộ', nhà đầu tư đã có những tuyên bố không đúng sự thật.
Tháng 6-2017, chương trình "sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam" với tên gọi Thủa ấy xứ Đoài tại Sài Sơn, Chùa Thầy do đạo diễn Việt Tú dàn dựng được công bố.
Việt Tú cho biết nhà đầu tư là tập đoàn T.C đã ký hợp đồng để anh toàn quyền sáng tạo chương trình này. Tuy nhiên, sau khi chương trình diễn được 10 buổi thì họ đã ngừng hợp tác với Việt Tú. Đã có tranh chấp về bản quyền giữa đôi bên.
Sau đó, nhà đầu tư thuê đạo diễn mới thực hiện chương trình mới mang tên Tinh hoa Bắc Bộ. Việt Tú cho biết chương trình này đã sử dụng toàn bộ "hệ sinh thái"anh tạo dựng cho Thủa ấy xứ Đoài.
Đạo diễn Việt Tú chia sẻ với PV, ban đầu nhà đầu tư đã chấp nhận thỏa thuận cho anh lấy 40% giá trị tiền lương, 60% giá trị còn lại đổi lấy 10% kinh phí bán vé trong toàn bộ vòng đời sản phẩm Thủa ấy xứ Đoài.
Nhưng sau khi chương trình được làm xong thì họ đã hất anh ra khỏi dự án với lý do chương trình không đạt yêu cầu.
Vở diễn thực cảnh 'Thủa ấy xứ Đoài' của đạo diễn Việt Tú - Ảnh: NVCC
PV đã trao đổi với đạo diễn Việt Tú.
Cá nhân tôi nhận định chương trình Tinh hoa Bắc Bộ đã đánh cắp chất xám của đạo diễn Việt Tú, vi phạm bản quyền chương trình Thủa ấy xứ Đoài của anh ấy.
Tôi chịu trách nhiệm tạo hình tất cả con rối cho Thủa ấy xứ Đoài của Tập đoàn T.C.
Tôi làm xong xuôi suốt 2 năm nay nhưng vẫn chưa được thanh toán hết tiền.
Nhiều lần tôi vào tận nơi gặp người điều hành, nhưng không có câu trả lời. Họ vẫn còn nợ tôi 100 triệu đồng.
Cách hành xử của tập đoàn T.C. không xứng đáng với cách hành xử của doanh nghiệp lớn.
Tôi đi khắp đất nước làm rối cho rất nhiều chương trình nhưng chưa bao giờ gặp trường hợp như thế này.
Nghệ sĩ múa rối Chu Lượng
* Vì sao cho đến khi ra mắt Tinh hoa Bắc Bộ, anh mới lên tiếng?
- Thực ra ban đầu tôi muốn im lặng, nhưng hôm họp báo ra mắt vở Tinh hoa Bắc Bộ, tôi được biết nhà đầu tư là ông Đ.H.T. nói nhiều điều sai sự thật về tôi, nên tôi quyết định phải lên tiếng.
Tôi cho rằng tập đoàn T.C. đã có một kế hoạch truyền thông bài bản, với mục đích đưa báo chí mắc bẫy vào việc tạo ra sự so sánh 2 tác phẩm, qua đó PR miễn phí cho tác phẩm mới của họ tuy nhiên việc này đã không xảy ra.
Câu chuyện này đơn giản chỉ là một vụ vi phạm hợp đồng, một cách cư xử không đàng hoàng, câu chuyện đơn giản vậy thôi
* Nhà đầu tư tuyên bố Tinh hoa Bắc Bộ là vở mới, độc lập với vở Thủa ấy xứ Đoài. Anh nói gì về điều này?
- Trong một bài báo online chính họ đã tự nhận vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ được kế thừa và phát triển từ vở diễn của tôi từ nội dung và hình thức thể hiện.
Còn trong cuộc họp báo lại nói đây là hai vở không liên quan.
Trong một thời gian ngắn họ cho ra một chương trình xây dựa trên chính nền tảng của tôi, sau đó tuyên bố là chương trình mới, là không trung thực.
Bản quyền chương trình là của tôi, có Cục Bản quyền tác giả Việt Nam chứng thực tôi sở hữu chương trình thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam.
Dù họ có làm mới nội dung biểu diễn thì toàn bộ không gian biểu diễn là ý tưởng thiết kế của tôi và là một phần không thể tách rời của hình thức thể hiện chứ không như họ cố tình đánh tráo khái niệm đây là công trình xây dựng.
Tôi và ê-kip của mình phải tính toán thiết kế mô hình làng Việt, kiếm từng bụi tre, từng loại cây đặc trưng của Bắc Bộ về; tính toán các chất liệu dân gian, huấn luyện cho người nông dân biểu diễn… để tất cả hòa quyện tạo ra cảm xúc.
* Nhà đầu tư cho rằng ông ấy bỏ tiền đầu tư, mà vở diễn của anh không đáp ứng yêu cầu kinh doanh của tập đoàn nên phải bỏ để thay thế bằng vở hoàn toàn mới. Anh phản hồi gì về vấn đề này?
- Thủa ấy xứ Đoài khi mới công bố đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của truyền thông. Anh Đ.H.T. cùng gia đình khi đi xem, nghe bà con nông dân hát chay còn xúc động rơi nước mắt.
Tuy nhiên sau 10 suất diễn thì tập đoàn cho ngừng mà không hề nói rõ lý do. Lý do gần đây tôi mới nhận được nhưng rất chung chung. Nếu nói vở diễn không đạt tiêu chuẩn thì phải nói rõ không đạt ở điểm nào?
Một vở diễn ở sân khấu Broadway (Mỹ), diễn 1.000 buổi vẫn còn phải cập nhật, sửa liên tục. Vở Spider Man của Broadway là một vở diễn thất bại, nhưng họ phải diễn tới 2 năm mới xác định được là thành công hay thất bại.
Tôi làm Tứ Phủ, tới suất diễn thứ 300 vẫn còn yêu cầu họp đội ngũ sửa lại. Thủa ấy xứ Đoài mới diễn 10 lần, rồi nói không đạt và thay thế bằng vở khác "kế thừa" nguyên gốc là không trung thực.
Tôi đánh giá rất tốt Thủa ấy xứ Đoài của Việt Tú vì đây là chương trình tôn vinh được văn hóa Việt, được thể hiện bằng ngôn ngữ thời đại mới. Dù khách trong nước hay khách nước ngoài đều có thể đồng cảm được.
Ngoài ra đây còn là một chương trình có tính cộng đồng khi mời bà con nông dân ở vùng Sài Sơn tham gia biểu diễn.
Những người làm chương trình lớn và nghệ thuật như cách Việt Tú làm rất đáng hoan nghênh. Đây là một tinh thần nghệ thuật cần được đỡ đầu. Tôi rất tiếc không hiểu vì sao chương trình lại bị tạm dừng.
Tôi không trực tiếp tham gia dự án Thủa ấy xứ Đoài mà chỉ cử người tới giúp đạo diễn Việt Tú để tạo màu thời gian cho bối cảnh thôi.
Đó là những người thợ làng nghề ở Thạch Thất, Hà Tây. Họ tự phải bỏ tiền và công sức ra làm, nhưng đến giờ tập đoàn T.C. vẫn còn nợ họ 300 - 400 triệu đồng. Họ đều đang rất sốt ruột vì đó là một khoản lớn với gia đình họ.
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức
* Theo anh, Tinh hoa Bắc Bộ đã thừa hưởng những gì từ Thủa ấy xứ Đoài?
- Kế thừa toàn bộ từ sân khấu, từ quần áo, động tác múa, biểu diễn trên mặt nước, đào tạo người dân thành diễn viên, âm nhạc dân gian…
Thậm chí cả những dự định mà tôi định làm nhưng chưa có điều kiện làm cũng được họ triển khai trong Tinh hoa Bắc Bộdo không an toàn cho khán giả như con trâu.
Nhưng đừng đổ lỗi cho ông đạo diễn mới. Tôi biết đây là nhà đầu tư áp đặt cho ông đạo diễn phải làm. Tôi làm nghề nhìn là biết. Nếu là có danh dự sáng tạo, người ta sẽ không thể làm như thế vì nó quá rủi ro và điều này đang xảy ra với họ rồi.
Để làm được dạng chương trình này cần ít nhất một năm, nên tôi nghĩ có đến Trương Nghệ Mưu sang đây cũng phải kinh ngạc với tốc độ làm một chương trình "đồ ăn nhanh" như vậy.
Tôi ở vùng Chùa Thầy khi tôi còn là một cậu bé, gia đình tôi là gia đình rối nước, đó là kinh nghiệm tích lũy cả đời, mới làm được chương trình như thế.
* Sau khi lên tiếng động thái tiếp theo của anh là gì?
- Đây là chương trình nghệ thuật mà tôi không đủ khả năng để bỏ tiền ra làm như Tứ Phủ. Tôi biết ơn nhà đầu tư đã bỏ tiền ra cho tôi thực hiện vở diễn này. Nhưng cái gì cũng phải có giới hạn.
Nếu anh Đ.H.T. không chê vở diễn của tôi theo cách đã nói với các nhà báo thì tôi sẽ im lặng.
Nhưng cách nói đó đã xúc phạm đến tôi, và các nhà đầu tư hiện tại yêu cầu tôi phải lên tiếng để làm rõ, điều này cũng xúc phạm đến những người dân đã dồn toàn tâm toàn sức tham gia vở diễn này.
Tôi chỉ muốn lên tiếng để bảo toàn danh dự của mình.
Tôi lên tiếng chỉ vì tôi muốn mọi thứ phải được trả về đúng với giá trị của nó. Cái gì đầu tiên phải nói là đầu tiên, cái gì phái sinh thì phải nói là phái sinh. Đơn giản thế thôi. Nghệ sĩ hay doanh nghiệp đều phải sống thượng tôn pháp luật.
Sau buổi họp báo ra mắt Tinh hoa Bắc Bộ, ông Đ.H.T đã giải thích lý do bỏ Thủa ấy xứ Đoài để làm chương trình mới là Tinh hoa Bắc Bộ.
"Nói nôm na thế này, trên bàn ăn có món ăn mà ăn không tiêu thì các bạn ném đi chứ để làm gì. Phải nói thẳng thắn với nhau như vậy. Lương nhân công hàng chục tỷ đồng, phải bỏ hết, không giữ lại cái gì.
Lẽ ra vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ phải ra mắt cách đây ít nhất gần một năm rồi. Ở đây khách hàng, đối tác mới là quan trọng, họ phản hồi rằng họ không chấp nhận vở của Việt Tú.
Họ chỉ nói chung chung với mình là họ không cho khách đến. Họ không cho khách đến, thế thì bán vé cho ai, làm sao tồn tại?
Ý tưởng ban đầu của mình là muốn đưa tất cả nông dân tham gia để trở thành nghệ sĩ, nhưng bây giờ phải đưa đến 2/3 là nghệ sĩ chuyên nghiệp vào. Như thế thì tiền sẽ đội lên bao nhiêu?
Như thế này, tôi sẽ có một kịch bản nữa dành cho Việt Tú, nhưng Tú phải chau chuốt lại.
Tức là một đêm sẽ cho diễn 2 suất, một là Tinh hoa Bắc Bộ và còn lại là sô khác, nhưng vấn đề là ai sẽ làm cái này.
Tôi sẽ mời tất cả các đạo diễn giỏi nhất của Việt Nam, nếu như họ đưa ra đáp án và làm đến hoàn thiện thì thôi. Tôi sẽ ra đầu bài, đặt hàng và đó là quyền của chủ đầu tư".
Danh Anh (ghi)
* Nhà đầu tư nói văn hóa dân gian là thứ không phải của riêng ai. Họ có quyền khai thác vốn cổ?
- Ai cũng phải kế thừa thành tựu của người đi trước. Tôi chẳng ngại thừa nhận tôi kế thừa Ea Sola, Trương Nghệ Mưu. Nhưng vấn đề là kế thừa thế nào. Kế thừa có sáng tạo hay không?
Chứ còn phát triển trên một nền móng y chang của cái cũ mà nói là mới thì phải xem lại.
Tôi lên tiếng không phải để đòi nợ. Nếu nhận được trả phần tiền còn lại, tôi sẽ trả cho dàn diễn viên là người dân, tôi biết suốt 3 tháng qua khi chưa có đường hướng phát triển vở diễn, họ rất khó khăn, có người phải đi dọn vệ sinh.
Trước đó tôi im lặng để tránh gây hiểu lầm, điều tôi chờ đợi là thái độ cư xử lịch sự thay vì vu khống, tấn công nghệ sĩ theo kiểu người lớn bắt nạt người bé.
Nghệ sĩ từ vị trí nạn nhân lại bị dư luận coi là thủ phạm.
* Như anh nói đây là hợp đồng độc quyền tập đoàn T.C ký với công ty của anh. Khi đối tác đơn phương chấm dứt hợp đồng, anh có được đền bù gì không?
- Đây là một hợp đồng hợp tác độc quyền hai bên, không chỉ tại dự án Sài Sơn mà còn là các dự án văn hóa của công ty T.C Hà Nội trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Đấy là tầm nhìn của tôi khi kết hợp với anh T. Tôi không muốn lang thang làm sự kiện lẻ mãi, tôi muốn có một chương trình được đầu tư bài bản, lâu dài.
Sau nói khi diễn xong 10 buổi thì đóng cửa nhưng không giải thích lý do.
Tôi đến hỏi nhưng họ lờ đi và bây giờ là thông tin không trung thực mang tính xúc phạm
* Trong bài phỏng vấn mới nhất ông Đ.H.T. có khẳng định ý tưởng vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam là của ông ấy, anh có ý kiến gì?
- Khi tôi gặp anh Đ.H.T., tôi hỏi anh muốn làm gì ở khu đất này.
Anh ấy nhìn thẳng tôi và nói: "Nếu tôi biết thì tôi mời anh đến đây làm gì. Anh muốn làm gì thì làm, miễn sao tôi bán được vé".
Đó chính là trao đổi ban đầu để sau này có Thủa ấy xứ Đoài.
Nếu ông T. có rõ ràng ý tưởng rõ ràng như vậy tại sao lại không có trong hợp đồng?
Thực chất khi mời tôi làm dự án này, tôi đã được ông T. cho phép toàn quyền sáng tạo.
Tôi sẽ phải chịu trách nhiệm đó là sản phẩm văn hóa tử tế, không phải sản phẩm đạo nhái, ăn cắp. Bản quyền tác giả của chương trình thuộc về tôi.
Tôi đã xem vở diễn Thủa ấy xứ Đoài, khi bắt tay vào xây dựng Tinh hoa Bắc Bộ, lẽ dĩ nhiên tôi phải tránh xa mọi thứ liên quan đến cái trước đó. Video ghi hình trọn vẹn 2 show diễn tập đoàn T.C. cũng đang nắm, nếu cần sẽ có đối sánh.
Về sân khấu, tôi đã cùng các kiến trúc sư và thiết kế mỹ thuật lên phương án thay đổi. Mặt hồ đang không có cánh gà tôi đã bố trí các bè tre cánh gà để sử dụng mặt nước "tiết kiệm hơn" cho thuyền ghe đi lại, cái này vở cũ không hề sử dụng thuyền ghe.
Và layout về thiết kế ánh sáng cũng thay đổi khác biệt để phục vụ cho tuyến diễn kịch bản của tôi. Tôi bố trí thêm hệ thống hoa sen chìm dưới đáy hồ có thể nổi lên và tỏa sáng cho cảnh diễn thiền sư xuất hiện cùng các hệ thống tranh tứ bình chìm nổi sử dụng máy chiếu mapping, tương tác diễn viên.
Nhà 5 gian tôi không sử dụng nữa, tôi thiết kế thêm nhiều cụm cảnh trí phong phú để các màn trình diễn khán giả được luân phiên chuyển đổi cảm giác, không bị nhàm chán như thuyền Mẫu Thoải, bệ vua xuất hiện, huyền rồng quan họ cỡ đại, tái hiện không gian chợ quê và cảnh diễn chợ quê bên ngoài để tạo cho khán giả cảm xúc trước khi vào show diễn…
Tôi được giao quyền vào sử dụng hợp pháp sân khấu này. Nói nôm na "nhà hát" có sàn diễn, có màn rèm, có khán đài, có màn hình Led, có âm thanh ánh sáng - xem như là những cái cơ bản nền để đạo diễn phô diễn cái nội dung trên đó.
Không lẽ phải đập đi xây dựng lại cái "nhà hát", "sân khấu" này chỉ vì vở diễn thử nghiệm không đáp ứng được mong đợi của nhà đầu tư?
Nên hiểu khái niệm "phái sinh" là như thế nào để có cách nhận định cho chính xác và công tâm. Không thể dùng tùy tiện khái niệm này để nói Tinh hoa Bắc Bộ là một tác phẩm phái sinh.
Tôi là tác giả kịch bản, tôi xin khẳng định không phóng tác hay cải biên, chuyển thể gì từ một kịch bản nào khác cả. Hãy xem 2 vở diễn để có sự so sánh và đánh giá khách quan.
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam - NGỌC DIỆP (ghi)