“Lập lờ đánh lận con đen”
Theo danh sách do Sở GTVT TPHCM công bố trên website cho thấy, trên địa bàn TPHCM chỉ có khoảng 71 cơ sở, trung tâm, trường được cấp phép, đủ điều kiện đào tạo lái xe. Tuy nhiên trên thực tế, số lượng cơ sở, trung tâm đào tạo lái xe hiện nay đang hoạt động lại rất nhiều và quảng cáo tràn lan từ ngoài đường phố cho đến trên mạng...
Chúng tôi thử gõ cụm từ “Cơ sở đào tạo tái xe ô tô tại TPHCM” trên công cụ tìm kiếm Google, kết quả cho thấy có rất nhiều cơ sở, trung tâm không thuộc danh sách do Sở GTVT công bố vẫn hoạt động chiêu sinh đào tạo lái xe ô tô, thậm chí nhiều cơ sở còn quảng cáo “Đào tạo lái xe ô tô siêu rẻ”, “Lấy bằng cấp tốc”, “Bao đậu 100%”…
Chúng tôi click ngẫu nhiên vào Trung tâm đào tạo lái xe TPHCM (đóng tại đường 3/2, phường 12, quận 10), được quảng cáo trên mạng có giá đào tạo bằng lái ô tô hạng B2 trọn gói chỉ 3,5 triệu đồng. Khi liên hệ với một nhân viên theo số điện thoại được quảng cáo, thì được biết giá 3,5 triệu đồng chỉ áp dụng đối với những người đã biết lái xe ô tô và chỉ cần học thêm 2 giờ thực hành để ôn luyện trước khi thi; còn đối với người mới học thì giá 5,3 triệu. “Tuy nhiên, giá đó chỉ là học phí đào tạo thôi, ngoài ra khi thi anh phải đóng thêm 1,9 triệu đồng lệ phí thi. Anh yên tâm, Trung tâm bên em trực thuộc Sở GTVT TPHCM và đã thành lập lâu rồi” – một nhân viên Trung tâm đào tạo lái xe TPHCM nói.
Thế nhưng, khi tra lại danh sách các cơ sở đào tạo lái xe do Sở GTVT công bố thì không thấy có cơ sở nào tên Trung tâm đào tạo lái xe TPHCM. PV cũng liên hệ với một cán bộ Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe Sở GTVT thì được vị này cho biết, Trung tâm đào tạo lái xe TPHCM tự nhận mình trực thuộc Sở GTVT là không đúng và trung tâm này cũng không nằm trong dach sách các cơ sở đã được Sở GTVT cấp phép đào tạo lái xe.
“Hiện nay, trên mạng xuất hiện rất nhiều cơ sở, trung tâm đào tạo lái xe quảng cáo, chiêu sinh đào tạo lái xe ô tô, nhưng thực ra trong số này có nhiều cơ sở chưa hề được Sở GTVT cấp phép đào tạo. Một số cơ sở này còn lấy cả hình ảnh đào tạo lái xe của cơ sở đào tạo lái xe khác để làm hình ảnh minh hoạ quảng cáo nhằm lôi kéo học viên. Nếu người dân không tìm hiểu kỹ thì rất dễ bị lừa hoặc đào tạo lái xe không bài bản, vì thực chất họ hoạt động giống như môi giới mà thôi” – một cán bộ Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe Sở GTVT cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Long – GĐ Trung tâm đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe Hoàng Gia, cho biết: “Chúng tôi cũng đau đầu vì tình trạng trên mạng xuất hiện một số cơ sở mạo danh Trung tâm đào tạo lái xe Hoàng Gia để chiêu sinh học viên. Văn phòng chính của chúng tôi tại số 37-39 Nguyễn Thiện Thuật (phường 2, quận 3) và Trung tâm sát hạch lái xe Hoàng Gia tại số 6, 7, 8, 9 Kênh 11, đường Vườn Thơm, Bình Lợi, Bình Chánh), nhưng trên mạng lại xuất hiện một số địa chỉ khác ở quận 2, 7 nên khiến nhiều người nhầm tưởng. Thậm chí, có cơ sở còn lấy hình ảnh của Trung tâm đào tạo lái xe Hoàng Gia để quảng bá theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen”.
Quảng cáo rầm rộ đào tạo lái xe ô tô siêu rẻ trên mạng. Ảnh: Huyền Trân |
Không có phép vẫn chiêu sinh đào tạo lái xe
Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động tại Văn phòng đại diện Cty TNHH đào tạo lái xe Phương Nam (Phường 15, quận 10, TPHCM). Kết quả kiểm tra cho thấy, Cty đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là giáo dục nghề nghiệp, chi tiết: dạy nghề. Cty không hề có giấy phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Sở LĐTB&XH và giấy phép hoạt động đào tạo lái xe của Sở GTVT TPHCM cấp – có nghĩa Cty Phương Nam không đủ điều kiện để tuyển sinh và đào tạo lái xe.
Tuy vậy, trên thực tế Cty này vẫn nhận hồ sơ đào tạo lái xe, chi phí đào tạo lái xe hạng B2 do Cty thu 6,5 triệu đồng/người. Được biết, Cty nhận hồ sơ của học viên, sau đó gửi cho những người môi giới để những người môi giới gửi hồ sơ cho các trường, trung tâm đào tạo lái xe khác. “Đáng nói, việc tổ chức tuyển sinh đào tạo lái xe của Cty không có giấy tờ chứng minh là đang thực hiện tuyển sinh cho bất kỳ một cơ sở đào tạo nào cụ thể nhưng vẫn thực hiện nhận hồ sơ và ký hợp đồng dịch vụ đào tạo lái xe ô tô với học viên” – một cán bộ Thanh tra Sở GTVT cho biết.
Tương tự, khi kiểm tra Văn phòng tuyển sinh lái xe của Cty TNHH đào tạo lái xe Hoàng Lộc (phường 8, quận Phú Nhuận, TPHCM), ngành nghề được cấp phép kinh doanh chính là hoạt động tư vấn quản lý (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật) và ngành nghề phụ là giáo dục nghề nghiệp, chi tiết: dạy nghề. Ngoài giấy phép đăng ký ngành nghề trên, thì Cty Hoàng Lộc cũng không có giấy phép của Sở LĐTB&XH, Sở GTVT liên quan đến đào tạo lái xe.
Khi người dân có nhu cầu học lái xe, nhân viên Cty Hoàng Lộc tư vấn các thủ tục cho người dân. Nếu người dân đồng ý học lái xe sẽ điền vào các giấy tờ gồm: Đơn xin học thi giấy phép lái xe, hợp đồng dịch vụ tư vấn học lái xe, giấy khám sức khỏe của người lái xe. Cty thu học phí đào tạo lái xe hạng B2 của học viên 5,5-6 triệu đồng/người; hạng C từ 7,5 đến 8 triệu đồng/người. Trong quá trình kiểm tra, Thanh tra Sở GTVT cũng phát hiện hồ sơ mà Cty tiếp nhận của học viên không có hợp đồng đào tạo mà chỉ có hợp đồng tư vấn học lái xe ô tô, giấy khám sức khỏe để trống không ghi nội dung, không dán ảnh…
Sau kiểm tra, Thanh tra Sở GTVT đã kiến nghị các đơn vị liên quan xử lý nghiêm những vi phạm của 2 cơ sở này; đồng thời, đề nghị Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe Sở GTVT có văn bản khuyến cáo các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn TPHCM không thực hiện việc nhận hồ sơ từ các văn phòng ghi danh, chiêu sinh không phép của Cty Hoàng Lộc, Phương Nam.
Để chấn chỉnh tình trạng loạn cơ sở đào tạo lái xe ô tô trên địa bàn thành phố, ông Võ Trọng Nhân – Trưởng Phòng Quản lý và sát hạch cấp giấy phép lái xe Sở GTVT TPHCM – cho biết: “Sắp tới, chúng tôi có kế hoạch rà soát, kiểm tra và đề xuất xử lý nghiêm những cơ sở, trung tâm chiêu sinh đào tạo lái xe không đúng ngành nghề được cấp phép kinh doanh, không có giấy phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Sở LĐTB&XH cũng như không có giấy phép hoạt động đào tạo lái xe của Sở GTVT TPHCM. Đặc biệt, chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu, làm rõ tình trạng một số cơ sở không đào tạo bài bản, đúng quy định, mà chủ yếu hoạt động giống như “cò” môi giới, tiếp nhận hồ sơ đào tạo lái xe của học viên rồi gửi vào các cơ sở, trung tâm đào tạo lái xe khác được cấp phép đàng hoàng để hợp thức hóa hồ sơ”.