Liên đoàn Lao động Gyungki (Hàn Quốc) - Chỉ vì người lao động

LĐNA| 25/08/2017 21:32

Năm 2013, tôi được cử sang thăm và làm việc với Liên đoàn Lao động Gyungki (Hàn Quốc). Việc được sang thăm và làm việc với tổ chức công đoàn khác thể chế làm tôi rất háo hức với mong muốn được tìm hiểu, học hỏi và nghiên cứu, hầu mong áp dụng vào công việc của mình. Tuy vậy, với thời gian ngắn và làm việc theo chương trình đối ngoại nên công việc nghiên cứu có phần hạn chế. Song những gì được công đoàn bạn trao đổi qua buổi làm việc cũng đã cho tôi những kinh nghiệm, xin được chia sẻ.

Liên đoàn Lao động Gyungki (Hàn Quốc) - Chỉ vì người lao động

LĐLĐ Gyungki đón LĐLĐ tỉnh Nghệ An sang Hàn Quốc trao đổi kinh nghiệm hoạt động công đoàn

Vai trò của thủ lĩnh

Hàn Quốc có 2 tổ chức công đoàn lớn là Liên đoàn Lao động Hàn Quốc (FKTU) thành lập năm 1961 và Tổng Công đoàn Hàn Quốc (KCTU) thành lập năm 1995. Và tôi đang nói đến Liên đoàn Lao động Hàn Quốc, với hơn 1 triệu đoàn viên.
Nơi tôi đến thăm và làm việc là Liên đoàn Lao động Gyungki (FKTUGG) thuộc Liên đoàn Lao động Hàn Quốc - tổ chức có 18 chi nhánh địa phương, 650 công đoàn cơ sở và khoảng 160.000 lao động, làm việc trong các lĩnh vực kim loại, hóa học, xe hơi, xe taxi, dệt, chế biến thực phẩm…
Điều đầu tiên họ nói về hoạt động công đoàn là mục tiêu hướng đến tạo môi trường làm việc thoải mái, tăng cường hoạt động bảo vệ sức khỏe, môi trường làm việc an toàn, không có tai nạn với đối tượng là người lao động trực tiếp. Một hoạt động để lại trong tôi nhiều suy nghĩ là FKTU đã tổ chức lễ tưởng niệm những người lao động đã qua đời vì tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp lần thứ 12 tại Seoul vào ngày 27/4/2011. Họ kêu gọi các chi nhánh của mình từ ngày 23 đến ngày 28 hãy tổ chức một hoạt động nào đó có ý nghĩa như: Đeo một dải băng đen, dành một phút im lặng trước mỗi cuộc họp hay treo băng rôn…
Dưới khẩu hiệu - An toàn nơi làm việc - FKTU đã kêu gọi và đấu tranh để giảm giờ làm việc dài, cải tiến chế độ làm việc ca đêm và cải cách các tiêu chuẩn công nhận các bệnh liên quan đến công việc. Đối với FKTU, ngày Quốc tế Lao động (1/5) hàng năm đã trở thành ngày hội của công nhân lao động với hoạt động chạy Marathon. Năm 2012, kỷ niệm 122 năm ngày Quốc tế Lao động, giải Marathon do FKTU tổ chức với khẩu hiệu xây dựng thế giới với giá trị cao nhất bởi lao động và tạo môi trường làm việc an toàn, đã thu hút hơn 10.000 người tham gia, bao gồm cả công nhân lao động và cộng đồng. Ngoài ra, một chuỗi hoạt động cũng được tổ chức trong dịp này như: Cuộc thi tài năng, biểu diễn đường phố, triển lãm về phòng chống tai nạn lao động, tổ chức tư vấn, dịch vụ pháp lý, kiểm tra sức khoẻ, tư vấn cho lao động nữ… Những hoạt động này cũng khá gần giống với “Tháng Công nhân” của Công đoàn Việt Nam kêu gọi tổ chức trong những năm gần đây. Còn đối với FKTUGG, ngoài việc vận động, kêu gọi đoàn viên tham gia hoạt động, họ còn hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa để nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động. Lễ hội nghệ thuật văn hóa lao động Gyungki diễn ra hàng năm và trở thành lễ hội dành cho những người lao động trực tiếp. FKTUGG cũng hỗ trợ tổ chức lễ hội văn hóa ở các địa phương để tạo nên sự đa dạng trong hoạt động nâng cao đời sống tinh thần.
Bộ máy cán bộ công đoàn chuyên trách rất gọn nhẹ - ngoài phòng làm việc riêng của Chủ tịch, Phó Chủ tịch - các cán bộ, chuyên viên đều làm việc trong phòng chung theo kiểu cabin. Văn phòng của FKTUGG nằm trong toà nhà văn phòng chung, không có trụ sở riêng. Đội ngũ lãnh đạo được bầu từ những lãnh đạo công đoàn của các hãng. Đó là những thủ lĩnh của người lao động, những người rất am hiểu và có phương pháp trong tổ chức đấu tranh đòi quyền lợi cho người lao động. FKTUGG cũng tham gia hoạt động để tạo dựng vị thế và ảnh hưởng chính trị, hiện có 1 nghị sĩ Quốc hội, 3 nghị viên tỉnh và giữ mối liên hệ mật thiết với các nghị viên xuất thân từ tổ chức công đoàn trước đây.
Tôi được lãnh đạo của FKTUGG chia sẻ rằng, hoạt động công đoàn rất cần những người thủ lĩnh, họ là những người đi đầu, tiên phong trong các cuộc đấu tranh, tiếng nói của họ như một lời hiệu triệu, có sức thuyết phục và kêu gọi hàng ngàn người lao động tham gia. Tôi cũng lấy làm bất ngờ khi được biết, những người thủ lĩnh này nếu không trúng cử tại các cuộc bầu cử vào lãnh đạo FKTUGG thì đều trở về các hãng, nhà máy nơi đã từng công tác để làm việc. Ở đó, họ có còn được tham gia công đoàn nữa hay không là tùy thuộc vào mức độ tín nhiệm của người lao động tại các hãng. Điều đáng nói là họ được các hãng bảo đảm việc làm khi không còn tham gia công đoàn nữa. Ở nước ta, những cán bộ công đoàn khi kêu gọi công nhân lao động tham gia đấu tranh đòi quyền lợi rất dễ bị giới chủ sa thải vì nhiều lý do khác nhau. Thậm chí, họ cũng có thể rất khó khăn khi tìm việc tại các công ty khác. Với quy định của pháp luật hiện hành, cán bộ công đoàn chuyên trách được coi là cán bộ công chức do đó nguồn hình thành đội ngũ chủ yếu là từ các cơ quan nhà nước chuyển sang hoặc thi tuyển. Những cán bộ công đoàn bán chuyên trách trong các doanh nghiệp rất khó trở thành cán bộ công đoàn chuyên trách. Vì thế, bảo vệ quyền lợi cho cán bộ công đoàn bán chuyên trách trong đấu tranh và tuyển chọn những thủ lĩnh công đoàn trong các doanh nghiệp vào làm cán bộ công đoàn chuyên trách đang là vấn đề cần được nghiên cứu.
Quyền lợi người lao động trên hết
Cùng với việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi người lao động, FKTUGG cũng quan tâm tổ chức các hoạt động khác hướng đến mục tiêu tăng cường quyền lợi cho người lao động. Điển hình năm 2008, họ đã khánh thành Hội quán phúc lợi lao động tổng hợp Gyungki sau 2 năm xây dựng, cũng năm đó họ mở nhà trẻ FKTUGG để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái. FKTUGG cũng thành lập Tổ chức văn hóa khuyến học với chức năng chủ yếu là làm công tác khuyến học; tổ chức các hoạt động sự nghiệp về văn hóa nghệ thuật, phúc lợi, xuất bản góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Năm 2012, tổ chức này đã trợ cấp cho 1.026 người, với tổng số tiền hơn 1,1 triệu Won. Cũng giống như các tổ chức công đoàn khác trên thế giới, các tổ chức công đoàn của Hàn Quốc cũng tổ chức cho công nhân lao động đấu tranh đòi quyền lợi bằng các cuộc thương lượng hoặc biểu tình để gây sức ép với giới chủ. Việc tổ chức thương lượng được quy định bởi luật pháp. Khi công đoàn yêu cầu, người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải chấp nhận các yêu cầu và thực hiện quá trình đàm phán mang tính thiện chí. Việc từ chối hoặc bỏ đi khi đàm phán từ phía người sử dụng lao động là vi phạm quyền và có thể bị phạt theo "thực hiện lao động không công bằng".
Cấp độ chủ yếu của cơ chế thương lượng tập thể ở Hàn Quốc là tại công ty với nội dung thoả thuận thường là về mối quan hệ lao động, giờ làm việc, môi trường, an toàn và an ninh lao động, ngày nghỉ và ngày lễ, quyền của công đoàn ở nơi làm việc… Các tranh chấp được giải quyết trực tiếp giữa công đoàn và người sử dụng lao động, dưới quyền của các Ban Lao động ba bên đại diện cho lợi ích của người sử dụng lao động, người lao động và Chính phủ.
Không chỉ đấu tranh với giới chủ để bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, FKTU còn kêu gọi đoàn viên và các công đoàn liên kết đấu tranh với Chính phủ. Tháng 3/2010, FKTU tổ chức cuộc tập hợp 5.000 người tham gia đấu tranh yêu cầu sửa đổi đầy đủ Đạo luật Điều chỉnh Quan hệ Lao động và Điều chỉnh Quan hệ Lao động (TULRAA). Tháng 2/2011, tại hội nghị đại biểu thường niên, FKTU đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với Đảng Quốc đại cầm quyền (GNP) nhằm phản đối nội dung Luật Công đoàn và Quan hệ Lao động sửa đổi và kêu gọi thiết lập quan hệ hợp tác với KCTM nhằm cùng nhau tham gia biểu tình, đấu tranh phản đối chính sách đàn áp công đoàn của Chính phủ. Gần đây, tháng 11/2016 FKTU tổ chức cuộc biểu tình với sự tham gia của 50.000 công nhân cáo buộc Chính phủ đã đưa ra các biện pháp ưu đãi cho các công ty lớn nhưng lại ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Liên đoàn Lao động Gyungki (Hàn Quốc) - Chỉ vì người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO