Lễ hội diễn ra ở Dinh Cô, dưới mom núi Thùy Vân thuộc ấp Hải Sơn, thị trấn Long Hải huyện Long Đất. Người dân địa phương thường gọi đây là lễ hội Dinh Cô.
Hàng năm, cứ đến ngày mồng 10 tháng 2 âm, lịch hàng chục ngàn người ở khắp các miền quê tề tựu về Dinh Cô (Thị trấn Long Hải - Bà Rịa - Vũng Tàu) tham dự lễ hội. Đây là lễ hội không thuộc loại lâu đời nhưng lại được coi là một trong những lễ hội nước lớn nhất của ngư dân ven biển Nam Bộ.
Lễ hội Dinh Cô nằm trong hệ thống lễ hội thờ Mẫu - Nữ thần tiêu biểu của ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhưng đây không đơn thuần chỉ thờ Mẫu - Nữ thần mà là sự kết hợp của lễ hội Cầu Ngư với tục thờ cúng Thần biển (Bà Thủy Long, cá voi của người Chăm) và tín ngưỡng thờ Mẫu - Nữ thần của cư dân địa phương.
Trong 3 ngày ở lễ hội, người địa phương và du khách sẽ thức thâu đêm, suốt sáng với những lễ hội đặc trưng như thả đèn hoa đăng, đánh trống, chiêng, đua thuyền và hát "bả trạo".
Lễ hội Dinh Cô còn được gọi là lễ giỗ cô và đã dần được phát triển lên thành lễ hội, mục đích cầu cho quốc thái dân an và đặc biệt là ngư dân làm ăn được phát triển.
Ngày 16/1/1995, Dinh Cô đã được Bộ Văn Hóa công nhận là di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia và Lễ hội Dinh Cô cũng được xếp là một trong những sự kiện văn hóa – du lịch lớn nhất trong năm của Bà Rịa - Vũng Tàu, đã thu hút rất nhiều khách thập phương, nhất là người dân miền biển khắp nơi đổ về tham dự.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có khoảng 210 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê. Trong đó có hai lễ hội gồm Lễ hội Dinh Cô (ở huyện Long Điền) và Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam (ở TP. Vũng Tàu) đã đáp ứng các tiêu chí để ghi danh vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia.