Chính sách & Quản lý

Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2024: Kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm văn hóa nghệ thuật, du lịch độc đáo

Ly Ly 26/01/2024 19:14

Sáng ngày 26/1, Đoàn kiểm tra về công tác Lễ hội năm 2024 do Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại huyện Mê Linh, Hà Nội.

Cùng đi còn có đồng chí Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hoá và Gia đình, đại diện Thanh tra Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội. Tiếp đoàn, có đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương, đại diện Ban Tuyên giáo huyện, Phòng Văn hoá Thông tin huyện, Trung tâm Văn hoá Thể thao huyện cùng các phòng ban liên quan đến công tác lễ hội trên địa bàn huyện năm 2024.

2(1).jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Chia sẻ với Đoàn công tác về tình hình chuẩn bị triển khai các hoạt động Lễ hội trên địa bàn huyện Mê Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, lễ hội năm 2024 tại huyện Mê Linh dự kiến sẽ là lễ hội mang tính chất đột phá từ trước đến nay. UBND huyện đang chỉ đạo các đơn vị, phòng ban liên quan chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để hoạt động lễ hội được diễn ra trang trọng, thuận lợi, thành công, hiệu quả, an toàn; tạo được không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân địa phương cũng như du khách thập phương đến với lễ hội Mê Linh năm 2024. UBND huyện chủ trương đưa sản phẩm văn hoá mới nhằm phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá của di tích; góp phần thúc đẩy văn hóa du lịch tâm linh gắn với phát huy tiềm năng giá trị di sản trên địa bàn huyện. Trong đó đặc biệt là chương trình Lễ kỷ niệm 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2024 tại Khi di tích lịch sử đền thờ Hai Bà Trưng Mê Linh, làng Hạ Lôi, huyện Mê Linh – trên vùng đất thiêng đắc địa, ngay chính nơi Hai Bà sinh ra, lớn lên, tế cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng vương và định đô.

3.jpg
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương phát biểu tại buổi làm việc

Chương trình lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 15/02/2024 đến hết ngày 17/02/2024 (tức từ mùng 6 đến hết mùng 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024. Trong đó, chương trình nghệ thuật “Âm vang Mê Linh” được tổ chức mở màn vào tối 15/02/2024 (mùng 6 tháng Giêng Âm lịch) và con đường nghệ thuật sáng tạo “Âm vang nguồn cội” dự kiến kéo dài trong thời gian một tháng.

1(1).jpg
Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đánh giá cao sự chuẩn bị và vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn huyện Mê Linh, trong đó đặc biệt phải kể đến điểm nhấn trong lễ hội trên địa bàn huyện năm nay chính là huyện sẽ đưa sản phẩm văn hoá để phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá của Thủ đô. Huyện Mê Linh cần quan tâm chuẩn bị chi tiết, kỹ lưỡng từ kế hoạch tổ chức đến kịch bản triển khai, thiết kế bộ nhận diện riêng của lễ hội… Đồng chí Trần Thị Vân Anh mong muốn huyện Mê Linh sẽ tổ chức thành công hơn nữa hoạt động lễ hội trên địa bàn huyện nói chung và lễ hội Hai Bà Trưng nói riêng để từ đó nâng lễ hội Hai Bà Trưng lên một tầm cao mới trong thời gian tới.

Điểm nhấn của Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2024 sẽ là chương trình nghệ thuật trình diễn âm thanh, ánh sáng đặc sắc theo công nghệ hiện đại “Âm vang Mê Linh”.

5(1).jpg
Một cảnh dàn dựng trong chương trình nghệ thuật "Âm vang Mê Linh"

Chương trình là hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị hai vị kiệt nữ, Anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trung Nhị cùng các tướng lĩnh tham gia cuộc khởi nghĩa giành lại nền độc lập dân tộc vào những năm 40-43 sau Công nguyên. Thông qua chương trình, Ban tổ chức mong muốn khơi dậy niềm tự hào trong lòng mỗi người dân đất Việt, khẳng định tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, không chịu khuất phục trước kẻ thù của người Việt từ xưa đến nay.

Đây cũng là hoạt động thiết thực và ý nghĩa đối với học sinh, sinh viên, du khách thập phương, là dịp để nhân dân được tham quan, du lịch tâm linh và tìm hiểu văn hóa, lịch sử vùng đất Mê Linh xưa, đời sống của nhân dân Âu Lạc buổi đầu dựng nước và giữ nước, được hiểu thêm về những giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc; thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ đối với quê hương đất nước.

Chương trình kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm nghệ thuật, văn hóa du lịch độc đáo, mang đến một sự lựa chọn mới trong các chương trình giáo dục trải nghiệm của các trường học, các chương trình tour của các đơn vị lữ hành, tạo ra các hoạt động bên lề, các sản phẩm phái sinh để hình thành “hệ sinh thái Âu Lạc”, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, tương xứng với bề dày văn hoá lịch sử của huyện./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2024: Kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm văn hóa nghệ thuật, du lịch độc đáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO