Làng Hậu Dưỡng và chùa Hải Ngạn

Đào Ngọc Du| 19/10/2018 17:26

Thôn Hậu Dưỡng, ngày nay thuộc xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Hậu Dưỡng là làng cổ, hàng ngàn năm tuổi, do hai người họ Nguyễn và họ Trần từ miền bây giờ là Phú Thọ xuống khai khẩn lập ấp, gọi là Ấp Thiên Dưỡng. Sau đó có nhiều người tìm đến sinh sống, dân cư đông đúc, đồng ruộng khai khẩn lớn hơn, nên gọi là Trang Thiên Dưỡng. Khi Trang Thiên Dưỡng thờ Thành hoàng là ba ông có công chống người nhà Thục từ phương Bắc tên là Hối Dưỡng, Hối Đường, Hối Độ, thì Trang Thiên Dưỡng lại đổi thành làng Hối Dư

Làng Hậu Dưỡng và chùa Hải Ngạn
Cổng làng Hậu Dưỡng
Thôn Hậu Dưỡng và cả xã Kim Chung, trước năm 1960, thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1961, Nhà nước cắt xã Kim Chung về huyện Đông Anh, Hà Nội. Hậu Dưỡng là làng ven bờ Bắc sông Hồng, đối ngạn với bờ Nam là các làng Chèm, Vẽ, thời chống Mỹ cứu nước có bến phà Chèm nổi tiếng nằm cận kề Kinh thành Thăng Long xưa, Thủ đô Hà Nội nay.

Trước năm 1990, xã Kim Chung và thôn Hậu Dưỡng là một làng thuần nông, có chín mươi lăm phần trăm dân làm nông nghiệp.

Năm 1993, Nhà nước thành lập Khu công nghiệp Thăng Long, một phần đất làng Hậu Dưỡng được chuyển giao để xây dựng khu công nghiệp và cũng từ năm 1993, thôn Hậu Dưỡng đã thay đổi khác xưa: Hàng trăm con, em vào làm việc cho khu công nghiệp, hiện nay có đến 70% dân làng chuyển sang làm dịch vụ thương mại, đường làng đã dần dần hình thành đường phố và làng cũng dần dần thành làng phố.

Hậu Dưỡng là thôn có truyền thống yêu nước và cách mạng, chi bộ Đảng được thành lập từ năm 1946. Năm 1947 cả thôn thực hiện triệt để chủ trương tiêu thổ kháng chiến, toàn bộ những công trình kiến trúc như đình, chùa, đều bị phá hủy. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thôn có ba bà mẹ Việt Nam anh hùng, hai mươi bảy liệt sĩ, hai mươi bảy thương binh và hàng chục sĩ quan bộ đội, công an trung cao cấp đang làm nhiệm vụ ở nhiều vũng Tổ quốc.

Làng Hậu Dưỡng và chùa Hải Ngạn
Dấu tích còn lại của ngôi tháp cổ tại cụm di tích lịch sử thôn Hậu Dưỡng. Ảnh: Đào Ngọc Du
Thôn Hậu Dưỡng có cụm di tích lịch sử đình, chùa, cả hai đều bị phá dỡ, phục vụ tiêu thổ kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1947. Hiện nay chỉ có đình được xây dựng lại và đã được cấp bằng Di tích lịch sử cấp Thành phố. Ngôi chùa hiện vẫn trong tình trạng hoang phế, đất chùa trong những năm chiến tranh phá hoại, do mở con đường đi ở giữa, nên khuôn viên chùa bị chia làm hai: nửa bên trái chỉ còn lại ngôi tháp cổ, còn phần lớn đất được lấy làm phòng khám đa khoa, nửa bên phải còn lại cái giếng cổ và mấy gian chùa cấp bốn đơn sơ. 

Theo cụ Phan Văn Hựu, 99 tuổi, nguyên là sĩ quan bộ đội phòng không - không quân đã nghỉ hưu cho biết: Cụ là người từng chứng kiến ngôi chùa bị tháo dỡ vào đầu năm 1947. Tượng Phật chuyển đi các chùa nhỏ trong miền, chuông lớn bị nhà sư bán sang chùa làng Vẽ. Cụ Nguyễn Văn Bách 88 tuổi, nguyên là sĩ quan quân đội chuyển ngành, nay cũng đã nghỉ hưu kể lại: Trước năm 1947, ngôi chùa rất đẹp, nằm trên khuôn viên rộng hàng chục nghìn mét vuông, với nhiều cây cổ thụ, các buổi chiều, cụ và các bạn cùng trang lứa trong làng thường ra chơi bắn chim, đánh khăng, đánh đáo...

Theo cụ Bách, lúc đầu chùa được xây dựng trên gò đất có hình con cá, do những người họ Nguyễn từ Phú Thọ về sống xây dựng chùa và đặt tên là chùa Hải Ngạn - Có nghĩa là chùa ở bên bờ nước sông Hồng nên gọi là Hải Ngạn. Chùa Hải Ngạn có từ thời vua Lý Thánh Tông. Thế rồi người đời sau thấy chùa nằm giữa khu rừng mênh mông, vắng vẻ nên gọi là chùa Ngàn. Vào thời nhà Lê, nhà Nguyễn, khi đo đạc địa chính, dân làng lại phát hiện ra ngôi chùa nằm trên mảnh đất có hình chim phượng, nên gọi là chùa Con Phượng như tên gọi bây giờ.

Trong lần về thăm cụm di tích lịch sử thôn Hậu Dưỡng mới đây, giáo sư sử học Lê Văn Lan đã có những nhận xét và đưa ra kết luận: 

"Phần đất chùa phía bên trái có ngôi Tháp cổ rất quý, đó là ngôi tháp - mộ có từ thời nhà Lê. Phần đất bên phải chùa, còn có cái giếng cổ: Đáy giếng lát gỗ lim, thành giếng xây gạch Bát Tràng, miệng giếng viền đá xanh, những rãnh dây kéo  nước mòn thành những rãnh sâu vẫn còn nguyên đến bây giờ. Đây là cái giếng có niên đại khởi đào từ thời Lý - Trần.

Trong buổi giao lưu với các cụ cao niên và các cấp chính quyền thôn Hậu Dưỡng, Giáo sư sử học Lê Văn Lan đã phát biểu và có những nhận xét về nguồn gốc ngôi chùa, niên đại những di tích còn lại và giá trị của ngôi chùa.

Các cụ cao niên trong thôn cũng đã phát biểu, cung cấp nhiều thông tin  cụ thể và sinh động về ngôi chùa. Có cụ còn tuyên bố sẽ sẵn sàng trả lại cho chùa phần đất đang được canh tác ở cạnh địa giới hiện tại của chùa. Những người từng sống gắn bó với ngôi chùa làng mình, quê hương mình, của cái tuổi thanh, thiếu niên thủa nào, đều đã nói lên nguyện vọng của mình, của dân làng, đồng thời tha thiết đề nghị với các cấp chính quyền thôn, khôi phục lại ngôi chùa thờ Phật, đàng hoàng, trong đẹp và linh thiêng như xưa. Chắc chắn đáp ứng nguyên vọng xã hội và tâm linh của nhân dân trong thôn, trong xã cũng như của nhân dân các thôn, xã khác trong vùng, nếu thực hiện được đủ đầy và sớm sủa thì đó sẽ là công ích và công đức không hề nhỏ vậy, tạo phúc lộc cho dân làng cả hiện tại và muôn đời sau. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Làng Hậu Dưỡng và chùa Hải Ngạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO