Làm báo Người Hà Nội với nhà văn Tô Hoài

Phan Thị Thanh Nhàn| 20/06/2018 09:25

Năm 1985, tôi từ báo Hà Nội mới chuyển về làm việc tại tuần báo Người Hà Nội do nhà văn Tô Hoài làm Tổng biên tập. Cơ quan không nhiều, chỉ hơn mười anh chị em, mà biên tập viên là một số nhà văn nhà thơ có tiếng ở Hà Nội như Bằng Việt, Triệu Bôn, Tô Hà, Chử Văn Long…

Làm báo Người Hà Nội với nhà văn Tô Hoài
Nhà văn Tô Hoài. Ảnh: An Thành Đạt
Lúc ấy, ngoài bác Tô Hoài làm Tổng biên tập, còn có anh Bằng Việt làm Phó Tổng biên tập và anh Triệu Bôn làm trưởng ban biên tập. Tuy là phó nhưng anh Bằng Việt lại kiêm Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội nên rất bận, ít thời gian làm báo. Vì thế bài vở, cộng tác viên, họp báo, giao ban, in ấn… đều do bác Tô Hoài chịu trách nhiệm.

Tháng 5/1985, khi báo ra những số đầu tiên, tuy đã cao tuổi, nhà văn Tô Hoài vẫn tự mình xuống nhà in, có khi thức cùng anh chị em công nhân để theo dõi và đôn đốc việc in báo. Những năm 1985 - 1986 là thời kỳ báo Người Hà Nội khởi sắc nhất.

Các chuyên mục  do nhà văn Tô Hoài trực tiếp phụ trách như: Truyện ngắn, Văn vật Thủ đô, Chuyện cũ Hà Nội… đều được bạn đọc yêu thích. Nhiều nhà văn và bạn viết cao tuổi như các cụ Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Văn Uẩn, Chu Hà, Lạc Nam, Thái Bá Vân… cùng bạn viết các tỉnh đã nhiệt tình cộng tác với sự có mặt của các cây bút nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc.

Nhà văn Tô Hoài là người đã làm báo, viết báo nhiều năm. Vừa làm Tổng biên tập, phải duyệt và sửa bài, bác vẫn  thường xuyên viết từ các mẩu tin nhỏ, vài dòng trong mục “Hộp thư” hoặc “Trả lời bạn đọc” đến “Sổ tay phóng viên” rồi xã luận, truyện ngắn và nhiều tiểu luận, chuyên mục mà phía dưới bài viết thường ký các bút danh Hồng Hoa, Duy Phương, Trà My, có khi là PV hoặc NHN (Người Hà Nội).

Nhiều buổi trưa, cả tòa soạn ở lại cơ quan. Có hôm tôi thấy nhà văn mở cặp lấy ra bữa trưa và thong thả ngồi ăn. Tôi nhìn mà không hiểu bác đang ăn món  gì, bèn lại gần xem thử:

- Bánh mì hay cơm nắm đấy ạ?

Nhà văn cười tủm, đưa ra một nắm trăng trắng vàng vàng. Tôi kêu:

- Ối giời, phẩm oản từ hôm Tết hay sao? Chắc là cụ thấy trên bàn thờ có sẵn, cứ thế cho vào cặp mang đi rồi!

Nói xong, tôi cầm phẩm oản đã rắn như đanh giấu đi. Nhà văn cười:

- Nhai kỹ nó vẫn bùi bùi thơm thơm, ngon đáo để! Thôi, các cô các cậu đi với mình ra ngõ Hàng Chiếu nhé!

Cả bọn nhao nhao vỗ tay và đi cùng Tổng biên tập ra cái ngõ phía cửa ngách chợ Đồng Xuân. Ở đây bày bán la liệt các loại hàng ăn: bún thang, bún ốc, xôi chè, phở chua, nem rán... Trong khi ngồi ăn, nhà văn thường kể cho chúng tôi nghe lai lịch từng món: nem rán gốc ở Sài Gòn, bún ốc là quà quê, bún thang mới là món ăn Hà Nội…

Sau bữa trưa vui vẻ và đạm bạc, tất cả về quây quần bên bàn nước, chuyện trò sôi nổi. Lúc này nhà văn Tô Hoài thường hóm hỉnh và nhẹ nhàng phê bình những sai sót của chúng  tôi trong công tác biên tập. Ví dụ một lần, nhà văn hỏi tôi:

- Bài chân dung văn nghệ sĩ vừa đánh máy, cô viết “tôi và Xuân Quỳnh”, đúng không?

- Đúng ạ.

Nhà văn nói:

- Hôm trước, Vương Trí Nhàn gửi bài đến, viết: “tôi và bác Nguyễn Tuân”, tôi đã nhắc cô sửa lại rồi. Người viết không nên xưng tôi trước, trừ những trường hợp có tính nội dung, còn bao giờ cũng phải để chữ “tôi” sau: “bác Nguyễn Tuân và tôi”, “Xuân Quỳnh và tôi” kể cả “người quét rác và tôi” hay “con gái tôi và tôi nữa”.

Tôi lè lưỡi:

- Lần này thì em nhớ. Nhưng khi nào viết về bác, nhất định em sẽ viết “tôi và nhà văn Tô Hoài”.

Tất cả cười vui trong khi nhà văn cốc nhẹ vào đầu tôi: “Bướng hả?”

Cũng hôm ấy, nhà văn còn nói thêm với anh em biên tập:

- Hôm nay các cậu đưa cho mình duyệt bài “Chuyện cũ Hà Nội” có hai chỗ nếu không biết thì sẽ không sửa cho đúng được. Đó là câu: “Phần thưởng là một giải lụa đỏ” và câu “chiếc kiệu sơn đen”. Mình đã sửa lại cho đúng: “Phần thưởng là một tấm lụa điều”. Tấm lụa điều là cách nói vừa dân dã vừa trân trọng từ ngàn xưa, còn dải lụa đỏ là cách nói rất thực nhưng thô và thiếu trang nhã. Còn “sơn đen” cũng là tiếng nói của hôm nay. Trong không khí của chuyện cũ Hà Nội, mình đã sửa lại cho chính xác, là sơn then. Các cô các cậu còn trẻ, phải chịu khó đọc nhiều, muốn là người biên tập giỏi thì cái gì cũng phải biết, nhất là câu chữ.

Bọn chúng tôi, lớp đàn em của nhà văn nhìn nhau gật gù chịu trận.

Khi anh Bằng Việt chuyển công tác khác, tôi là Phó Tổng biên tập báo. Tôi làm công văn xin thành phố bù lỗ vì giá giấy tăng nhanh quá, báo lại không phát hành được nhiều. Trước khi gửi, tôi đưa Tổng biên tập Tô Hoài xem. Nhà văn gạch dưới những chữ “xin” của tôi trong các câu: “xin các đồng chí xem xét”, “xin trân trọng cảm ơn” và nói:

- Trong công văn và trong mọi trường hợp khác, không nên dùng chữ “xin’’, nó không phải văn hành chính mà nghĩa lại xấu, không nên dùng. Cô hãy sửa là “đề nghị” hay “mong, kính mong” thôi . Cuối cùng chỉ “Trân trọng cảm ơn” là đủ. Thế nhé.

Và tôi lại nhớ thêm một trường hợp dùng chữ nữa. Có lần tôi viết “Sổ tay phóng viên” với cái tít “Số nhà trong thành phố” và đưa bác Tô Hoài duyệt. Nhà văn vừa đọc đã dùng bút xóa ngay chữ “thành”, còn lại “Số nhà trong phố”. Tôi rất khâm phục và thích thú vì tên bài báo đã giản dị hơn, đúng với ý phê phán sự lộn xộn của các số nhà trên một vài đường phố ở Thủ đô, không đao to búa lớn như tôi đặt tên bài báo.   

Năm 1989, nhà báo Nguyễn Triều viết cho báo một bài phóng sự dài với cái tít “Cà phê xanh” nêu hiện tượng một số quán cà phê trá hình chứa gái làm tiền. Tôi muốn đăng nguyên văn bài này, vì nó dự báo một hiện tượng xấu có khả năng trở thành phổ biến ở Thủ đô. Nhưng lúc ấy, việc báo chí nêu những chuyện tiêu cực còn bị hạn chế và rất dễ bị phê phán là: “Bôi đen”! Tôi trao đổi với Tổng biên tập xem nên sử dụng cách nào. Nhà văn cầm bài báo và nói: “Cô để tôi”. Sau khi đọc xong, bác rút gọn bài báo, không còn là phóng sự nữa mà chỉ là ý kiến trong mục “Sổ tay phóng viên”. Tuy thế, sau khi đăng, bài báo nhỏ vẫn bị phản ứng dữ dội. Một chủ quán cà phê ở đường Lò Đúc đến gặp ban biên tập, kiện là chúng tôi vu cáo cửa hàng giải khát của ông ta, tuy bài báo đã cẩn thận không nêu đích danh một địa điểm nào cụ thể. Một đồng chí ở cơ quan phụ trách báo chí thì nhắc tôi là “Không nên nói xấu” thành phố của mình. Vì theo đồng chí ấy thì Thủ đô đang có bao nhiêu việc tốt, sao không tuyên truyền mà lại nêu một hiện tượng xám xịt trong sinh hoạt của thanh niên mà phê phán? Tôi rất buồn, than phiền với Tổng biên tập:

- Em chán quá. Làm báo thế này thì sao mà hay được?

Nhà văn cười:

- Báo có gì sai sót bị nhắc nhở, cô cứ đổ hết tội cho tôi, tôi đối phó giỏi hơn cô mà. Cơ quan hay ai phê bình cái gì, khen hay chê ta cũng cảm ơn để xem xét hết. Phê bình là quyền của mọi người. Làm báo như người làm xiếc, lúc nào cũng đi trên cái dây cheo leo giữa xung quanh dư luận. Làm sao để lúc nào mình cũng vẫn là mình mà lại không ngã xuống. Cô phải tránh nhất là không để sai sót về chính trị. Mà chính trị thì phải nhớ là nhiều khi chỉ sơ ý để lọt một câu, thậm chí một chữ do mình vô tình, còn người viết có thể có ý khác. Cho nên duyệt bài phải đọc thật kỹ cô ạ. Chẳng có báo nào tránh được mọi sai sót. Có làm việc là có khuyết điểm, chỉ cần biết nghiêm túc rút kinh nghiệm. Thành phố và cấp trên rất thông cảm với chúng ta, cô đừng ngại.

Nhờ những từng trải của nhà văn, tôi đã yên tâm hơn. Tuy vậy, báo Người Hà Nội đã nhiều lần bị phê bình gay gắt. Năm 1991, khi báo đăng bài thơ “Xám hối” của Trịnh Thanh Sơn, một đồng chí có trách nhiệm với báo chí ở Trung ương gọi điện thoại cho tôi vào cuối buổi chiều, nói phải thu hồi ngay. Tôi toát cả mồ hôi, giở bài báo ra đọc lại. Trịnh Thanh Sơn viết:

Nếu  sống lại tuổi hai mươi
Tôi sẽ  đi ngược lại…

Ý này của nhà thơ bị cho là phủ nhận quá khứ. Bài thơ này do bác Tô Hoài duyệt trước khi đưa in. Tôi lo quá, vội đạp xe đến nhà bác ở ngõ Đoàn Nhữ Hài. Thấy mặt tôi tái mét, nhà văn cười:

- Cô cứ yên tâm đi. Bất cứ ai gọi điện, cô đều đề nghị gửi cho công văn. Chúng ta chỉ giải quyết trên giấy tờ chính thức, và tôi là người chịu trách nhiệm chính cơ mà, không phải cô, đừng ngại.

Ra về, tôi thấy nhẹ cả người, không phải vì tôi là người không phải chịu trách nhiệm chính, mà vì cách phản ứng rất bình tĩnh, đầy tự tin của Tổng biên tập đã làm tôi yên tâm. Mấy hôm sau, Ban Tuyên giáo Thành ủy mời nhà văn Tô Hoài và tôi lên để hỏi về bài thơ của Trịnh Thanh Sơn. Bác Tô Hoài bảo tôi:

- Hôm nay cô có cuộc họp bên phụ nữ, cô cứ sang bên đó, để tôi đi lên Thành ủy một mình cho.

Hôm ấy, dù tôi đã sang thành hội phụ nữ để dự họp song vì rất muốn được chứng kiến sự đối đáp đầy bản lĩnh của nhà văn Tổng biên tập của mình, nên tôi xin phép Chủ tịch Hội Phụ nữ cho tôi sang Thành ủy. 

Khi tôi đến, các đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo, Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội, đồng chí chuyên viên theo dõi báo chí của Trung ương và bác Tô Hoài đã ngồi quanh bàn và đang trao đổi. Không khí có vẻ nặng nề. Sau khi nghe các đồng chí cấp trên phát biểu về sơ xuất của báo, đăng một bài thơ không có lợi trong tình hình thời sự năm 1991, nhà văn Tô Hoài nói:

- Đây không phải là sơ xuất mà là chủ trương của tôi. Tôi nghĩ, chính trong tình hình phức tạp hiện nay, chúng ta nên thực sự cởi mở hơn với báo chí. Nếu không bị phê phán, có thể chẳng ai  chú ý đến bài thơ. Nó chỉ là tâm sự của người viết. Trong thực tế thì đúng là chúng ta có nhiều việc đang phải làm lại, có khi ngược với chủ trương cũ, ví như giao ruộng đất cho nông dân không còn hợp tác xã nông nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân… Vậy thì tác giả viết, nếu sống lại tuổi trẻ sẽ đi ngược lại con đường của anh ta, ví như anh ấy sẽ không làm thơ làm báo nữa, vì nghèo, mà sẽ học buôn bán chẳng hạn, theo tôi là được. Mà cứ cho là tác giả có ẩn ý gì đi nữa, báo của chúng ta dám đăng thì chỉ càng chứng tỏ đường lối báo chí ta thực sự cởi mở. Báo chúng tôi sẵn sàng đăng bài của bất kỳ ai phê phán bài thơ đó, rồi tác giả thanh minh hoặc tranh luận lại. Như vậy công bằng hơn, phải không ạ?

Cuối cùng bác Tô Hoài cười:

- Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc đăng bài, cân nhắc kỹ cái lợi cái hại của nó. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhìn lại nửa thế kỷ văn học nghệ thuật Việt Nam
    Ngày 27/6/2025, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo khoa học “Nhìn lại sự vận động, phát triển của VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2025)”. Với 33 tham luận cùng nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi, hội thảo là dịp tổng kết quá trình phát triển của VHNT Việt Nam trong bối cảnh đất nước thống nhất, đổi mới và hội nhập, từ đó đưa ra các đề xuất nhằm phát triển VHNT trở thành thành tố quan trọng của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
  • “Con rối hát ngoài rừng xa”: Bước chuyển trong hành trình sáng tác của Khải Đơn
    Tác giả Khải Đơn từ lâu đã được biết đến như một cây bút sắc sảo trong địa hạt tản văn, ký và du ký với văn phong giàu chiều sâu nội tâm, sự cô đơn, bản dạng, ký ức và cảm thức di cư. Năm 2025, chị đánh dấu một bước chuyển mới táo bạo khi lần đầu tiên ra mắt độc giả ở thể loại truyện ngắn qua tác phẩm “Con rối hát ngoài rừng xa”. Sách vừa được Nhã Nam giới thiệu tới bạn đọc.
  • Giang Văn Minh và những giai thoại rạng danh xứ Đoài
    Nằm dưới chân núi Tổ, vùng đất cổ Đường Lâm, xứ Đoài không chỉ nổi tiếng là nơi sinh ra vua Phùng Hưng (cuối thế kỷ thứ VIII) và vua Ngô Quyền (thế kỷ thứ X) mà còn được biết đến là quê hương của Thám hoa Giang Văn Minh - một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử ngoại giao của nước nhà, hồi cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII.
  • Hà Nội “trách nhiệm, hành động” trong sắp xếp đơn vị hành chính, xây dựng tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
    Nhằm thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp của Thành phố hiệu quả, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI vừa thông qua Nghị quyết về điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp Thành phố năm năm 2025 tại kỳ họp thứ 24.
  • Bắc bộ có mưa kéo dài liên tiếp nhiều ngày tới
    Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hiện tại khu vực Bắc bộ đang có mưa rào và giông trên diện rộng. Dự báo, đợt mưa này sẽ duy trì và kéo dài đến ngày 2/7 tới đây.
Đừng bỏ lỡ
Làm báo Người Hà Nội với nhà văn Tô Hoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO