Đây là trường hợp hy hữu đặc biệt được điều trị thành công lần đầu tiên tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Sản phụ may mắn là chị Trần Thị V.A, 21 tuổi, ở Phú Thọ, mang thai lần đầu.
Em bé trong tử cung mẹ nặng 600gr đến chào đời khoẻ mạnh nặng 1,5kg
Mẹ vỡ tử cung, con vẫn chào đời mạnh khoẻ
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “đây là ca hy hữu trên thế giới, giới chuyên môn chúng tôi chưa thấy, sản phụ bị vỡ tử cung nhưng vẫn cứu được cả thai và mẹ, đặc biệt tử cung của người mẹ vẫn được bảo tồn.”
PGS.TS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ về ca bệnh hy hữu thai vụ vỡ tử cung được cứu sống tại bệnh viện
Theo lời kể của chị V.A, khi thai nhi 24 tuần tuổi đang phát triển bình thường thì chị bị đau bụng dữ dội. Sau đó chị có đi kiểm tra ở một số cơ sở y tế và nhập viện để điều trị doạ sinh non. Trong quá trình uống thuốc và theo dõi, chị có vấn đề về nước ối và được tư vấn là thai bất thường, ở địa phương không chẩn đoán được nguyên nhân hết ối nên chỉ định dừng thai. Nhưng gia đình chị vẫn tiếp tục nuôi hi vọng, xin chuyển lên một bệnh viện quốc tế ở Hà Nội với mong muốn sẽ truyền được ối để nuôi và giữ thai. Một lần nữa, cánh cửa hi vọng ấy dường như đóng lại với gia đình chị khi chị tiếp tục nhận được lời khuyên đình chỉ thai.
Chị xin về bệnh viện ở địa phương nằm theo dõi, trong lòng cả gia đình vẫn đau đáu tìm kiếm một phép màu. Sau khi biết thông tin Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có kỹ thuật can thiệp bào thai từ trong bụng mẹ gia đình đã tìm đến bệnh viện. BS.Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người trực tiếp thăm khám và hội chẩn cho bệnh nhân cho biết, trường hợp bệnh nhân này rất đặc biệt, có dị dạng tử cung (tử cung đôi), kết cấu kém bền chắc. Đặc biệt, khi nghe bệnh nhân kể, thai ở tuần thứ 24 thì bệnh nhân bị đau bụng quằn quại và nước ối đột ngột cạn kiệt. Lúc này, các bác sĩ nghĩ đến trường hợp vỡ tử cung gây hết nước ối, chứ không phải là vỡ ối như các ca bệnh thông thường. Mặt khác, khi siêu âm, các bác sĩ phát hiện thai phụ có vùng cơ tử cung rất mỏng và không liên tục. “Chúng tôi nghĩ rằng tử cung đã bị thủng ở đoạn đó. Và khi đánh giá toàn trạng thai thì thấy thai phát triển hoàn toàn bình thường, sức khoẻ của mẹ ổn định nên Bệnh viện và gia đình quyết tâm giữ thai”, Bs. Sim nói.
Ngay sau đó, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Bs. Sim cùng ekip bác sĩ của Bệnh viện thực hiện truyền ối để nuôi thai. Quả đúng như dự đoán ban đầu, cứ truyền dịch vào buồng ối lại thấy nước ối chảy dần ra ổ bụng. Các bác sĩ đã dò tìm thấy vết vỡ ở đáy tử cung. Lại thêm một lần truyền nữa, các bác sĩ cùng ê kip kiểm soát chặt chẽ tình trạng thiếu máu, tình trạng nhiễm trùng, CCTC của mẹ cũng như theo dõi sát tình trạng sức khoẻ của bào thai bằng siêu âm và monitor. Mọi loại thuốc tốt nhất cũng được các bác sĩ kê để dùng cho thai phụ. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng lấy nước ối để kiểm tra bộ nhiễm sắc thể của thai nhi, kết quả thai nhi hoàn toàn bình thường.
Bs. Nguyễn Thị Sim, một trong những bác sĩ tham gia điều trị và hội chẩn cho thai phụ vỡ tử cung
Lúc nhập viện, thai nhi 26 tuần nặng 600gr, kip truyền ối của BS. Ánh, BS. Sim và toàn bộ y bác sĩ khoa A4 đã giữ được thai đến 31 tuần 2 ngày, lúc này nhận thấy thai nhi không có thể tăng cân được nữa nên các bác sĩ quyết định mổ lấy thai. Niềm vui vỡ oà trong sự đợi chờ mong mỏi không chỉ của cả gia đình, mà còn của cả tập thể ê – kíp các y, bác sĩ đã sát cánh bên cạnh thai phụ V.A trong 5 tuần dài đằng đẵng. Đó là một bé trai nặng 1,5 kg, khỏe mạnh, hồng hào, khóc tốt, bú mẹ được. Đặc biệt người mẹ bảo tồn được tử cung. Sau phẫu thuật, cả sản phụ và trẻ đều khoẻ mạnh. Sản phụ đã được ra viện, còn trẻ tiếp tục được chiếu đèn vì sơ sinh non tháng, vàng da. Dự kiến, khoảng 1 tuần nữa, trẻ có thể được xuất viện.
“Cuộc cân não căng thẳng” để lựa chọn giải pháp cứu sản phụ
Chia sẻ về ca bệnh đặc biệt này, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh trải lòng: “Gần hết các khoa, phòng liên quan tham gia hội chẩn, điều trị, chăm sóc... hàng ngày, hàng giờ dõi theo hành trình kỳ diệu của hai mẹ con thai phụ. Trong những lần họp giao ban, hay những lần gặp nhau ở sảnh câu hỏi đầu tiên của chúng tôi cũng đều là tình hình sức khoẻ và sự phát triển của mẹ con thai phụ. Bởi, vỡ tử cung là trường hợp tối cấp cứu, có thể xảy ra tử vong trong thời gian ngắn do mất máu. Tuy nhiên, một thai phụ mang thai 25 tuần bị vỡ tử cung, thai nhi chỉ 600gr nhưng chúng tôi đã cứu sống cả mẹ và con bằng giải pháp tạm thời truyền ối, nuôi dưỡng bào thai đến 31 tuần, thai được 1,5kg. Người mẹ lại bảo tồn được tử cung… làm cho tất cả chúng tôi thực sự vỡ oà trong chiến thắng này”.
Hoà cùng niềm vui đó, BS. Nguyễn Thị Sim cũng chia sẻ: "những phút cân não thật sự từ những việc làm rất nhỏ như việc truyền nước ối vào bào thai. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, việc truyền ối nuôi thai không còn xa lạ với các bác sĩ, nhưng đó là những trường hợp ít ối, cạn ối. Còn đây là trường hợp mà thai phụ hết sạch ối, công việc lại khó khăn hơn gấp bội phần. PGS.TS Ánh đã phải đưa từng giọt nước ối vào, vừa đưa vừa nhận dạng cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ...".
Bế sinh linh nhỏ trên tay, những người hùng áo trắng thầm lặng đã làm nên một kì tích. Và đó cũng là minh chứng cho sự thành công của kỹ thuật can thiệp bào thai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, mang lại niềm vui và cơ hội thiêng liêng được làm mẹ cho các thai phụ kém may mắn.