Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh phổ biến quy chế cho các cán bộ coi thi.
Năm nay, các trường đại học tại khu vực phía Nam được Bộ GD-ĐT phân công phối hợp với Sở GD-ĐT ở các tỉnh, thành phố, cử cán bộ, giảng viên tham gia coi thi, thanh tra, chấm thi. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh cho hay, nhà trường đã tập huấn cho 380 cán bộ, giảng viên tham gia coi thi THPT quốc gia. Năm nay, cán bộ, giảng viên của trường sẽ tham gia coi thi tại 17 điểm thi ở tỉnh Lâm Đồng. Cùng với công tác chuẩn bị hậu cần đầy đủ, nhà trường đã ban hành quy định tham gia coi thi và yêu cầu các cán bộ, giảng viên phải nghiêm túc chấp hành.
Còn Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm nay nhà trường tiếp tục được phân công phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông. Tổng số có 347 lượt cán bộ, giảng viên được cử đi làm nhiệm vụ coi thi, thanh tra, chấm thi. Trường đã tổ chức một buổi tập huấn riêng cho các phó điểm thi, thanh tra và giám sát; một buổi tập huấn cho cán bộ tham gia chấm thi trắc nghiệm, ban phúc khảo và một buổi cho cán bộ coi thi...
Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, Sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức họp với 6 trường đại học phối hợp để thống nhất trong công tác tổ chức thi tại thành phố.
Bảo vệ nghiêm ngặt đề thi
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh cho hay, công tác vận chuyển và bảo quản đề thi có sự tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Sở GD-ĐT và Công an thành phố. Điểm mới của công tác tổ chức năm nay là tất cả phòng bảo quản đề thi và bài thi đều được gắn camera giám sát, vận hành 24/24 giờ, bắt đầu từ thời điểm nhận đề thi môn đầu tiên đến khi bài thi cuối cùng được đưa đi. Ngoài ra, tại phòng này bố trí 1 cán bộ công an và 1 cán bộ ngành Giáo dục (thuộc khối các trường đại học) làm công tác canh giữ.
Khi đề thi được vận chuyển đến điểm thi, điểm thi sẽ tổ chức giao nhận đề, cất vào tủ niêm phong. Đến giờ thi các môn, đề thi sẽ được chuyển qua phòng hội đồng, việc bàn giao có biên bản, ký nhận đầy đủ. Kết thúc giờ làm bài, bài thi được chuyển trở lại phòng lưu giữ, bỏ vào phong bì, niêm phong dưới sự chứng kiến của công an, lực lượng thanh tra và trưởng điểm thi. Đặc biệt, để bảo đảm an toàn, thành phố không lưu giữ đề thi và bài thi qua đêm tại các điểm thi.
Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Sở GD-ĐT thành phố công bố hai số điện thoại đường dây nóng là 028.38223358 và 028.38227348. Điểm mới trong hoạt động thanh tra năm nay là căn cứ tình hình thực tế địa phương để thành lập tổ giám sát hoạt động của đoàn thanh tra. Tổ giám sát này có thể gồm nhiều nhóm, mỗi nhóm ít nhất 2 thành viên tham gia giám sát tại tất cả điểm thi.
Về vấn đề này, Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho hay, hoạt động thanh tra tại từng điểm thi và bổ sung tổ giám sát hoạt động thanh tra là rất cần thiết...
Về công tác in đề thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, các hội đồng thi có trách nhiệm in sao đề thi của kỳ thi cho tất cả các điểm thi thuộc phạm vi quản lý. Tùy theo điều kiện thực tế, hội đồng thi có thể ký hợp đồng in sao đề thi với hội đồng thi khác hoặc các trường đại học có đủ điều kiện theo quy định nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm toàn bộ về việc in sao đề thi...
Theo Sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại thành phố có 111 điểm thi với hơn 71.000 thí sinh đăng ký dự thi. Trên 10.000 cán bộ được điều động phục vụ cho kỳ thi. |