Kiêu hãnh như Trần Hạnh

Phạm Hồng Thinh - Phương Linh| 08/04/2021 21:59

Thượng thọ ngoài tuổi 90 và có hơn 60 năm tỏa sáng trên sân khấu kịch, phim ảnh, đến mùa xuân năm nay, NSND Trần Hạnh đã thảnh thơi đi vào cõi thiên thu... Cũng bởi, bỏ mặc những đồn đoán bên ngoài, người nghệ sĩ đáng kính này chưa khi nào cảm thấy cuộc sống của mình nghèo khổ hay bất hạnh, trái lại, ông luôn kiêu hãnh với những tình yêu, niềm vui tưởng đơn sơ nhưng đâu dễ ai có được...

Kiêu hãnh như Trần Hạnh
NSND Trần Hạnh. Ảnh: HT
Kiêu hãnh trong từng vai diễn

Nhớ mấy năm trước, tôi hay ghé kiot Hồng Quân trên phố Trần Quý Cáp từ sáng sớm để được nghe NSND Trần Hạnh kể chuyện đời, chuyện nghề. Sớm nào ông cũng ngồi bên những giầy dép, quần áo chờ sẵn và chào đón khách bằng nụ cười hiền hậu, ấm áp. 

Thong thả nhấp chén trà đặc và bập bùng điếu thuốc lá Thăng Long đầu môi, từ sớm tới trưa, NSND Trần Hạnh rủ rỉ kể biết bao chuyện nghề. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm – gần tuổi 90 – nhưng giọng ông lúc nào cũng vang trong niềm hãnh diện khi nhắc nhớ đến từng vai diễn trên thánh đường năm xưa. Đó là một Trần Hạnh dù mới đây còn là anh thợ đóng giầy bỗng đâu trở thành kép chính tài hoa. Đó là, một Nguyễn Trãi - Trần Hạnh – ra cái dáng hào hoa của người Hà Nội nhất trong số các nghệ sĩ từng hóa thân vào nhân vật Nguyễn Trãi trong vở Lam Sơn tụ nghĩa – như lời nhận xét của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Đây cũng là vai diễn ông yêu thích nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Chẳng thế mà, mỗi sớm, mỗi chiều khi ngồi trông giúp con cái sạp hàng tạp hóa, mặc phố phường ồn ào, huyên náo, ông liền lục tìm ký ức về một danh sĩ Nguyễn Trãi năm xưa. Rồi ông lại trở về với những cảm xúc hoài niệm, kiêu hãnh cất tiếng ngâm nga: Đến bến mong chờ dạ khó yên/ Câu thơ chén rượu những ưu phiền/ Ác tà thỏ lặn say tìm mộng/ Chim biếc bây giờ biết ở đâu? 

Những khi đó, trong mắt ông ánh lên niềm kiêu hãnh về thời tuổi trẻ của chàng trai Hà thành phố cổ điển trai, lịch lãm đã khiến bao người say mê khi tái hiện thành công một Nguyễn Trãi nho nhã mà tài hoa. Nhớ lại chuyện này, NSND Trần Hạnh rủ rỉ ca cẩm, Lam Sơn tụ nghĩa là kịch thơ nên vai Nguyễn Trãi chính là vai khó nhất, “hóc” nhất trên sân khấu của ông, đương là diễn viên kịch nói bỗng dưng phải chuyển sang kịch thơ và chủ yếu phải ngâm thơ. Thêm nữa, vở kịch thơ này kể chuyện lịch sử nên cái dáng đi đứng, nói năng cũng phải theo lề lối người xưa. Ngày ấy, để có thể hóa thân vào nhân vật, ông đã tìm sang các đoàn chèo, cải lương... nhờ đồng nghiệp hướng dẫn bước đi, cách vung tay. Rồi ông lại lặn lội học ngâm thơ với các nghệ sĩ nổi tiếng của Đài Tiếng nói Việt Nam như Linh Nhâm, Hoàng Phú... Oái oăm thay, những điều học hỏi ấy gần như chữ thầy trả thầy, vì đạo diễn Trần Huyền Trân lắc đầu không... duyệt. Vị đạo diễn khó tính này giải thích rằng, thơ trong Lam Sơn tụ nghĩa là thơ cổ không phải thơ mới nên yêu cầu Trần Hạnh phải ngâm thơ theo lối cổ. Biết bao công sức đành đổ xuống sông xuống biển nhưng những hăm hở chinh phục vai diễn vẫn còn vẹn nguyên đó: “Các bậc thầy về ngâm thơ tôi đã tìm đến học hỏi cả rồi vậy mà không được ông Trân chấp nhận thì tôi còn biết học ai nữa đây? Cũng nản lắm chứ. Nhưng chẳng lẽ lại bỏ cuộc? Thôi thì tự mình mày mò vậy. Tôi đã mất một tháng “nhốt mình” trong nhà chỉ để... ngâm thơ cơ đấy. Mừng là cuối cùng cũng được đạo diễn gật đầu. Lúc ấy tôi sung sướng như thể... bắt được vàng.”, NSND Trần Hạnh hào hứng kể rồi châm điếu thuốc và khoan khoái nhả vòng khói tròn vo...

Khi Lam Sơn tụ nghĩa được công diễn, Trần Hạnh đã khiến khán giả Thủ đô bất ngờ trước một tài năng, không chỉ xuất thần về diễn xuất mà còn ngâm thơ đầy truyền cảm, rung động. Đồng nghiệp thì bày tỏ lòng cảm phục, ngưỡng mộ trước một niềm say nghề hiếm có. Chính vì thế, Trần Hạnh đã đóng đinh vào vai Nguyễn Trãi trong suốt thời gian dài, được khán giả mến mộ nên có hôm bị ngất trên sân khấu vì diễn suốt 3 suất liền. Đặc biệt, tại hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1962, vai diễn này đã đem về cho ông tấm huy chương Vàng danh giá.

Kiêu hãnh như Trần Hạnh
NSND Trần Hạnh (giữa) vào vai Nguyễn Trãi 
trong vở kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa. Ảnh tư liệu của Nhà hát Kịch Hà Nội

Sau vai Nguyễn Trãi trong Lam Sơn tụ nghĩa, Trần Hạnh tiếp tục được giao vai thằng Uôm đầy gai góc trong vở kịch kinh điển Âm mưu và tình yêu của Sinler. Để có được chiều cao tương xứng với tạo hình nhân vật, Trần Hạnh phải tập đi đôi dày cao 15 phân. Nhưng cái khó nhất là phải diễn phân cảnh thằng Uôm không thoại nhưng vẫn lột tả đầy đủ tính cách thâm độc, giảo trá và tàn ác của nó. Thực ra, phân cảnh này có hẳn 2 trang thoại, thế nhưng đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi đã lược đi và trao sức nặng về diễn xuất cho Trần Hạnh. Biết được điều khó ấy, đạo diễn đã dành 4 ngày cùng với Trần Hạnh thử đủ mọi cách diễn xuất nhưng mãi vẫn không được. “Ông ấy làm việc xuyên cả trưa, nhiều lúc mệt quá tôi xin nghỉ một chút mà ông ấy vẫn lắc đầu. Cứ xoay đủ kiểu, cuối cùng tôi đã thuyết phục được đạo diễn khi nghĩ ra cách mặc cái áo choàng đen chỉ lộ đôi mắt và đôi tay. Mọi diễn biến tâm lý, tính cách của nhân vật tôi đều gửi gắm vào đôi mắt sắc lạnh, gian giảo, nịnh bợ và đôi tay vừa có phần khúm núm vừa có phần tàn bạo và không sử dụng lời thoại nào.  Lúc đó, tôi cứ lâng lâng...”, NSND Trần Hạnh sung sướng cười khà rồi khoe tiếp: “Tôi đến với sân khấu chỉ bằng tình yêu văn nghệ nghiệp dư nhưng thật may mắn khi được làm việc với những bậc thầy như ông Trân, ông Nghi. Thú vị là, phong cách kịch của hai ông hoàn toàn trái ngược nhau, nếu ông Nghi hiện đại thì ông Trân cổ điển. Nhưng hai ông đều khó tính, tỉ mẩn, cẩn trọng và “không quên” mắng diễn viên... Với chúng tôi, đấy là những bài học quý và phải biết “chịu mắng” để mà học hỏi, trưởng thành. Khó là thế nhưng khi diễn xuất sắc là các ông thưởng liền. Như ông Nghi đã thưởng 2 ngày nghỉ cho vai thằng Uôm còn ông Trân thì vừa hoan hô, vừa thưởng mấy hào cho vai Nguyễn Trãi đấy.”

“Đói cho sạch...”

Bền bỉ tận hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật, NSND Trần Hạnh nổi danh trên sân khấu kịch Hà Nội từ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước với những Lam Sơn tụ nghĩa, Tiền tuyến gọi, Âm mưu và tình yêu, Tôi và chúng ta, Cơn mưa đầu mùa, Đêm trắng, Chiều trên hải cảng, Trở về Hai-pha... Khi nghỉ hưu, ông đóng đinh trên phim ảnh là một người nông dân nghèo, chân chất và có phần khổ hạnh trong hàng chục bộ phim như Tướng về hưu, Cuốn sổ ghi đời, Chiếc bình tiền kiếp, Cỏ lau, Làng nổi, Bão qua làng, Ngõ lỗ thủng, Nước mắt đàn bà, Cha cõng con, Người yêu đi lấy chồng... Huy chương, giải vàng, giải bạc từ kịch cho đến phim ông có cả bộ sưu tập. Khi đã gần sang tuổi 90, ông vẫn lái chiếc xe cup 82 đi đóng phim sitcom giúp các bạn trẻ vì: “Thấy tụi nó yêu nghề là mừng rồi. Vậy nên có thể giúp được chúng thì giúp thôi”. 

Nổi danh trong nghệ thuật là vậy song cuộc sống đời thường của NSND Trần Hạnh không dư giả, thậm chí có phần vất vả. Có thể nhiều người sẽ coi đó là sự bất hạnh nhưng NSND Trần Hạnh lại luôn lấy làm bằng lòng, thậm chí là hoàn hảo. Chị Trần Thị Dung – con gái cả của ông kể, cha chị vốn sinh ra trong một gia đình buôn bán nhỏ ở 50 ngõ Phất Lộc, Hà Nội. Ông sớm mồ côi cha từ năm 3 tuổi và ở với bà nội. Những năm tháng cả nước đánh Pháp, đuổi Nhật, bà nội cùng mọi người trong gia đình thường xuyên nấu cháo cứu trợ người nghèo, còn cậu thiếu niên Trần Ngọc Hạnh thì tham gia dân quân tự vệ, sau đó làm công nhân ở đường sắt Lào Cai. Vì nhà neo người nên một lần bà nội vờ ốm để gọi Trần Hạnh về rồi được bà xe duyên với cô hàng xóm ở cùng ngõ Phất Lộc. Để nuôi nấng 5 người con, ông đi đóng giầy ở hợp tác xã ở Tràng Tiền. Nhưng vốn là người yêu thích văn nghệ nên một dịp nghe nói có đoàn kịch Hà Nội mới thành lập ông liền xin gia nhập và từ đó gắn bó cả cuộc đời với nghệ thuật.  

Nhớ hồi bao cấp cuộc sống đầy chật vật, khó khăn, Trần Hạnh vẫn say sưa bám trụ kịch nghệ, không chỉ lúc ở sàn diễn mà cả khi về nhà rồi mà vẫn... ngâm thơ. Nhưng để phụ cho vợ chăm lo tổ ấm, ông từ chối đi học lớp diễn viên và chắt chiu từng đồng dành cho vợ cho con. Khi đoàn nấu cơm cho diễn viên, ông không ăn suất của mình mà cho cặp lồng bảo con gái mang về. Hay có buổi đi diễn 12 giờ đêm mới về ông vẫn ra Hàng Thùng xếp hàng đến 1-2 giờ sáng để lấy nước. Là người có giọng ngâm thơ ngọt ngào nên ông hay hát ru cho các con ngủ, kể cả những lúc dắt các con đi diễn cùng và thiu thiu bên cánh gà.

Kiêu hãnh như Trần Hạnh
NSND Trần Hạnh trong phim Bão qua làng.
Trong ký ức của chị Dung, gia đình chị tuy không giàu có, nồi cơm vừa xới đã hết, nhà ở thì chật chội... nhưng lúc nào cũng rộn ràng những tiếng cười. Lúc nào bố Trần Hạnh cũng sống nhân hậu, giản dị, không phụ thuộc vào ai. Ông thường xuyên căn dặn con cái học hành tử tế, dạy các con các nề nếp ăn nói, ứng xử có thưa có gửi, thậm chí cả cách gấp, phơi quần áo sao cho phẳng, đi vào nhà để dép thế nào cho gọn gàng. 

Ông cũng lạc quan và dạy con cái rằng, đói cho sạch, rách cho thơm, không tham lam của ai. Đến bữa ăn trong mâm cơm chỉ có món xu hào muối, ông động viên là  các con đang ăn “thịt bò kho”. Hay mỗi lần được phần cơm và thực phẩm nhiều hơn, ông thường nói với các con của mình: “Nhà mình được thế này, có cơm no 3 bữa, có dép đi, quần áo khâu giặt thơm tho là sướng lắm  rồi, ngoài kia còn biết bao người khổ hơn mình. Các con ăn bớt một tý giúp người này người kia cho họ đỡ đói. Dù sao nhà mình bố mẹ đi làm Nhà nước, có ưu tiên nên vẫn no đủ hơn.” Rồi thì, khoảng năm 1970, thấy một em bé khoảng 6 tuổi, quê Thanh Hóa đi lang thang xin ăn, ông đã bàn với bà nhận nuôi (hồi đó, nhận con nuôi chưa phải có giấy tờ). Sau đó, lúc khoảng 10 tuổi, em bé đã xin phép gia đình về quê tìm cha mẹ mà không thấy quay trở lại. “Cha tôi đã luôn sống rất giản dị, ân tình, nền nếp trước sau và không bao giờ phiền đến ai như thế. Với chúng tôi, ông luôn yêu thương hết mực nên dù rất khó khăn mà chúng tôi vẫn được học hành đầy đủ và đến giờ luôn trân trọng gìn giữ nề nếp gia phong của gia đình”, chị  Dung xúc động nhớ lại.

NSND Trần Hạnh còn là người rất khái tính, chỉ nhận khi được ghi nhận chứ không làm đơn để xin. Chị Dung kể, nhớ có lần ông được Ty văn hóa thông báo xét cấp nhà ở vì có nhiều thành tích nổi bật, nếu có đơn đề nghị. Thế nhưng ông bảo không xin cấp vì ông thấy gia đình đầy đủ hơn mọi người. Quả là vậy, bởi quan niệm sống “không xin” ấy mà danh hiệu nghệ sĩ nhân dân đến với ông khá muộn – mãi khi ông bước sang tuổi 90, sau ba lần bị đánh trượt. Cũng vì, với ông, danh hiệu cao quý nhất là được nhân dân mến mộ và ông cũng không muốn làm hồ sơ để xin xét duyệt đặc cách. “Nếu thấy xứng đáng thì phong tặng chứ làm sao lại phải xin xét danh hiệu cơ chứ? Tôi lao động nghệ thuật vì niềm say mê chứ có vì danh hiệu đâu”, mỗi lần nhắc đến chuyện danh hiệu, NSND Trần Hạnh lại dõng dạc bảo thế.

NSND Trần Hạnh là người luôn... kiêu hãnh như thế, kiêu hãnh trong từng vai diễn và kiêu hãnh trong cuộc sống mà tự mình thấy “sống rất đàng hoàng, thoải mái, được làm những việc mình yêu thích...”. Bởi vậy, dù rằng, ông đã đi xa nhưng vẫn còn đó tấm gương làm nghề và nhân cách sống đáng để người đời cảm phục và ngẫm suy! 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • UNESCO trao Bằng công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn
    Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn là minh chứng rõ nét cho nỗ lực gìn giữ và quảng bá di sản văn hóa Việt Nam cùng với các di sản văn hóa phi vật thể như tín ngưỡng thờ Mẫu, hát Then của người Tày, Nùng, Thái...
  • 9 tựa sách hay trong Tủ sách gia đình của Nhã Nam
    Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là dịp để mỗi người lắng lại, cảm nhận rõ hơn giá trị của tình thân, của những khoảnh khắc bên nhau giản dị mà quý giá. Trong nhịp sống hiện đại, một trong những cách đẹp đẽ để giữ gìn và bồi đắp sợi dây gắn kết gia đình chính là cùng nhau đọc sách – những cuốn sách đầy yêu thương, sẻ chia và thấu cảm. Hiểu được điều đó, Nhã Nam đã kỳ công tuyển chọn và xây dựng Tủ sách Gia đình. Đây là những cuốn sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, lan tỏa giá trị yêu thương trong mỗi mái ấm, để mỗi em bé đều được lớn lên trong vòng tay chan chứa hạnh phúc của gia đình.
  • Phu nhân Tổng Bí thư và Tổng Giám đốc UNESCO tham dự triển lãm ảnh "Chúng tôi có thể"
    Các tác phẩm là sản phẩm tiêu biểu của dự án “Chúng tôi CÓ THỂ” – sáng kiến phối hợp giữa UNESCO và Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng đến mục tiêu trao quyền học tập và phát triển toàn diện cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn.
  • Người đẹp Phú Yên Hà Trúc Linh đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2024
    Hà Trúc Linh - 21 tuổi, quê Phú Yên, sinh viên Đại học Tài chính Marketing TP HCM - vượt top 24 để đoạt vương miện Hoa hậu Việt Nam 2024.
  • Ra mắt sách “Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn"
    Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa ra mắt cuốn sách "Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn", tuyển chọn các bài viết tiêu biểu của nữ trí thức trên tuần báo Phụ nữ tân văn – một diễn đàn quan trọng trong phong trào nữ quyền Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ấn phẩm dày 600 trang, do Đoàn Ánh Dương biên soạn và giới thiệu, được phát hành trên toàn quốc từ tháng 6/2025.
  • Hà Nội nêu cao tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”
    Tại kỳ họp thứ 24 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra sáng 27/6, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố, bảo đảm thực hiện đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
  • Phát động cuộc thi ảnh báo chí 'Việt Nam trên hành trình đổi mới’
    Cuộc thi ảnh báo chí “Việt Nam trên hành trình đổi mới” do Báo Nhân Dân phối hợp Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, những thành tựu về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế trong quá trình 40 năm đổi mới.
  • Hà Nội sửa đổi, bổ sung quy định phân cấp nguồn thu, chi để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động hiệu quả
    Để có cơ sở điều chỉnh, giao dự toán ngân sách năm 2025 cho các xã, phường sau sắp xếp đảm bảo nguồn ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ được giao từ ngày 1/7/2025, HĐND Thành phố Hà Nội ngày 27/6 đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách Thành phố và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025.
  • Trình chiếu loạt phim đỉnh cao của Hàn Quốc tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3
    Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3 diễn ra từ ngày 29/6 – 5/7 sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc biệt khán giả sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều diễn viên Hàn Quốc.
  • Festival Nông sản Hà Nội: Thúc đẩy mô hình canh tác, chế biến và tiêu dùng nông sản gắn với văn hóa – du lịch
    Từ ngày 26 - 29/6/2025, tại quận Tây Hồ, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp UBND quận Tây Hồ tổ chức Festival Nông sản Hà Nội lần thứ 4 – sự kiện xúc tiến thương mại nông nghiệp thường niên đang ngày càng khẳng định vị thế là điểm hẹn lớn của người tiêu dùng và các nhà sản xuất nông sản trên cả nước.
Kiêu hãnh như Trần Hạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO