Đại biểu đặt ra một loạt câu hỏi: “Tại sao các dự án ODA lại thiếu dự toán? Nguyên nhân gốc rễ là gì? Có hay không cơ chế xin - cho trong việc phân bổ vốn? Phải chăng Bộ đã can thiệp quá sâu vào quá trình phân bổ nên ách tắc cho đầu tư hay không?”.
ĐBQH Hoàng Quang Hàm - tỉnh Phú Thọ chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Quang Hàm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, khi xây dựng kế hoạch ngân sách năm 2017, các bộ, ngành, địa phương đều đưa ra nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, rất khó để giải ngân hết số vốn dự kiến là 50.000 tỷ đồng được đưa ra trong kế hoạch trung hạn 2016-2020. Do Quốc hội mới thông qua kế hoạch trung hạn 2016-2020 nên các bộ, ngành đang thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định. Bộ đã đề xuất giảm nguồn trái phiếu chính phủ, giảm nguồn vốn vay nhằm giảm bội chi năm 2017.
Về việc phân bổ vốn cho các công trình quan trọng quốc gia còn chậm, “tư lệnh” ngành KH&ĐT cho biết, vẫn còn khoảng 80.000 tỷ đồng tiền vốn cho các dự án này chưa được phân bổ. Theo dự kiến, có 70.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia, 10.000 tỷ đồng cho dự án chống ngập TP Hồ Chí Minh và 5.000 tỷ đồng cho dự án sân bay Long Thành.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, luật quy định, các dự án trọng điểm quốc gia phải trình Quốc hội nhưng hiện chưa làm kịp. Trách nhiệm thuộc về các bộ, ngành chậm làm thủ tục, hồ sơ đệ trình lên Quốc hội nên một số dự án trọng điểm vẫn chưa phân bổ được vốn đầu tư.
Về vấn đề các dự án ODA luôn thiếu vốn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các dự án ODA trước đây đều giải ngân theo tiến độ thực tế thực hiện và cam kết của các nhà tài trợ, nhưng theo quy định mới phải xây dựng kế hoạch. Hiện các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa quan tâm đến quy định này nên trong quá trình xây dựng vẫn chưa đưa việc sử dụng vốn ngoại vào kế hoạch. Do đó, việc bố trí vốn dàn trải, chậm không phải là trách nhiệm của Bộ KH&ĐT.
Theo quy trình, các bộ, ngành xây dựng kế hoạch chi tiết, đề xuất phân bổ vốn. Bộ KH&ĐT sẽ hướng dẫn tiêu chí, định mức phân bổ, sau đó tổng hợp, rà soát và trình Chính phủ quyết định, báo cáo Quốc hội. Nếu Quốc hội phê chuẩn thông qua thì Chính phủ sẽ giao vốn. Đây là quy trình chặt chẽ, vì thế “không có chuyện xin - cho, toàn bộ do các bộ, ngành quyết định”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.