Không bỏ hoang đất nông nghiệp

Theo Hanoimoi| 04/08/2020 09:25

Đất nông nghiệp bị bỏ hoang vừa ảnh hưởng đến kế hoạch gieo trồng, an ninh lương thực, vừa gây lãng phí tài nguyên. Không bỏ hoang đất nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Để giải bài toán này, cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân.

Không bỏ hoang đất nông nghiệp

Nhiều cơ chế, chính sách đã được triển khai để động viên nông dân canh tác trên những mảnh ruộng bỏ hoang, góp phần hạn chế lãng phí tài nguyên đất. Trong ảnh: Ông Nguyễn Xuân Thành (mặc áo mưa) bên ruộng lúa do ông gieo trồng trên diện tích từng bị bỏ hoang tại xã Phú Kim (huyện Thạch Thất).

Vì sao đồng ruộng bị bỏ hoang?

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, đến cuối tháng 7-2020, toàn thành phố còn gần 5.000ha đất đang bị bỏ hoang, giảm 3.000ha so với năm 2019.

Số liệu gần nhất của Sở NN&PTNT Hà Nội về gieo cấy vụ mùa 2020 trên toàn thành phố cho thấy, có gần 81.000ha được gieo cấy trong khi kế hoạch là 83.497,2ha. Ngoài ra, còn phải kể đến hơn 2.000ha đất nông nghiệp chưa nằm trong kế hoạch gieo cấy.

Trong vụ xuân và vụ mùa 2020 (vừa kết thúc gieo cấy), phóng viên Hànộimới đã khảo sát tại một số huyện. Tại huyện Quốc Oai, vụ mùa năm 2020, huyện xây dựng kế hoạch gieo trồng trên tổng diện tích 4.500ha, nhưng thực tế, các xã, thị trấn chỉ gieo trồng được hơn 3.500ha, chuyển đổi hơn 650ha sang trồng các loại cây khác, còn hơn 300ha bỏ hoang.

Phó Chủ tịch UBND xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) Nguyễn Nho Hòa cho biết, xã có hơn 100ha đất nông nghiệp, nông dân bỏ cấy trồng gần 39 ha. “Quỹ đất nông nghiệp chưa được sử dụng triệt để cũng là bài toán khó với chính quyền xã”, ông Nguyễn Nho Hòa chia sẻ.

Câu chuyện đất nông nghiệp không được gieo cấy không chỉ xảy ra ở vụ mùa này. Như tại huyện Thạch Thất, kế hoạch vụ xuân năm 2020 là cấy trên diện tích 3848,3ha, nhưng có hơn 100ha không được gieo cấy. Riêng xã Phú Kim (Thạch Thất) được giao kế hoạch cấy trên tổng diện tích 210ha, nhưng người dân bỏ cấy hơn 30ha.

Tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang cũng đang diễn ra tại các địa phương khác như: Thanh Oai, Phúc Thọ, Phú Xuyên…

Lý giải về tình trạng trên, chị Nguyễn Thị Chào, thôn Tam Nông, xã Dị Nậu (huyện Thạch Thất) cho biết: "Thu nhập từ đồng ruộng quá thấp nên gia đình tôi không mặn mà lắm. Hiện gia đình chỉ tập trung chuyên tâm vào nghề mộc".

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, đất nông nghiệp trên địa bàn huyện nằm phân tán, độ chênh cao giữa các vùng khá lớn, nên việc đầu tư cho công tác tưới tiêu phục vụ nông nghiệp gặp khó khăn, dẫn đến có tình trạng nông dân bỏ ruộng không cấy.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, Hà Nội có nhiều cụm, điểm công nghiệp và khoảng 1.350 làng có nghề, thu hút nhiều lao động trong độ tuổi làm việc với thu nhập ổn định 6-7 triệu đồng/người/tháng trở lên, cao gấp nhiều lần so với canh tác trên đất nông nghiệp, nên người dân không mặn mà làm ruộng. "Ngoài ra, nhiều nơi, hạ tầng kỹ thuật chưa bảo đảm phục vụ sản xuất, do sâu bệnh, chuột phá hoại, nhiều diện tích đất nông nghiệp không thuận tiện cho canh tác… khiến người dân không mặn mà với việc canh tác nông nghiệp", ông Nguyễn Xuân Đại lý giải.

Triển khai nhiều giải pháp

Không bỏ hoang đất nông nghiệp

Cần có chính sách động viên nông dân bám ruộng, thúc đẩy sản xuất. Ảnh: Văn Học

Nhằm khắc phục tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, các địa phương, đơn vị đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách trước mắt để động viên nông dân bám ruộng, thúc đẩy sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Kim (huyện Thạch Thất) Cấn Mạnh Cường cho biết: “Đối với hơn 30ha ruộng các hộ dân bỏ không cấy trong vụ mùa năm nay, UBND xã giao Hợp tác xã Nông nghiệp Ngoại Kim cấy 20ha và một cá nhân trên địa bàn nhận cấy 10ha”. Tương tự, Phó Chủ tịch UBND xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) Nguyễn Nho Hòa cho biết, vụ mùa năm 2020, xã đã động viên 6 hợp tác xã của các thôn triển khai cày bừa, làm đất trên phần diện tích bị bỏ hoang...

Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa) Cao Thị Thủy chia sẻ: Khi biết trên địa bàn huyện Ứng Hòa, Chương Mỹ, quận Hà Đông, có một số diện tích đất nông nghiệp nông dân bỏ không cấy, hợp tác xã đứng ra hỗ trợ người dân khâu làm mạ, cấy lúa và bao tiêu sản phẩm trên tổng diện tích hơn 70ha. Nhờ đó, đã có nhiều hộ nông dân quay lại với đồng ruộng.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết: Những đơn vị, cá nhân đứng ra nhận canh tác trên diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang được huyện hỗ trợ khay mạ, giá thể và giống...

Các đơn vị trên đều khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm thu hút nông dân trở lại với đồng ruộng để sản xuất góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho chính gia đình và cộng đồng.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, trước mắt, sự vào cuộc của đơn vị quản lý nhà nước về nông nghiệp, chính quyền, doanh nghiệp sẽ tác động đáng kể đến việc thu hẹp diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang.

Ngoài ra, Sở đã đề xuất với UBND thành phố xây dựng lộ trình chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa kém hiệu quả, bị bỏ hoang sang trồng cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi thủy sản... Đối với những diện tích nhỏ, xen kẹt, khó đầu tư hạ tầng tưới tiêu sẽ được xem xét chuyển mục đích sử dụng sang làm đất đấu giá, đất dự án khác... Qua đó vừa giúp giảm diện tích đất bỏ hoang, vừa khai thác tối đa thế mạnh, nguồn lực từ đất, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khai mạc triển lãm "Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”
    Sáng 17/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Tấm lòng của hoạ sĩ Việt kiều với Bác Hồ”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Hội Thái Việt tại tỉnh Nakhon Phanom Thái Lan phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 – 19/5/2024.
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • “Âm vang Việt Nam” hào hùng qua từng khúc hát
    Hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tối 16/5 tại Không gian biểu diễn Nghệ thuật - Ẩm thực đường phố quận Tây Hồ tiếp tục diễn ra Chung khảo “Liên hoan Tiếng hát cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Hà Nội 2024” (cụm 2), với những phần trình diễn đặc sắc, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân Thủ đô.
  • Bộ Y tế lần đầu cấp phép lưu hành vaccine sốt xuất huyết
    Ông Vũ Tuấn Cường, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa ký ban hành công văn về việc Cục này cấp phép cho 40 vaccine, sinh phẩm y tế, trong đó có vaccine sốt xuất huyết do Takeda sản xuất. Vaccine sốt xuất huyết sử dụng cho người từ 4 tuổi trở lên, bất kể đã hoặc chưa từng mắc bệnh. Đây là vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam.
  • Nestlé tăng cường áp dụng nông nghiệp tái sinh, giảm phát thải khí nhà kính
    NESCAFÉ – nhãn hiệu cà phê lớn nhất của Tập đoàn Nestlé và là một trong những nhãn hiệu cà phê được yêu thích trên thế giới, vừa công bố Báo cáo tiến độ Chương trình NESCAFÉ Plan năm 2030 lần thứ hai. Báo cáo cho thấy việc tăng cường áp dụng các phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh giúp cải thiện năng suất và giảm phát thải khí nhà kính (KNK).
Đừng bỏ lỡ
Không bỏ hoang đất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO