Kháng sinh dùng trong chăn nuôi: Vẫn còn nhức nhối

Việt Hà| 04/10/2017 15:47

Mỗi ngày đi chợ, trong giỏ xách của các bà nội trợ không thể thiếu một trong những loại thực phẩm như thịt lợn, thịt bò, gà, cá… Tuy nhiên, để có được những miếng thịt tươi ngon như thế không ít người nông dân đã phải sử dụng rất nhiều kháng sinh để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng cho vật nuôi. Các chuyên gia đánh giá, nếu kháng sinh trong vật nuôi đến ngày giết mổ chưa tan hết thì vô tình người tiêu dùng sử dụng sản phẩm đó sẽ tự nạp vào cơ thể mình một lượng kháng sinh, gây ra hệ lụy khôn lường cho s

Gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc 

Đến thời điểm này, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi vẫn còn là vấn đề khá nhức nhối ở nhiều địa phương. Do điều kiện khí hậu của Việt Nam chủ yếu là nóng ẩm, nên rất dễ gây bệnh cho gia súc, gia cầm. Vì vậy, hầu hết bà con nông dân hiện nay đều sử dụng thuốc kháng sinh để chữa bệnh cho vật nuôi, nuôi trồng thủy sản. Không chỉ sử dụng kháng sinh để chữa bệnh, nhiều nông dân còn sử dụng kháng sinh để kích thích tăng trưởng cho vật nuôi.

Theo khảo sát mới đây của Cục Thú y đối với 208 trang trại chăn nuôi gia cầm ở Tiền Giang, mức sử dụng kháng sinh rất cao. Cụ thể, lượng kháng sinh trên đầu gia cầm ở đây cao gấp 6 lần so với mức ghi nhận được ở một số nước châu Âu. Trong đó, 84% kháng sinh được sử dụng với mục đích phòng bệnh. Không chỉ vậy, việc sử dụng thức ăn chăn nuôi có trộn sẵn thuốc kháng sinh cũng chiếm tỷ lệ cao. Trong mỗi chu kỳ chăn nuôi, 72% số trang trại đều sử dụng ít nhất 1 loại kháng sinh để phòng bệnh và trị bệnh hoặc kích thích tăng trưởng. Trong ngành chăn nuôi lợn, kháng sinh cũng bị lạm dụng với con số 286,6 mg hoạt chất kháng sinh/kg lợn hơi.

Kháng sinh dùng trong chăn nuôi: Vẫn còn nhức nhối
Bắt đầu từ năm 2018 sẽ cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi.
Việc sử dụng rộng rãi kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đã làm gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc trong gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm động vật. Việc bán thuốc kháng sinh không theo đơn, trộn kháng sinh vào thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản mà không có sự giám sát về chuyên môn cho thấy, thuốc kháng sinh được sử dụng thiếu trách nhiệm, đây là vấn đề đáng lo ngại.

Hiện Bộ NN&PTNT cho phép sử dụng trên 40 loại hóa chất, kháng sinh trong sản xuất thức ăn chăn nuôi cho lợn, gia cầm, bò thịt… để kích thích tăng trưởng. Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, trong bối cảnh ngành sản xuất cám cạnh tranh rất khốc liệt như hiện nay, những doanh nghiệp nhỏ có thể dùng nhiều kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Điều này cũng dễ lý giải bởi khi cùng sản xuất ra một loại thức ăn, người dân thấy sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp nào phòng được bệnh hơn thì dĩ nhiên họ sẽ chọn sản phẩm đó. 

Âm thầm đi vào sức khỏe con người

Ăn gì để yên tâm, ăn gì để tránh được những nguy cơ bệnh tật đối với sức khỏe? Đó có lẽ là nỗi bức xúc nhất hiện nay của người dân. “Thịt lợn chứa chất tạo nạc cấm, thịt trâu thịt bò, rồi đến cả cá tôm tồn dư kháng sinh...” – chị Nguyễn Thị Hằng, nhà ở phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ.

Nỗi bức xúc của chị Hằng có lẽ cũng là nỗi niềm chung của nhiều người tiêu dùng, bởi thực tế hiện nay, mỗi miếng thịt, con tôm, con cá… có thể kèm đó là một lượng kháng sinh âm thầm đi vào cơ thể qua đường ăn uống. Chúng vô tình khiến cho các loại kháng sinh thực sự mất tác dụng khi điều trị, buộc người khi mắc bệnh phải chạy đua tới những loại kháng sinh mạnh hơn, điều này dẫn đến hệ lụy xấu cả về sức khỏe và kinh tế. 

Các nhà khoa học phân tích: Sử dụng thuốc kháng sinh một cách tràn lan trên vật nuôi gây nguy cơ tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thịt, khi người tiêu dùng sử dụng thịt tồn dư kháng sinh, chất này đi vào cơ thể người sẽ gây ra nguy cơ kháng kháng sinh, sử dụng nhiều có thể ảnh hưởng đến chức năng gan, thận. “Ảnh hưởng lớn nhất của việc lạm dụng kháng sinh chính là sự suy giảm sức đề kháng của cơ thể, khiến cơ thể trở nên nhờn các loại vi khuẩn gây bệnh,  nhờn thuốc” - theo bác sĩ Lê Quang Hào (Viện Dinh dưỡng quốc gia). 

Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, thông thường kháng sinh dùng để chữa bệnh cho gia súc, gia cầm và vật nuôi phải theo một quy trình chữa bệnh, tức là mỗi con vật khi dùng kháng sinh phải có thời gian đủ để lượng kháng sinh này tiêu hết trước khi bị giết mổ. Thế nhưng hiện nay, như chúng ta biết, không phải hộ chăn nuôi hay trang trại nào cũng làm đúng quy trình như vậy. Nhiều khi gia súc mới sử dụng kháng sinh được vài ngày đã đem bán cho người tiêu dùng để sử dụng trong bữa cơm hàng ngày. 

Khi lượng kháng sinh chưa tiêu tan hết thì vô tình người tiêu dùng sử dụng sản phẩm đó sẽ nạp vào cơ thể mình một lượng kháng sinh nhỏ, trong một thời gian dài dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh. Điều này sẽ rất đáng ngại bởi khi bị ốm, người ta sẽ phải sử dụng kháng sinh mạnh mới có tác dụng trị bệnh, thậm chí có người “nhờn” đến cả chục loại kháng sinh khiến quá trình trị bệnh rất vất vả. 

Vậy phải làm gì để hạn chế tình trạng này? Theo TS. Thịnh, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là việc hoàn toàn  đúng, còn việc lạm dụng nó lại là việc khác. Cũng khó trách người nông dân, ngoài một số người cố tình lạm dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi thì còn lại nhiều người vẫn chưa hiểu hết được tác hại của sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng vật nuôi đó như nào. Một con trâu hay bò trị giá cả chục triệu, hay nhỏ như con gà, con vịt cũng có giá cả trăm ngàn, đó là tài sản lớn. Với kiến thức và kinh nghiệm của họ, đương nhiên họ sẽ sử dụng ngay kháng sinh để ngăn và trị bệnh. 

Bởi vậy nhiệm vụ của các cơ quan chức năng như Cục Chăn nuôi, Chi cục Thú y cần tăng cường mở các lớp tập huấn hướng dẫn cho người nông dân cách sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm đúng quy trình, liều lượng… để vừa phòng được bệnh vừa không tồn dư lượng kháng sinh khi sản phẩm đến với người tiêu dùng. Ngoài ra các cơ quan chức năng cũng cần khuyến khích người nông dân cam kết không sử dụng chất cấm, không lạm dụng kháng sinh… 

“Tôi nghĩ rằng khi người nông dân cập nhật được kiến thức, hiểu được việc sử dụng kháng sinh thế nào là đủ, là đúng, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì họ sẽ làm theo. Như vậy, đến lúc đó chúng ta có thể yên tâm thực phẩm tới tay người tiêu dùng là an toàn, đúng quy trình” – Tiến sĩ Thịnh nhấn mạnh. 

Năm 2018 cấm dùng thức ăn chứa kháng sinh kích thích tăng trưởng

Trước thực trạng đáng lo ngại này, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khởi động Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý và sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản 2017 - 2020.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi bổ sung, ban hành một loạt các luật thế hệ mới như: Luật Bảo vệ thực vật, Luật Thú y, tới đây là Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản… Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Vũ Văn Tám cho biết, Bộ NN&PTNT đã đưa ra lộ trình cụ thể để quản lý chặt chẽ thức ăn chứa kháng sinh. Theo đó, từ 31-12-2017, sẽ chấm dứt sử dụng thức ăn chứa kháng sinh với mục đích kích thích tăng trưởng.

“Nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, phòng chống hiện tượng kháng kháng sinh cho con người, trong thời gian tới Bộ NN & PTNT sẽ cùng Bộ Y tế tổng rà soát kháng sinh dùng cho người và vật, trong đó chia ra những nhóm kháng sinh chỉ chuyên dùng cho người, cho vật nuôi, hạn chế kháng sinh dùng cả cho cả người và vật. Bộ Y tế cũng đã đưa ra giải pháp kiểm soát tốt hơn khám chữa bệnh, kinh doanh thuốc kháng sinh cho người” - Thứ trưởng Tám cho hay. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Kháng sinh dùng trong chăn nuôi: Vẫn còn nhức nhối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO