Khắc phục tồn tại, hạn chế trong bảo tồn di sản

HNM| 27/08/2018 10:48

“Trùng tu bằng… xây mới”, “bê tông hóa di tích”, “cải lão hoàn đồng di sản”… là “điều tiếng” gắn liền với việc bảo tồn không ít di tích trong thời gian qua. Điều này cho thấy công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản cần có thêm giải pháp căn cơ, chủ động hơn để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm nguyên vẹn giá trị di sản.

Khắc phục tồn tại, hạn chế trong bảo tồn di sản
Đình Lương Xá (Ứng Hòa) sau khi xây dựng trái phép.

Hệ lụy từ việc tu bổ di tích tùy tiện

Đại diện cơ quan quản lý văn hóa và các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản vừa phải “ngồi lại”, bàn phương án khắc phục hậu quả từ những sai phạm trong việc tu bổ, tôn tạo đình Lương Xá (huyện Ứng Hòa) sau khi di tích cổ kính này được “phù phép” thành mới tinh bằng những vật liệu, cấu kiện hoàn toàn xa lạ với yếu tố gốc. Đáng nói, trước đó, UBND huyện Ứng Hòa, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã khuyến cáo bằng văn bản về nguyên tắc trùng tu, tôn tạo nhưng những yêu cầu này không được lưu tâm, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến khẳng định: “Đình Lương Xá đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào danh sách kiểm kê từ năm 2012, chịu sự quản lý của UBND xã Liên Bạt. Việc trùng tu, tôn tạo bằng cách làm mới di tích là vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc bảo tồn, phá hủy giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của di sản”.

Chuyện buồn bảo tồn di sản không chỉ riêng đình Lương Xá. Cách đây chưa lâu, điều tương tự đã xảy ra tại chùa Khúc Thủy (huyện Thanh Oai) khi nhà chùa và người dân tự ý xây dựng các công trình mới trong khuôn viên di tích; sử dụng màu sắc, nguyên liệu, trưng bày hiện vật… không phù hợp với cảnh quan, không gian văn hóa. Dù đã được cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền địa phương yêu cầu khắc phục hậu quả nhưng việc “sửa sai” tại di tích này diễn ra khá chậm.

Từ trường hợp đình Lương Xá, chùa Khúc Thủy, dễ thấy “làm mới di tích” không phải là hiện tượng mới xuất hiện bởi trước đó đã có không ít di tích bị làm cho biến dạng do cách tu bổ, tôn tạo tùy tiện, không theo quy hoạch tổng thể và nguyên tắc tôn trọng yếu tố gốc. Có thể kể đến những vi phạm tại chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ), chùa Quang Húc (huyện Ba Vì), chùa Sổ (huyện Thanh Oai), chùa Đậu (huyện Thường Tín), đền thờ và lăng Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây), chùa Vân Hoạch (huyện Đông Anh)… Không ít trường hợp, dù đã được phát hiện và khắc phục nhưng vẫn không thể khôi phục nguyên vẹn giá trị gốc của di sản. PGS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định: “Vi phạm trong công tác trùng tu, tôn tạo xảy ra thời gian qua mà điển hình là vụ việc ở đình Lương Xá cho thấy nhận thức, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn hạn chế. Công tác quản lý di sản ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền để người dân hiểu về giá trị di sản chưa đạt yêu cầu”.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Hàng loạt vụ vi phạm về tu bổ, tôn tạo di tích thời gian qua đặt ra thách thức cho công tác quản lý di sản, nhất là khi Hà Nội sở hữu số di tích nhiều nhất cả nước (gần 6.000), trong đó, số di tích xuống cấp, cần có giải pháp tu bổ khẩn trương chiếm tới 1/3. Áp lực hơn, dù đã có Luật Di sản văn hóa cũng như nghị định, thông tư hướng dẫn, có Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố nhưng nhiều vi phạm vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời. Ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) cho biết: Lực lượng quản lý và thanh tra văn hóa tại cơ sở khá mỏng, lại kiêm nhiệm nhiều việc nên công tác quản lý còn hạn chế. Mặt khác, do khan hiếm thợ lành nghề, có kiến thức về bảo tồn di sản nên chất lượng trùng tu, tôn tạo di tích chưa cao, làm ảnh hưởng tới tính toàn vẹn của di sản.

Theo ông Phạm Mai Hùng, cùng với việc tìm hướng hạn chế sai phạm trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích, điều cần quan tâm hiện nay là xem xét, đánh giá việc thực thi Luật Di sản văn hóa tại các địa phương như thế nào, công tác giám sát, quản lý di tích của chính quyền địa phương đã hiệu quả chưa... Đó là việc cần làm ngay bởi thực tế cho thấy, liên quan đến việc tu bổ, tôn tạo di tích, nếu vấn đề được trao đổi rộng rãi, có ý kiến góp ý của giới nghiên cứu và quá trình tu bổ được triển khai dưới sự giám sát thường xuyên, nghiêm ngặt của bộ phận tư vấn, chính quyền địa phương và cộng đồng thì sẽ khó nảy sinh vi phạm. Về lâu dài, chúng ta cần duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa tới cơ sở, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản của cán bộ, nhân dân, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng: Việc kiểm tra, phát hiện vi phạm thời gian qua còn chưa quyết liệt, hình thức xử lý chưa đủ sức răn đe. Muốn loại bỏ tiền lệ xấu thì cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân để xảy ra những vụ việc như vừa qua, có hình thức xử lý thỏa đáng nhằm xóa bỏ tình trạng tùy tiện tu bổ rồi chạy theo sửa sai. Với việc huy động các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn xã hội hóa, các địa phương, nhất là chính quyền xã, phường, thị trấn phải chú ý thực hiện đúng quy định, trình tự, thủ tục, không thỏa hiệp với nhà tài trợ để làm theo ý họ, gây ảnh hưởng xấu tới hiện trạng di tích.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục tồn tại, hạn chế trong bảo tồn di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO