Gắn sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới
Trao đổi với chúng tôi ông Hoàng Chí Lượng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết: Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”. Đây là chương trình có nhiều nét mới, hướng tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ hơn nữa “tam nông” - nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Để các nội dung của chương trình thực sự đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực Phòng Kinh tế đã tham mưu cho UBND huyện Thạch Thất ban hành 1 chương trình; 3 quyết định; 2 kế hoạch và nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 202 - 2025. Cụ thể, năm 2022 huyện Thạch Thất đăng ký phấn đấu xã Dị Nậu đạt chuẩn NTM nâng cao, xã Đại Đồng đạt NTM kiểu mẫu. Trong đó, đến nay xã Dị Nậu có 15/19 tiêu chí đạt và 4/19 tiêu chí cơ bản đạt. Xã Đại Đồng tiêu chí về thu nhập đã đạt (năm 2021 đạt 70 triệu đồng); tiêu chí mô hình thôn thông minh đang triển khai; đối với 8 tiêu chí lựa chọn: an ninh trật tự; môi trường; sản xuất; y tế; văn hóa; giáo dục và đào tạo; du lịch; chuyển đổi số. Qua kết quả rà soát đánh giá xã Đại Đồng lựa chọn lĩnh vực y tế để xây dựng tiêu chí kiểu mẫu theo Quyết định số 3098/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 của UBND Thành phố Hà Nội.
Để xây dựng NTM đạt hiệu quả cao, UBND huyện đã xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với mục tiêu là nâng cấp, phát triển sản phẩm hàng hóa bảo đảm chất lượng, mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, hướng đến xuất khẩu. Theo đó, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đến nay huyện đã có 142 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao; trong đó có 114 sản phẩm đạt 4 sao; 28 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2022, huyện Thạch Thất đăng ký phấn đấu 30 sản phẩm OCOP, phấn đấu đến cuối năm 2022 toàn huyện có 172 sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao.
Có thể nói, nhờ tiên phong trong xây dựng NTM, Thạch Thất đã tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp thông qua việc xây dựng sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện nhiều giải pháp phát huy thế mạnh các làng nghề, làng có nghề. Nhờ đó, thu nhập bình quân liên tục tăng nhanh, vấn đề việc làm của người dân địa phương cơ bản được giải quyết. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Thạch Thất sẽ tập trung nguồn lực cho xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững gắn với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, gắn với phát huy lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, làng nghề truyền thống.
Giải pháp phải đồng bộ, thiết thực
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được thời gian tới huyện Thạch Thất tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM; huy động các nguồn vốn sẵn có của địa phương, kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa để có nguồn lực thực hiện hoàn thành tiêu chí xã NTM nâng cao; tham gia công tác vệ sinh môi trường, trồng thêm nhiều cây xanh, đường nở hoa, tường tranh bích họa, nhất là cơ sở vật chất các điểm vui chơi giải trí cho người già và trẻ em; cơ sở vật chất trường học, nhà văn hóa và công tác an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngoài ra, huyện cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, việc xây dựng NTM phải gắn với phát triển kinh tế địa phương, chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả. Triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đảm bảo yêu cầu, hiệu quả và phát triển thị trường tiêu thụ. Đồng thời quan tâm phát triển dịch vụ, thương mại để tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp nhưng giá trị tuyệt đối cao.
Hành trình xây dựng NTM ở huyện Thạch Thất vẫn còn cả chặng đường dài phía trước. Đây là một quá trình liên tục, không dễ dàng và đòi hỏi những nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ và nhân dân trong huyện với những giải pháp đồng bộ và toàn diện để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đạt chuẩn NTM, hướng đến xây dựng thành công các xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu từ đó thực hiện thành công các nội dung mà Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đề ra.