Huyện Phúc Thọ: Phát triển các làng nghề truyền thống góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương
Huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội được biết đến là huyện ngoại thành có nhiều làng nghề và làng nghề truyền thống. Việc giữ gìn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đang được huyện quan tâm, đây được coi là tiềm năng và lợi thế trong việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương.
Ngoài 07 làng nghề đã được công nhận, trong những năm gần đây, huyện Phúc Thọ đã phát triển thêm được một số làng nghề mới như: nghề mộc Triệu Xuyên xã Long Xuyên, làng Hát Môn xã Hát Môn, sản xuất con giống bằng thạch cao ở Đường Hồng xã Thanh Đa, sản xuất Tương xã Thượng Cốc, May mặc thôn Táo Ngoại xã Tam Thuấn. Với tổng số gần 2.000 cơ sở và hộ sản xuất tại các làng nghề, làng có nghề đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương và các xã, huyện lân cận, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Theo UBND huyện Phúc Thọ, sản xuất Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đã đạt được những kết quả trên nhiều mặt quy mô sản xuất nhiều làng nghề đã được mở rộng và phát triển, các Cụm công nghiệp được hình thành đã tạo điều kiện về mặt bằng cho các doanh nghiệp, hộ làng nghề sản xuất tập trung. Các doanh nghiệp, hộ làng nghề đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết bị máy móc, mở rộng sản xuất, phát triển nhiều mặt hàng sản xuất mới, sản phẩm không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, mở rộng được thị trường tiêu thụ và nâng cao hiệu quả của sản xuất. Giá trị sản xuất công nghiệp – TTCN chiếm tỷ trọng cao, giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập trong nhân dân góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã có nghề và thu hút, giải quyết được lao động ở các xã trong khu vực. Đến nay, trên địa bàn huyện đang có 02 cụm công nghiệp đang hoạt động, tổng diện tích 28,7 ha, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở mở rộng quy mô sản xuất. Hiện tại, các doanh nghiệp, hộ sản xuất đã xây dựng nhà xưởng trong Cụm công nghiệp và hoạt động hiệu quả. Năm 2020, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập 06 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện với diện tích 94,87 ha, sau khi xây dựng xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật sẽ tạo điều kiện rất lớn về mặt bằng sản xuất cho các hộ làng nghề trên địa bàn huyện.
Phát triển làng nghề truyền thống đã thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, các làng nghề truyền thống không những tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ở nông thôn mà còn hạn chế người dân tự do ra thành phố tìm việc làm, huy động được nguồn lực trong dân, sử dụng tài nguyên sẵn có tại địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các vùng.
Huyện Phúc Thọ cũng đã tổ chức thành công Triển lãm sinh vật cảnh sinh vật cảnh lần thứ IV, Quảng bá sản phẩm nông sản huyện Phúc Thọ và các tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2023; trưng bày sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP với quy mô 65 gian hàng, cùng sự tham gia của 12 tỉnh thành: Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Bắc Cạn, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng và Hà Nam. Trong khuôn khổ triển lãm, đã phối hợp với Liên Hiệp HTX tiêu dùng Việt Nam (VCCU) tổ chức tọa đàm xây dựng chuỗi bán lẻ và nâng cao chất lượng HTX.
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống; Công tác xây dựng, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm làng nghề được chú trọng. Đến nay, huyện đã xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm: Chuối Vân Nam, Bưởi Tam Vân, Bưởi Phúc Thọ, cà dầm tương xã Tam Hiệp, tương nếp Tam Hiệp; rau an toàn Xuân Phú, thịt lợn Phúc Thọ và cà dầm tương, tương nếp tam hiệp; rau an toàn xuân phú, thịt lợn Phúc Thọ, nhãn hiệu chứng nhận du lịch Tích Giang và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận.
Là một trong những làng nghề của huyện Phúc Thọ, Xã Tích Giang được biết đến là một vùng trồng hoa, cây cảnh của thành phố. Từ năm 2005, phong trào trồng cây cảnh đã nở rộ ở Tích Giang, nhà nhà trồng cây cảnh, người người trồng cây cảnh, tạo ra nhiều loại cây có giá trị nghệ thuật. Các khu vườn quanh xã Tích Giang rất là nhiều loại hoa, phong phú, đa dạng. Ông Đỗ Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Tích Giang cho biết: Trải qua nhiều thăng trầm, nghề trồng hoa, cây cảnh nơi đây đã và đang ngày một phát triển, từ khi chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh, đời sống của người dân nơi đây cũng thay đổi từng ngày. Tích Giang chính thức được công nhận làng nghề hoa, cây cảnh vào ngày 25/12/2022. Điều này cũng tạo điều kiện cho người dân ở Tích Giang phát triển ổn định và yên tâm gắn bó với nghề. Ở Tích Giang, nhiều mô hình trồng hoa được người dân áp dụng như mô hình hoa Đồng tiên, mô hình hoa Ly, mô hình hoa Loa kèn…mang lại giá trị kinh tế cao.
Để thúc đẩy ngành nghề nông thôn này, UBND huyện Phúc Thọ đã phê duyệt Đề án “Phát triển hoa, cây cảnh gắn với du lịch sinh thái xã Tích Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Tổng diện tích theo quy hoạch vào khoảng 140ha. Việc thực hiện đề án sẽ giúp Tích Giang mở rộng vùng sản xuất, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế bền vững. Địa phương cũng đang phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ để trong năm 2023-2024 xây dựng sản phẩm chứng nhận nhãn hiệu “Du lịch Tích Giang.
Trong tương lai gần, Tích Giang sẽ là trung tâm thương mại chợ hoa, cây cảnh, cây giống, cây ăn quả và là địa chỉ du lịch hấp dẫn khách thập phương./.