Huyện Đông Anh: Bền bỉ đưa Quy tắc ứng xử vào đời sống
Nhờ bền bỉ triển khai, nhân rộng các mô hình hay, kết hợp thực hiện Quy tắc ứng xử gắn với Đề án Văn hoá công vụ, phát động phong trào văn hoá công sở; Nâng cao chất lượng thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với thực hiện hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố văn hoá, huyện Đông Anh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ và trở thành điểm sáng của Thủ đô về thực hiện Quy tắc ứng xử.
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Theo báo cáo của UBND huyện Đông Anh, công tác tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử và Đề án Văn hoá công vụ trên địa bàn huyện được triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo.
Bộ Quy tắc ứng xử được triển khai đồng bộ tạo chuyển biến mạnh mẽ về lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong thực thi nhiệm vụ; có phong cách giao tiếp ứng xử văn minh. Xây dựng nền nếp, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương hành chính; tuân thủ các quy định trong hoạt động công vụ. Tăng cường sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành kỷ cương của các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Phó phòng Văn hoá và Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thị Mỹ Linh chi biết, việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan trên địa bàn huyện đã được triển khai đồng bộ, sâu rộng, tạo được sự đồng tình, hưởng ứng. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã có chuyển biến tích cực trong việc chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nêu cao tinh thần học tập, gương mẫu về đạo đức, lối sống, chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức. Thái độ ứng xử của cán bộ, công chức trong việc tiếp dân, giải quyết các thủ tục hành chính thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ giao, quy trình thủ tục, có thái độ ứng xử đúng chuẩn mực với người dân.
Liên quan đến thực hiện Quy tắc ứng xử gắn với Đề án Văn hoá công vụ, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thuộc huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch cải cách hành chính của đơn vị mình, nghiêm túc triển khai thực hiện. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Nhằm tạo môi trường làm việc văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp tại từng phòng, ban, cơ quan, đơn vị, trong những năm qua UBND huyện đã tổ chức các cuộc thi “Mô hình Bộ phận Một cửa văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; Mô hình cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp gọn gàng” trong các cơ quan hành chính huyện Đông Anh. 100% các xã, thị trấn đã xây dựng và triển khai kế hoạch tham gia cuộc thi “Mô hình Bộ phận Một cửa văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; Mô hình cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng”.
Một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện Quy tắc ứng xử trên địa bàn huyện Đông Anh là xã Tiên Dương. Ngay từ đầu năm 2024, UBND xã đã chủ động xây dựng Kế hoạch cải cách hành chính và nghiêm túc triển khai thực hiện. Tại đây, cơ chế một cửa, một cửa liên thông hoạt động ngày càng có hiệu quả. Tại bộ phận một cửa UBND xã, các thủ tục hành chính được công khai, minh bạch, giảm phiền hà, thời gian chờ đợi trong quá trình giao dịch giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan nhà nước. Kỷ luật, kỷ cương hành chính ngày càng được siết chặt.
Tại UBND xã Tiên Dương đã được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất để tập trung cho công tác chuyển đổi số trong xây dựng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số: 100% máy tính cho cán bộ, công chức cơ quan xã được cài đặt phần mềm virus bản quyền nhằm để bảo vệ an toàn thông tin, dữ liệu máy tính. Việc khai thác phần mềm họp trực tuyến được xã khai thác triệt để và có hiệu quả, thực hiện đầy đủ các cuộc họp qua phần mềm họp trực tuyến đạt chất lượng tốt. 100% tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) được xử lý trên môi trường mạng. 100% cán bộ, công chức xã được tập huấn bồi dưỡng kỹ năng về công tác chuyển đổi số, đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 100% lãnh đạo xã ứng dụng chữ ký số.
Chủ tịch UBND xã Tiên Dương Hoàng Xuân Hùng cho biết, trong những năm qua, UBND xã Tiên Dương đã tích cực hưởng ứng và tham gia các cuộc thi về tuyên truyền quy tắc ứng xử, xây dựng các mô hình quy tắc ứng xử đồng bộ, hiệu quả, đem lại kết quả đáng ghi nhận và sự thay đổi tích cực trong nhận thức, hành động và từng việc làm cụ thể của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và mọi tầng lớp nhân dân. Xã đã tham gia cuộc thi “Mô hình Bộ phận Một cửa văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; Mô hình cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng”; “Mô hình Bộ phận Một cửa văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp”; “Mô hình cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng”.
UBND xã đã thực hiện niêm yết bảng Quy tắc ứng xử tại nơi trang trọng, dễ nhìn, dễ thấy; công khai các thông tin về thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí; quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ; việc thu phí, lệ phí của cá nhân, tổ chức được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật… đảm bảo kịp thời, đầy đủ, thường xuyên, rõ ràng, dễ tiếp cận, dễ khai thác sử dụng; mở hòm thư góp ý và công khai số điện thoại thường trực để nhân dân kịp thời phản ánh những thắc mắc trong quá trình giao dịch công việc.
Mô hình điểm “Di tích lịch sử - văn hóa kiểu mẫu”
Huyện Đông Anh luôn được đánh giá là địa phương đi đầu trong triển khai bài bản và có hiệu quả mô hình “Di tích lịch sử - văn hoá kiểu mẫu”, trong đó đã triển khai thành công mô hình tại Khu di tích đình làng Nhạn Tái, xã Xuân Nộn.
Cụ Nguyễn Phong Thanh, Trưởng ban nghi lễ đình làng Nhạn Tái cho biết, đình đã được xây dựng cách đây trên 100 năm; ngày nay thờ 6 vị thành hoàng. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, được sự quan tâm của lãnh đạo huyện và xã, đình làng Nhạn Tái đã được đầu tư kinh phí tu bổ tôn tạo, đến nay công trình đã hoàn thành để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương.
Tại đình làng Nhạn Tái, Hội LHPN xã kết hợp với ban văn hóa thông tin xã in ấn bộ quy tắc ứng xử văn minh, di tích lịch sử văn hóa kiểu mẫu để treo bên trong khuôn viên đình làng. Đồng thời, Hội LHPN đã chỉ đạo chi hội phụ nữ và kết hợp cùng ban lãnh đạo thôn, các ngành đoàn thể trong thôn dọn dẹp vệ sinh, làm cỏ phía trong và ngoài khuôn viên đình làng. Đặc biệt phía ngoài khuôn viên đình làng Hội đã đến tuyên truyền vận động 08 hộ gia đình sinh sống xung quanh khuôn viên đình làng cùng chung tay xây dựng tuyến đường quanh khuôn viên đình làng thành tuyến đường xanh, sạch, đẹp. Hội LHPN xã tặng 02 thùng rác đôi đặt trong khuôn viên đình làng nhằm bảo vệ môi trường trong đình.
"Sau khi ra mắt mô hình điểm “Di tích lịch sử - văn hóa kiểu mẫu” tại đình làng Nhạn Tái, nhân dân khi đến thăm quan hoặc làm lễ tại đình đã thực hiện tốt các nội dung ứng xử văn minh, lịch sự theo bộ quy tắc ứng xử của Thành phố; không còn tình trạng ăn mặc phản cảm, ứng xử của người dân văn minh, lịch sự, giữ gìn nét tôn nghiêm nơi thờ tự", cụ Nguyễn Phong Thanh nhấn mạnh.
Đồng chí Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình (Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội) đặc biệt ấn tượng với những kết quả đã đạt được trong triển khai 02 bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn huyện Đông Anh thời gian qua. Đồng chí Bùi Minh Hoàng mong muốn huyện Đông Anh tiếp tục đẩy mạnh khai thác phát huy giá trị văn hóa truyền thống cùng nhiều dòng văn hóa dân gian đặc sắc như múa rối nước Đào Thục, trong đó đáng lưu ý là tinh hoa văn hoá Kinh Bắc; góp phần xây dựng giá trị văn hóa gắn với quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người Đông Anh – Hà Nội thanh lịch, văn minh./.