Huyền bí sơn mài Vũ Trọng Thuấn

Trần Trung Sáng| 22/12/2017 22:43

Kỷ niệm 5 năm ngày thành lập studio Vũ Trọng Thuấn (2012-2017) tại TP Đà Nẵng, chiều 22/12, CN Nhà xuất bản Hội nhà văn miền Trung & Tây nguyên phối hợp cùng họa sĩ Vũ Trọng Thuấn tổ chức khai mạc Triển lãm phòng tranh mang tên “Huyền bí”. Triển lãm trưng bày khoảng 30 tác phẩm mới nhất của họa sĩ Vũ Trọng Thuấn, gồm nhiều thể loại sơn mài trên vóc, Arcrylic trên bố... với các đề tài đất nước, con người, tình yêu cuộc sống.

Huyền bí sơn mài Vũ Trọng Thuấn
Người thưởng ngoạn xem tranh  tại Studo Vũ Trọng Thuấn

Hoạ sĩ Vũ Trọng Thuấn quê quán Hải Phòng, học mỹ thuật và trưởng thành tại Sài Gòn. Sau nhiều năm sống và làm việc tại Paris (Pháp), ông trở lại quê nhà lần đầu vào năm 1999, đến năm 2003, Vũ Trọng Thuấn có cuộc triển lãm “Những tác phẩm mới 2003” tại Nhà triển lãm TPHCM, với những ấn tượng không chỉ vì kích cở của các bức tranh khổ lớn, mà người xem cảm nhận chia sẻ cùng ông những kỷ niệm, ký ức, nỗi ám ảnh của một người nhiều năm tháng tha hương.

Cách đây 5 năm, vào ngày 23/12/2012, họa sĩ Vũ Trọng Thuấn chính thức khai mạc phòng tranh La tour Eiffel (nay là studio Vũ Trọng Thuấn) của ông tại 277 đường Trần Hưng Đạo, Đà Nẵng.Nơi đây, một không gian khá lý tưởng để người thưởng ngoạn có dịp tiếp cận với những bức tranh có kích cỡ từ 1,2 mét đến 12 mét.

Tại triển lãm lần này, với chủ đề “Huyền bí”, Vũ Trọng Thuấn cho ra mắt loạt tác phẩm mang tâm trạng đầy trăn trở, như những nỗi niềm chấp chới đọng lại của người nghệ sĩ trong cuộc chơi kỳ ảo không ngớt gọi mời. Đó là: Đất nước tôi (Acrylic trên vóc sơn mài, 2,5x 12m), Yêu (Acrylic trên vải bố, 120x80), Ám ảnh Acrylic trên vải bố (80x100), Xe lăn (Acrylic trên vải bố,100x100)...  Ở một vài tác phẩm khổ lớn bằng sơn mài cùng chất liệu tổng hợp thể hiện một thiên nhiên náo nức, hào sảng, và mang đậm bản sắc thâm thuý phương đông.
Huyền bí sơn mài Vũ Trọng Thuấn
Họa sĩ Vũ Trọng Thuấn (giữa) với thân hữu tại Studio Vũ Trọng Thuấn

Thế giới nghệ thuật của Vũ Trọng Thuấn là một thế giới nội tâm, gợi mở nhiều suy tưởng, dù đôi khi vẫn mang ít nhiều “huyền bí”. Hay nói một cách khác, tranh của ông là một thứ trừu tượng đậm yếu tố hiện thực, song người xem dễ gần gũi, bởi có thể nhận ra chiếc chìa khoá giải mã mà tác giả đã vô tình để lại đâu đó trong từng tác phẩm.


Trả lời câu hỏi vì sao chọn thành phố Đà Nẵng làm điểm dừng chân, hoạ sĩ Vũ Trọng Thuấn nói: “ Tôi như một con gà chơi nhời kiếm ăn khắp nơi nhưng dứt khoát khi đến kỳ “nhảy ổ” thì phải chọn cho mình một nơi chốn vừa ý để sinh nở. Với tôi, Đà Nẵng là một sự chọn lựa không có gì tuyệt vời hơn. Con gà là tôi đã đẻ ra hàng loạt tác phẩm hội họa đủ các kích cỡ, đặc biệt là những bức tranh khổ lớn dài tới 10, 12m. Tôi làm việc một cách miệt mài, cảm xúc luôn dâng trào trong niềm hạnh phúc của sáng tạo. Thú thật, chưa bao giờ được vẽ bằng một sự hứng khởi mạnh mẽ như thế...”


Gần đây, ông rất tâm đắc để chứng minh cho những thử nghiệm trước đó về sử dụng chất liệu mới của  sơn mài một cách hiệu quả. Thay vì vẽ tranh sơn mài trên vóc làm từ gỗ theo kiểu truyền thống thì bây giờ ông thay đổi làm vóc từ vật liệu mới đầy sáng tạo vừa kế thừa truyền thống vừa mở ra một cách thể hiện mới, giúp cho họa sĩ thỏa mãn tư duy khám phá, bay bổng. Đây là những thử nghiệm đã hơn 10 năm nhưng chính khi thực nghiệm tại Đà Nẵng, nhất là thực hiện trên những tấm vóc làm tranh có lớn đã giúp ông khẳng định giá trị của sự tìm kiếm chất liệu mới này.


Họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ-Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Đà Nẵng cho rằng, xem tranh của Vũ Trọng Thuấn ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh thân quen về quê hương được thể hiện bằng nét vẽ điêu luyện và cách sử dụng sắc màu độc đáo. Điều đáng quý là họa sĩ Vũ Trọng Thuấn không giữ những kỹ thuật vẽ cho riêng mình mà luôn chỉ dẫn và dìu dắt cho các họa sĩ trẻ. Ông sẵn sàng tặng những tấm vóc dùng vẽ tranh sơn mài cho các họa sĩ khác, dù những vật liệu này rất đắt tiền.


Trong 5 năm qua, bên cạnh hoạt động sáng tác, Studio Vũ Trọng Thuấn còn là một địa chỉ quy tụ, trưng bày, giao lưu, tổ chức các trại sáng tác của giới mỹ thuật Đà Nẵng và khu vực. Tuy nhiên, theo Vũ Trọng Thuấn: “Đà Nẵng cho tôi quá nhiều làm sao kể hết. Tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm với thành phố này./.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
  • Chợ Bến Thành được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố
    Chợ Bến Thành là một trong những địa danh tiêu biểu của TP HCM, lịch sử hình thành chợ gắn liền với đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn.
Đừng bỏ lỡ
Huyền bí sơn mài Vũ Trọng Thuấn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO