Hướng về cội nguồn trong sáng tác văn học nghệ thuật” là chủ đề của cuộc hội thảo vừa được tổ chức tại tỉnh Phú Thọ trong khuôn khổ của chương trình giao lưu giữa các hội văn học nghệ thuật của 5 vùng kinh đô (Phú Thọ - Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế). Các ý kiến, tham luận gửi tới hội thảo đã tập trung làm rõ những giá trị di sản của 5 vùng kinh đô cũng như cảm hứng nguồn cội trong sáng tác văn học nghệ thuật của các văn nghệ sĩ.
Các đại biểu thưởng lãm các bức ảnh nghệ thuật của các nghệ sĩ nhiếp ảnh 5 vùng Kinh đô.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Chủ tịch Hội VHNT Phú Thọ - Cao Hồng Phương tự hào khi nhắc tới “chiếc nôi của người Lạc Việt, nơi ra đời nhà nước đầu tiên, kinh đô đầu tiên trong lịch sử Việt Nam”. Nhạc sĩ Cao Hồng Phương cho hay, các địa phương trong tỉnh Phú Thọ chứa đựng kho tàng truyền thuyết, huyền thoại, các lễ hội, các làn điệu dân ca, các di tích lịch sử văn hóa của vùng đất phát tích cội nguồn văn hóa dân tộc Việt Nam. Đáng chú ý, Phú Thọ có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, gồm: Hát xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đây là niềm tự hào to lớn của dân tộc Việt Nam nói chung và của mỗi người dân đất Tổ nói riêng…
Từng là kinh đô của nước Việt thế kỷ thứ X, Ninh Bình là một vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa độc đáo. Nơi đây đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử với chiến thắng lẫy lừng của dân tộc mà dấu tích còn để lại trong các di tích lịch sử, văn hóa đình chùa, đền đài, miếu mạo, từng ngọn núi, con sông, từng địa danh của mỗi làng quê… Với Thanh Hóa, dấu ấn của nền văn hóa sông Mã, Đông Sơn - nơi phát tích của nhiều bậc đế vương… còn hiện diện trong nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Cùng với những truyền thuyết, giai thoại văn hóa dân gian, dân ca, dân vũ và hệ thống các trò diễn ra đời từ rất sớm, xứ Thanh sớm trở thành “miền di sản” đặc sắc.
Cố đô Huế mang trong mình di sản văn hóa độc đáo với quần thể kiến trúc kinh đô được xây dựng dưới triều Nguyễn cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể như nhã nhạc cung đình, mộc bản và châu bản triều Nguyễn… Còn Hà Nội, suốt chiều dài hơn 1000 năm lịch sử cho đến tận hôm nay, mảnh đất kinh kỳ luôn là nơi hội tụ các hiền tài của đất nước và cũng mang trong mình kho báu di sản khổng lồ cả ở giá trị vật thể và phi vật thể…
5 vùng kinh đô, với những dấu ấn lịch sử và văn hóa riêng đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các tác giả ở nhiều loại hình nghệ thuật từ văn thơ, nhạc họa, sân khấu, nhiếp ảnh, điện ảnh… NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khẳng định “hiếm có thành phố nào đi vào văn học nghệ thuật nhiều như Thăng Long - Hà Nội… Hà Nội thực sự trở thành một mảng đề tài mà nhiều nhà văn theo đuổi. Không chỉ dừng lại ở thể loại thơ, truyện ngắn, tùy bút, các đầu sách về Hà Nội ngày càng đa dạng với tạp văn, khảo cứu, sách tranh. Cũng không chỉ xuất hiện trong vai trò bối cảnh trong sáng tác, Hà Nội còn là “nhân vật chính”, là đối tượng nghiên cứu trong nhiều tác phẩm…”.
Là một vùng đất địa linh nhân kiệt được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh, vẻ đẹp của Ninh Bình là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho nhiều văn nghệ sĩ. “Môi trường thiên nhiên, nền tảng lịch sử, vỉa tầng trầm tích văn hóa truyền thống cùng tiềm năng giá trị đặc trưng con người Ninh Bình là mảnh đất màu mỡ cho văn học nghệ thuật Ninh Bình hôm nay khai thác, quảng bá và phát triển… Hơn 30 năm qua, Hội VHNT Ninh Bình luôn là nơi phát hiện, bồi dưỡng, hội tụ, tập trung trí tuệ và tâm huyết của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa địa phương, khích lệ động viên những người yêu cái đẹp sáng tạo ra nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, công trình nghiên cứu văn nghệ dân gian có chất lượng, có giá trị về tư tưởng nghệ thuật…” - Phó Chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình Phạm Thị Duyên cho hay.
Đi sâu vào mảng sáng tác văn học, nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã nêu lên những nét nổi bật của văn học Thừa Thiên Huế còn nhà lý luận phê bình Thy Lan - Phó Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa, Tổng biên tập Tạp chí Xứ Thanh cũng đã đưa ra nhiều minh chứng cho cội nguồn văn hóa trong sáng tác văn học xứ Thanh. Theo nhà lý luận phê bình Thy Lan, xứ Thanh là một trong những cái nôi của những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Việt. Cũng bởi thế mà những tác giả văn học xứ Thanh xưa và nay đã có nhiều tác phẩm mang dấu ấn văn hóa của miền đất này trong thời đại họ sống.
Góp thêm cái nhìn về sân khấu Phú Thọ với đề tài lịch sử hướng về cội nguồn, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu Việt Nam tỉnh Phú Thọ Nguyễn Việt Thắng chia sẻ: “Nhiều năm qua, cùng với nhiều tác phẩm văn học, thơ ca, âm nhạc, múa… thì trên lĩnh vực hoạt động sân khấu của tỉnh Phú Thọ cũng đã xuất hiện những tác phẩm sân khấu khai thác đề tài lịch sử hướng về cội nguồn mà cụ thể là các tác phẩm có nội dung liên quan tới truyền thuyết lịch sử thời kỳ các vua Hùng dựng nước cùng nhiều ca cảnh, hoạt cảnh được sân khấu không chuyên dàn dựng”.
Với tham luận “Những bước nối tiếp của sáng tác văn chương hướng về nguồn cội”, nhà thơ Bùi Việt Mỹ (Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội) đã điểm lại một cách khái quát về đội ngũ các nhà văn năng hướng sáng tác về nguồn. “Đội ngũ văn nghệ sĩ Thăng Long - Hà Nội, Huế, Ninh Bình, Thanh Hóa và Phú Thọ ngày nay lớn hơn bao giờ hết, một lòng hướng về nguồn, về cố đô - chính nơi họ lớn lên và chọn để tôn vinh và cống hiến. Dĩ nhiên, sẽ rất ít văn nghệ sĩ lại chỉ chọn một chủ đề, một địa danh để sáng tác, mà hầu hết họ đều vươn tỏa cảm xúc của mình tới mọi vùng miền” - nhà thơ Bùi Việt Mỹ nhấn mạnh.
Có thể nói, với những góc nhìn đa chiều, tại hội thảo các văn nghệ sĩ của 5 vùng kinh đô đã góp phần làm nổi bật những giá trị di sản văn hóa của 5 vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay trong sáng tác những tác phẩm văn học nghệ thuật; đánh giá việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các tác phẩm văn học nghệ thuật cũng như tác động của các tác phẩm văn học nghệ thuật hướng về cội nguồn… từ đó góp phần lan tỏa những giá trị di sản văn hóa các vùng miền.
Trong khuôn khổ hoạt động giao lưu văn học nghệ thuật của 5 tỉnh thành vùng kinh đô xưa và nay (từ ngày 19 - 21/9/2022), tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ đã diễn ra triển lãm ảnh nghệ thuật “Di sản văn hóa lịch sử 5 vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay” giới thiệu 100 bức ảnh nghệ thuật của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hội VHNT của Phú Thọ, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế. Dịp này, đoàn văn nghệ sĩ các Hội VHNT các vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay cũng có chuyến tham quan thực tế Nhà máy chè Phú Long và Đồi chè Long Cốc ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.