Triển lãm trưng bày 45 bức tranh với 4 đề tài, bút pháp, phong cách khác nhau nhưng tìm đến nhau để học hỏi, gắn kết tạo nên một nhóm vẽ trên lụa Sắc Việt. Tạ Hùng Việt đem âm hưởng nhạc cụ dân tộc thổi hồn vào bức tranh tạo ra những tác phẩm đêm trăng huyền ảo.
Đỗ Thu Hương say mê về đề tài văn hóa đồng bào vùng cao với những cô gái trong các bộ trang phục dân tộc nhiều nét hoa văn độc đáo, trong mọi hoạt cảnh.
Nguyễn Thị Thiền với tình yêu Hạ Long, muốn đưa vẻ đẹp nên thơ của di sản thiên nhiên thế giới với cách thể hiện lụa truyền thống, lối tạo hình hiện đại, phong cách nhẹ nhàng, đằm thắm. Hoàng Quốc Tuấn gây ấn tượng bằng những bức tranh lụa vẽ trẻ em với những nét ngây thơ trong trẻo tựa thiên thần
Nhạc sĩ Tạ Hùng Việt chia sẻ: “Những nhạc cụ dân tộc là những linh hồn của dân tộc Việt. Từ thời xa xưa, ông cha ta đã nghiên cứu sử dụng trong nền nhạc cụ cung đình, ngày hội, như tạo động lực trăm hoa đua nở ngày xuân, những đêm trăng tỏa sáng. Tôi đem những âm hưởng trong nền nhạc cụ dân tộc thổi hồn vào bức tranh.
Sao không thể hiện sơn dầu, sơn acrylic như những triển lãm trước? Bởi lụa là một trong những chất liệu trong trẻo, êm nhẹ, thanh khiết. Với những lời thầm thì, nỉ non, réo rắt, hân hoan, sâu lắng… trong những đêm trăng mang đậm hồn Việt. Nên chỉ lụa mới cho tôi cơ hội thể hiện bút pháp trong bối cảnh mặt trời hồng trên vách núi, với chàng trai, cô gái, hay những đêm trăng thanh bình cùng gương mặt các cô gái xinh tươi đang thả hồn trong những cung nhạc, tạo cảm giác thư thái nhẹ nhàng, êm sâu. Sau những tác phẩm “chín muồi” tham gia triển lãm lần này. Tôi sẽ đi theo hướng tranh lụa, chính là tinh thần động lực phát triển tình yêu với lụa lâu dài của tôi”.
Họa sĩ Hoàng Quốc Tuấn: “Tôi tìm đến tranh lụa như một sự dãi bày cho cảm xúc và tâm hồn mình. Một chất liệu mềm mại, uyển chuyển và thuần khiết. Nội dung chính mà tôi theo đuổi trong sáng tác của mình là những cô bé với nét hồn nhiên, đôi mắt to tròn long lanh, đôi môi chúm chím hay những nụ cười rạng ngời.
Tôi rất thích một câu nói của ông giáo Chi trong truyện ngắn “Sống dễ lắm” của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - “Mình cứ sống thôi, sống dễ lắm - cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống”. Và tôi coi đó như là 1 điều triết lý muốn gửi gắm vào những tác phẩm của mình. Chủ đề tôi tập trung nhiều cho những sáng tác trên lụa của mình là những cô bé với những nét thơ ngây trong trẻo. Dường như tâm hồn trẻ thơ mang lại cho tôi nhiều điều thích thú và gửi gắm. Tôi mong muốn rằng người xem tranh có thể tìm thấy một góc nhỏ nào đó trong tầm hồn mình thông qua những tác phẩm này”.
Họa sĩ Đỗ Thu Hương nói: “Điều khiến tôi yêu thích là với Lụa từ hình thức nghệ thuật tới nội dung đều hết sức gợi cảm. Lụa diễn tả được các cung bậc cảm xúc mà những cung bậc cảm xúc ấy đã được chưng cất từ chính cuộc sống bình dị, đời thường. Chúng đem đến cho tôi một cảm giác nhẹ nhõm, thanh bình, êm ả. Không những thế, cảm xúc thẩm mỹ của người họa sĩ còn đánh thức bởi lý trí, trí tuệ và nghị lực sống. Bởi thế, đem tới triển lãm lần này là các tác phẩn lấy cảm hứng từ hơi thở cuộc sống, đan xen với vẻ đẹp từ thiên nhiên như khung cảnh được diễn tả trên nền Lụa. Và mỗi tác phẩm cũng là thế giới nội tâm của chính bản thân mình.
Tôi chọn đề tài chủ yếu là người phụ nữ bởi vì hình ảnh thiên tính nữ chỉ là hình ảnh chung nhưng lại xuyên suốt với đủ các lứa tuổi mà tôi chiêm nghiệm được trong cuộc sống – Đó là vẻ đẹp của sự sống, một vẻ đẹp thuần chất không cần triết lý, không ồn ào, mà lặng lẽ, cô đọng. Và tôi muốn ghi lại vẻ đẹp đó bằng ngôn ngữ hội họa của mình”.
Các họa sĩ cho biết triển lãm là bước khởi đầu, hòa nhập vào “làng Lụa Việt” đang khởi sắc với những bước đi tiếp theo, tiếp nối, phát triển tranh lụa, được xem là vốn quý của hội họa Việt Nam có nguy cơ bị quên lãng từ đó lan tỏa tình yêu lụa đến công chúng yêu thích hội họa.