Đại danh y Lê Hữu Trác từng nói “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công”. Bởi thế người thầy thuốc không chỉ phải giỏi về chuyên môn mà còn phải có tâm, có đức đó chính là cốt lõi của một lương y chân chính. Trước xu thế hội nhập của nền kinh tế, xã hội y đức của người thầy thuốc nhiều khi bị thay đổi nhưng chúng ta luôn bắt gặp đâu đó những người thầ
Tôi gặp anh trong chuyến đi làm từ thiện tại Trà Lĩnh, Cao Bằng. Nhìn khuôn mặt hiền từ và nụ cười phúc hậu của anh trong suốt chuyến hành trình khiến tôi không thể không trò truyện cùng anh. Tâm sự cùng anh trên suốt chặng đường tôi mới biết anh là một lương y. Tôi tò mò tự hỏi là một lương y, anh có trăm công nghìn việc khám chữa bệnh cứu người vậy sao anh vẫn có thời gian cùng đoàn đi làm từ thiện trong chuyến hành trình ba ngày? Và có lẽ trong thâm tâm của người thầy thuốc ấy, cứu người, cứu đời là một sứ mệnh… Sau khi trò chuyện với anh tôi đã tìm được câu trả lời, chả có lý do gì cho những việc làm đó của anh ngoài tình yêu thương đồng loại. Đó phải chăng là đức tính cần thiết của tất cả những người làm nghề y, đúng như Hồ Chủ tịch từng nói “Lương y như từ mẫu”, “Thầy thuốc như mẹ hiền”.
Anh tâm sự: Nhà anh xưa thuộc hộ nghèo nhất xã, có ốm đau cũng không có điều kiện đi mua thuốc chữa bệnh. Lúc đó mẹ anh bị bệnh “báng bụng” (y học hiện đại gọi là xơ gan cổ chướng) anh được người dân trong vùng “mách” cho vị lương y tài đức ở làng Thường Trì tên là Đồng Kiện có thể bắt bệnh và chữa khỏi cho mẹ, anh đã đi tìm vị lương y này bốc thuốc cho mẹ uống. Vị lương y có đưa cho anh một loại lá “Bạch đồng nữ” mà dân gian gọi là cây mò trắng và dặn mỗi tuần lấy một bó hầm với con gà con cho mẹ ăn kết hợp với thuốc điều trị của ông. Sau một thời gian bệnh của mẹ anh thuyên giảm hẳn. Cảm phục trước tài năng của thầy Đồng Kiện, anh tâm sự với thầy: “Lớn lên con sẽ làm thuốc giống thầy”. Có lẽ với con mắt tinh tường của người làm nghề y, thầy Đồng Kiện đã đồng ý truyền lại nghề cho anh. Và cũng từ đó cái duyên của nghề thuốc Nam đã đến với anh như là một duyên nghiệp.
Năm 1970 anh tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ tại biên giới Lào. Lúc đó một số anh em trong đơn vị bị bệnh, anh lặn lội vào bản cùng các anh em dân tộc vào rừng tìm kiếm các cây thuốc nam quý về chữa bệnh cho anh em. Khi ra khỏi quân ngũ anh chuyển về công tác tại Bộ Y tế, trong thời gian làm việc ở đây khi nghe ở đâu có thầy thuốc giỏi, anh đều tìm đến với mong muốn có thể học hỏi được kinh nghiệm cũng như các phương thức chữa bệnh tốt để giúp đỡ mọi người. Ngoài giờ hành chính thực hiện công việc chuyên môn ở văn phòng, anh dành thời gian tìm tòi học hỏi về kiến thức chuyên môn, lúc đó anh theo học trường y Tuệ Tĩnh. Trong thời gian đó, anh được nhiều bậc lão thành ở Vụ Y học chỉ dạy, không chỉ truyền dạy về kiến thức, các cụ còn truyền dạy cho anh về lương tâm và trách nhiệm của người làm nghề y. Với tình yêu nghề và đức tính ham học hỏi anh đi khắp nơi chữa bệnh cho người nghèo mà không lấy tiền. Có khi là ở Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… ở đâu có người nghèo mắc bệnh anh đều đến khám chữa tận tình. Đến năm 2010 khi về hưu anh chính thức mở phòng khám và chữa bệnh. Những trường hợp bệnh nhân ốm quá không đến được phòng khám, anh đến tận nhà chuẩn bệnh kê thuốc, dốc lòng cứu chữa người bệnh.
Cả cuộc đời chữa bệnh của anh, anh đã cứu chữa cho rất nhiều bệnh nhân nhưng chưa gặp trường hợp nào như trường hợp của cụ bà Phạm Thị Nhần, 102 tuổi. Trường hợp khám chữa bệnh của cụ như là một sự minh chứng cho tài năng và tâm đức của người thầy thuốc coi sinh mệnh của bệnh nhân còn quý hơn sinh mệnh của chính bản thân mình. Lần thứ nhất vào năm 2014 sau thời gian bị tai biến đột quỵ cụ có dấu hiệu bị câm, khó nói thành lời. Khi anh xuống khám, kê thuốc điều trị cho cụ khoảng một tháng thì tình trạng bệnh thuyên giảm. Cụ đã đi lại và nói chuyện được bình thường. Lần thứ hai khi cụ đi lấy rau ngoài vườn ngồi xuống ghế bị trượt và bệnh viện chuẩn đoán cụ bị gẫy xương cổ đùi. Lúc đó cụ chỉ nằm một chỗ không đi lại được, con trai cụ lại tìm đến anh, để nhờ anh chữa trị cho cụ. Một lần nữa, anh lại điều trị thành công cho cụ, cụ ngồi xe lăn và có thể di chuyển bằng xe, tự lên xuống giường mà không cần người hỗ trợ. Đến lần thứ ba cụ bị mất tân dịch, người yếu và mệt, con trai cụ lại đón xuống cấp cứu và cụ hồi phục và ăn uống bình thường. Lần gần đây nhất do tuổi già cụ bị kiệt sức, nhiều người trong làng có kinh nghiệm dự đoán lần này chắc cụ không thể qua khỏi. Và một lần nữa anh đã mang lại hy vọng sống cho cụ, anh lại tiếp tục lặn lội đường xa, xuống kê toa, bốc thuốc cho cụ, con cháu cụ mừng vui khôn xiết, chỉ biết cảm ơn người thầy thuốc tài ba. Nếu như không trực tiếp gặp mặt và trò chuyện cùng con trai của cụ bà Phạm Thị Nhần có lẽ tôi vẫn còn đôi chút hoài nghi về câu chuyện của anh.
Thấm nhuần tư tưởng về y đức của các bậc tiền bối, trong suốt những năm hành nghề y anh luôn tâm niệm làm sao phải giúp những người nghèo, những gia đình khó khăn được khám chữa bệnh. Chính vì vậy anh cùng các anh em tại phòng khám thường xuyên tổ chức những đợt khám bệnh miễn phí tại Chùa Liên Phái, khám cho trẻ em khuyết tật tại mái ấm Thanh Tâm (Mỹ Đức - Hà Nội), phát cháo miễn phí tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, khám và điều trị bệnh tại trại khuyết tật Hòa Bình, tại chùa Ngân Cầu (Yên Phong - Bắc Ninh)…. Những việc làm đầy ý nghĩa thiết thực như vậy không phải người thầy thuốc nào cũng làm được, phải có một tình yêu nghề, tình yêu thương con người rộng lớn, phải có một y đức sáng ngời thì người thầy thuốc mới có thể làm được như vậy. Khám chữa bệnh cứu người vô tình đã trở thành duyên nghiệp đối với anh. Anh làm việc hết mình, dốc lòng cứu chữa bệnh nhân như thể là anh đang mang nợ và nặng nợ với y nghiệp.
Nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu và khám chữa bệnh, anh cũng đã lập vườn thuốc bảo tồn di thực các cây thuốc quý tại Thôn Tổ, xã Liên Hồng, Đan Phượng, Hà Nội. Nghe thấy ở đâu người dân tìm được cây thuốc quý, anh lặn lội đường xá xa xôi đến tận nơi mang về vườn bảo tồn để nuôi trồng. Từ đó anh dày công nghiên cứu những bài thuốc hay, những phương pháp điều trị bệnh hiệu quả bằng thuốc nam từ chính những cây thuốc quý mà anh di thực từ nhiều nơi về vườn bảo tồn. Từ các cây thuốc quý anh sử dụng các phương pháp bào chế dân gian như sao khô để mang về sắc, nghiền viên để uống hoặc cũng có thể dùng trực tiếp cây thuốc tươi để trị bệnh.
Ngoài y đức, trong anh còn có một tình yêu quê hương da diết. Mặc dù đã công tác và ở tại Hà Nội, nhưng tâm anh vẫn luôn hướng về quê nhà. Người con ưu tú ấy của quê hương Đan Phượng đã không quản ngại khó khăn đường xa, không quản ngại công việc bận rộn ở phòng khám, vẫn thường xuyên về quê thăm và khám chữa bệnh miễn phí ngay tại quê nhà. Gần đây nhất, anh đã cùng bà con trong thôn xây dựng, tu bổ lại Miếu Xương Rồng, nơi thờ thành hoàng làng xưa. Trong thâm tâm của anh lúc nào cũng muốn góp một phần nhỏ để đóng góp xây dựng cho quê hương, nơi đã gắn bó với tuổi thơ anh, nơi đã nuôi dưỡng một người con tài ba tâm đức vẹn toàn như anh.
Trò chuyện cùng anh tôi luôn cảm nhận được ẩn sâu sau ánh mắt hiền từ của anh là những trăn trở, những sự băn khoăn, lo lắng rất nhiều cho những người bệnh, nhất là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những trăn trở về người bệnh trong anh không mong được đáp trả, không màng đến danh lợi khi tận tâm cứu chữa cho mọi người, đúng như lời dạy của người xưa:
“Thiện tâm cốt ở cứu người
Sơ tâm nào có mưu cầu chi đâu
Biết vui nghèo cũng hơn giàu
Làm ơn nào phải mong cầu trả ơn...”
Cảm ơn anh! Người thầy thuốc nhân dân.