Gần 60 báo cáo đã được các nhà khoa học trong nước và quốc tế chia sẻ tại hội thảo, tập trung về các lĩnh vực: Văn hóa, văn học - nghệ thuật; lịch sử - xã hội; Việt ngữ học và phương pháp giảng dạy tiếng Việt, trong đó có giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Trong đó, một số nội dung nổi bật như về biến đổi xã hội, biến đổi ngôn ngữ; biến đổi văn hóa truyền thống của dân tộc trong quá trình đô thị hóa; vai trò của văn hóa trong quá trình hội nhập; nhận thức, thái độ của giới trẻ hiện nay; xây dựng môi trường văn hóa ở nông thôn...
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Lê Hoàng Dũng cho biết: Hội thảo nhằm tạo diễn đàn khoa học chất lượng cao về nghiên cứu Việt Nam học trong nước và khu vực, thiết lập mạng lưới các nhà Việt Nam học quốc tế cùng thảo luận về các vấn đề trong xã hội Việt Nam đương đại. Các nhà khoa học sẽ trình bày những nghiên cứu mới nhất của mình về Việt Nam học và tiếng Việt, góp phần bổ sung thêm cơ sở lý luận và thực tiễn đương đại trong nghiên cứu Việt Nam học.
Nhận định về vai trò quan trọng của chính sách văn hoá đối ngoại của nước ta, Thạc sỹ Vũ Thị Việt Nga, Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, nhờ những nỗ lực trong công tác văn hóa đối ngoại, hình ảnh Việt Nam và văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế đã được nâng lên một tầm cao mới. Ngày càng có nhiều quốc gia quan tâm tìm hiểu về Việt Nam với mức độ rộng hơn, sâu hơn và mang tính thực tiễn hơn.
Từ các hoạt động văn hóa, Việt Nam được biết đến, được nhìn nhận là một nước có truyền thống văn hóa lâu đời, với bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm; nay là một quốc gia hòa bình, thân thiện, sẵn sàng mở cửa làm bạn với thế giới. Những vấn đề về lịch sử, về văn hóa, về lối sống của người Việt, của dân tộc Việt được tiến hành tìm hiểu dưới mọi góc độ và với mọi cách nhìn nhận.
Thạc sỹ Bùi Minh Hào, Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, trong bối cảnh các nguồn lực tự nhiên ngày càng bị khai thác cạn kiệt thì nguồn vốn văn hóa càng có vai trò quan trọng hơn trong quá trình phát triển.
Thực tế trong nhiều năm qua, một số cộng đồng vùng dân tộc thiểu số đã vận dụng vốn văn hóa vào phát triển kinh tế thị trường một cách hiệu quả. Những mô hình phát triển của họ đã chứng minh rằng các giá trị văn hóa truyền thống không phải là một gánh nặng do phải tốn kém nhiều chi phí bảo tồn mà ngược lại, còn là một nguồn vốn để phát triển kinh tế. Vì thế, cần thiết phải có các giải pháp để phát huy vai trò của vốn văn hóa vào phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số.
Thảo luận về vấn đề định hướng giá trị cho thanh niên hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Thanh niên chia sẻ, qua khảo sát giá trị cơ bản của con người được thực hiện trên 1.400 thanh niên hế hệ Z (tuổi trung bình 21,9) cho thấy, những giá trị mà thế hệ Z coi là quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với cuộc sống của họ là: An toàn; sự phù hợp, đúng mực; lòng nhân từ; truyền thống; phổ quát.
Khảo sát theo giới tính, nam giới Gen Z coi trọng các giá trị quyền lực, tự định hướng hơn nữ giới; trong khi đó nữ giới Gen Z lại đề cao các giá trị truyền thống, sự phù hợp, đúng mực, an toàn hơn nam giới. Những kết quả này sẽ căn cứ khoa học gợi ý cho việc định hướng, giáo dục giá trị cho thanh niên thế hệ Z phù hợp với tình hình mới và bối cảnh hội nhập ở nước ta hiện nay.