Hội thảo quốc tế “Dấu ấn Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ”
Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI), Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF), Đại học Jean Moulin Lyon 3 (Pháp) đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Dấu ấn Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ” vào ngày 22/5.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của ông Edgar Doerig, Trưởng Đại diện Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; ông Pierre Du Ville, Trưởng đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam, Chủ tịch Nhóm các Đại sứ quán, Phái đoàn và Tổ chức Pháp ngữ tại Hà Nội (GADIF); Đại sứ Nguyễn Thiệp, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp; Ông Arnaud Pannier, Tùy viên Hợp tác giáo dục, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; Bà Trang Phan-Labays, Giảng viên cao cấp, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo tại Viện Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Jean Moulin Lyon 3, Pháp; cùng đông đảo các học giả, chuyên gia và nhà quản lý trong nhiều lĩnh vực.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Edgar Doerig, Trưởng Đại diện Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, hội thảo được tổ chức trong bối cảnh chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 sẽ được tổ chức tại Pháp vào tháng 10/2024 và Kỷ niệm 27 năm kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ VII được tổ chức thành công tại Hà Nội vào năm 1997. Sự kiện đã đặt dấu ấn cho con đường hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam thông qua các hoạt động hợp tác chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa và ngôn ngữ với Cộng đồng Pháp ngữ.
Sau hơn 50 năm hình thành và phát triển, cộng đồng Pháp ngữ đã từng bước chuyển mình, trở thành một không gian chính trị - kinh tế - văn hóa đa dạng, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trên thế giới. Ðến nay, Cộng đồng Pháp ngữ - La Francophonie (tên chính thức: Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, Organisation internationale de la Francophonie) đã trở thành mái nhà chung của 88 thành viên và quan sát viên, hiện diện tại năm châu lục trên thế giới. Tính đến tháng 3 năm 2023, với 1,2 tỷ người, Cộng đồng Pháp ngữ chiếm 16% dân số thế giới và 16,5% tổng tài sản được tạo ra trên toàn cầu.
Việt Nam gia nhập Cơ quan hợp tác văn hóa và kỹ thuật (ACCT - tiền thân của OIF) vào năm 1979. Từ đó đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng được cải thiện và phát triển. Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Cộng đồng Pháp ngữ với vai trò và vị thế ngày càng được khẳng định, trong những năm qua, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng như Chủ tịch Hội đồng thường trực Pháp ngữ (CPF), Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (CMF), Chủ tịch Hội nghị cấp cao Pháp ngữ... Những vị trí quan trọng mà Việt Nam đảm nhiệm thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng đối với Việt Nam cũng như uy tín của Việt Nam trong cộng đồng.
“Việt Nam tự hào là một trong những thành viên tích cực của cộng đồng Pháp ngữ với lịch sử giao lưu văn hóa, giáo dục và hợp tác kinh tế phong phú đã và đang góp một phần không nhỏ vào việc thúc đẩy sự phát triển và gắn kết các quốc gia trong cộng đồng. Đặc biệt sự phổ biến của tiếng Pháp và văn hóa Pháp tại Việt Nam đã tạo nên một cầu nối vững chắc giữa các nước trong khu vực và trong cộng đồng Pháp ngữ”, ông Phùng Danh Thắng - Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định trong bài phát biểu khai mạc hội thảo.
Hội thảo diễn ra với hai phiên:
Phiên toàn thể: Vai trò của Cộng đồng Pháp ngữ trong dòng chảy phát triển của Việt Nam với sự chia sẻ của Đại sứ Nguyễn Thiệp, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp về vấn đề “Việt Nam đã, đang và sẽ luôn ở trung tâm của Cộng đồng Pháp ngữ” và chia sẻ về “Chiến lược phát triển của OIF tại Châu Á - Thái Bình Dương” bởi ông Edgar Doerig, Trưởng Đại diện Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Phiên tham luận: Tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ trong bối cảnh hiện nay với 5 tham luận của các học giả, chuyên gia và nhà quản lý trong nhiều lĩnh vực.
Xuyên suốt buổi hội thảo, các diễn giả đã trao đổi và làm sâu sắc hơn những khía cạnh xoay quanh vị thế của Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ với các vấn đề: (1) Định vị vai trò của Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ; (2) Tìm hiểu tác động của văn hóa Pháp ngữ trong xã hội Việt Nam và vị trí của giáo dục Pháp ngữ trong hệ thống giáo dục Việt Nam; (3) Đánh giá về hợp tác giáo dục trong Cộng đồng Pháp ngữ; (4) Phân tích quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia trong khối Pháp ngữ; (5) Phân tích chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với Cộng đồng Pháp ngữ; (6) Dự đoán triển vọng, từ đó đưa ra những khuyến nghị về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ nói chung cũng như các quốc gia trong Cộng đồng Pháp ngữ nói riêng./.