Là một trong bốn vị “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt, Thánh Gióng gắn liền với truyền thuyết cậu bé làng Phù Đổng đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước. Tục truyền rằng, sau khi đánh tan quân giặc, ngài phi ngựa tới chân núi Sóc, cởi bỏ giáp trụ rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời.
Tượng đài Thánh Gióng tại khu du lịch tâm linh đền Sóc - điểm thu hút nhiều du khách đến thăm quan.
Hội Gióng tại Khu di tích lịch sử đền Sóc, thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội để tưởng nhớ và ngợi ca Đức Thánh Gióng, người anh hùng đã có công đánh đuổi giặc Ân dưới thời Hùng Vương dựng nước. Lễ hội được diễn ra từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Lãnh đạo huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội,
thắp hương tại lễ hội.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn ông Hồ Việt Hùng (Trưởng Ban tổ chức lễ hội) thì lễ hội đền Sóc năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày từ ngày 17 - 19/2/2021 (tức ngày 6 đến 8 tháng Giêng năm Tân Sửu). Lễ hội tiếp tục duy trì nghi lễ truyền thống nhưng có những đổi mới trong cách tổ chức đã phát huy được hiệu quả, mang lại sự văn minh và an toàn. Đặc biệt là, không tổ chức lễ rước giò hoa tre và trầu cau xuống đền Hạ, đền Mẫu; bỏ tục tán lộc. Sau khi làm lễ xong, lễ vật sẽ được đưa vào đền Thượng và tổ chức phát lộc cho du khách theo sự kiểm soát của Ban tổ chức.
Đi đầu đoàn rước các lễ vật là đoàn rước giò hoa tre của thôn Vệ Linh, xã Phù Linh.
Hội Gióng đền Sóc là một lễ hội lớn hàng năm với sự tham gia của nhiều làng lân cận trong vùng và được người dân chuẩn bị chu đáo từ rất sớm. Theo như nội dung được ghi trên mặt bia số 6 của bia 8 mặt thì sự phân công rước các lễ vật trong lễ hội của các làng được phân bổ theo thứ tự: thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) - rước giò hoa tre; thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược) - rước voi; thôn Đan Tảo (xã Tân Minh) - rước trầu cau; thôn Đức Hậu (xã Đức Hòa) - rước ngà voi; thôn Yên Sào (xã Xuân Giang) - rước cỏ voi; thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) - rước tướng.
Ngay từ khoảng 2 - 3 tuần trước ngày khai hội, những thôn tham gia lễ hội đã bắt đầu rục rịch các công việc chuẩn bị. Trong đó, làm voi là một nghi lễ quan trọng tạo nên nét đặc sắc riêng của lễ hội đền Gióng. Sau khi làm lễ thỉnh Thánh tại đình làng, các cụ thôn Dược Thượng tiến hành công việc pha tre, đan khung hình con voi cao 3 - 4 mét. Khi khung tre dựng xong thì dán giấy, quét sơn và trang trí voi sao cho sống động
Cùng với sự chuẩn bị làm voi thì các thôn khác trong vùng được phân công cúng tiến lễ vật cũng đều chuẩn bị phẩm vật từ giữa tháng Chạp, rồi làm lễ tại đình làng mình vào ngày mồng 5 Tết. Đêm mồng 5 Tết, nghi lễ mộc dục (tắm tượng) được tiến hành ở đền Thượng. Tảng sáng ngày mồng 6, sau 3 hồi trống nổi lên từ đền Thượng thì lễ hội Gióng chính thức bắt đầu. Nhân dân 8 thôn làng thuộc 6 xã nằm quanh Khu di tích đền Sóc tiến hành dâng các lễ vật đã được chuẩn bị chu đáo lên Đức Thánh, cầu mong ngài phù hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Một trong những tục độc đáo của lễ hội đền Sóc là tục chém tướng của thôn Yên Tàng, gồm có phần rước đồng thời diễn tả lại việc Thánh Gióng chém 3 tên tướng giặc Ân cuối cùng ở chân núi Vệ Linh trước khi bay về trời. Cùng với các nghi lễ cúng tế, ở khu vực bên ngoài còn diễn ra các trò chơi dân gian rất sôi nổi.
Đến chiều ngày mồng 8, ngày cuối của lễ hội là lễ hóa các mô hình voi và ngựa giấy với kích thước lớn được tiến hành để kết thúc lễ hội (voi chiến và ngựa sắt là hai linh vật gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng chống giặc Ân, bảo vệ non sông bờ cõi). Du khách thập phương đến tham gia lễ hội ai ai cũng đều mong được chung tay khiêng voi, khiêng ngựa ra bờ sông để hóa, bởi theo tín ngưỡng, bất cứ ai được chạm tay vào đồ tế lễ Đức Thánh Gióng đều sẽ gặp may mắn trong cuộc sống.
Không chỉ được biết đến là nơi thờ tự Phù Đổng Thiên Vương, lễ hội Gióng tại đền Sóc còn nổi tiếng với nhiều hoạt động thể dục thể thao, với các nội dung thi đấu như: Vật , cờ tướng, bóng chuyền...; tổ chức các trò chơi dân gian như đi cà kheo, nấu cơm thi, đi cầu thăng bằng, đập niêu..., góp phần tăng thêm sức hấp dẫn cho lễ hội.
Hội Gióng đền Sóc nhằm khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, kế thừa và phát huy các tinh hoa văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mục đích của lễ hội cũng nhằm thực hiện đầy đủ cam kết mà UNESCO quy định về bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Gióng tại đền Sóc “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.