Hoạt động tu bổ, phục hồi di tích: Không để "sự đã rồi"!

Nguyễn Thanh/HNM| 30/09/2018 17:05

Sở hữu số lượng di tích lịch sử, văn hóa lớn nhất cả nước, song hiện nay Hà Nội cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Thực trạng này đòi hỏi cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý hoạt động tu bổ, phục hồi di tích, gìn giữ nguyên vẹn giá trị di sản sau tu bổ, nhất là khâu nắm bắt thông tin, không để xảy ra "sự đã rồi" như một số vụ việc gần đây.

Hoạt động tu bổ, phục hồi di tích: Không để
Hoạt động tu bổ, phục hồi, gìn giữ nguyên vẹn sẽ phát huy giá trị di sản. Ảnh: Bá Hoạt


Vi phạm nhiều, xử lý không nghiêm


Với gần 6.000 di tích có tuổi đời từ một đến nhiều thế kỷ, nhiều năm qua, Hà Nội luôn phải đối diện với những khó khăn đến từ tình trạng di tích xuống cấp ồ ạt, thiếu nguồn đầu tư tu bổ, tôn tạo... và vấn đề quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Qua thống kê sơ bộ của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cả thành phố hiện có hơn 1.600 di tích chờ vốn đầu tư tu bổ, trong đó có 220 di tích đã xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với thực trạng di tích xuống cấp, tình hình vi phạm trong hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích xuất hiện ở nhiều địa phương, với đủ kiểu vi phạm, làm mai một giá trị di sản.

Có thể kể đến một số vụ việc điển hình, như: Tự ý hạ giải, xây dựng trái phép ở chùa Trăm Gian (Chương Mỹ); xây mới, lắp đặt nhiều hạng mục không phù hợp trong không gian chùa Khúc Thủy (Thanh Oai); lắp đặt bình phong ở di tích đền thờ và lăng Ngô Quyền (Sơn Tây); dựng công trình 2 tầng trong khuôn viên chùa Bồ Đề (Long Biên); làm mới các bản chạm khắc cổ ở đền Phù Đổng (Gia Lâm)… Gần đây nhất, việc tháo dỡ, xây mới toàn bộ đình cổ Lương Xá ở Liên Bạt (Ứng Hòa) cho thấy hậu quả nghiêm trọng từ việc làm tùy tiện, thiếu coi trọng pháp luật về di sản văn hóa. Điều đáng nói, sau khi khuyến cáo địa phương bằng văn bản về nguyên tắc trùng tu, tôn tạo theo đúng quy định, UBND huyện Ứng Hòa không có bất kỳ động thái kiểm tra, giám sát công tác tu bổ, tôn tạo ở địa phương, dẫn đến việc chỉ được biết thông tin khi “sự đã rồi”.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Phạm Mai Hùng cho rằng, những vi phạm trong công tác tu bổ, tôn tạo thời gian qua, mà điển hình là vụ việc ở Lương Xá cho thấy hạn chế trong nhận thức của một bộ phận người dân và sự thiếu quan tâm của nhiều địa phương về công tác bảo tồn di sản. Công tác tuyên truyền để người dân hiểu về giá trị di sản cũng như tầm quan trọng của việc gìn giữ “yếu tố nguyên gốc của di sản” vẫn chưa được chú trọng, khiến việc thực thi pháp luật về di sản văn hóa chưa đạt yêu cầu.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về di tích

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết, trước tình hình vi phạm trong công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, Sở đã đề nghị các ngành chức năng và các địa phương tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố. Đồng thời, thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố; xây dựng kế hoạch tu bổ di tích, trong đó xác định danh mục, kinh phí và lộ trình tu bổ tôn tạo phục vụ phát triển du lịch; xác định danh mục các di tích xuống cấp theo thứ tự ưu tiên, trước mắt tập trung cho các di tích xuống cấp nặng, không bảo đảm an toàn.
Hoạt động tu bổ, phục hồi di tích: Không để
Đình Lương Xá (huyện Ứng Hòa) bị hạ giải, thay bằng những hạng mục mới sau khi tu bổ.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đã yêu cầu các địa phương khi thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo, tu bổ di tích văn hóa phải được sự thỏa thuận của cấp xếp hạng di tích theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa. Các phường, xã, thị trấn có di tích phải thành lập hoặc kiện toàn Ban Quản lý di tích để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 4, Điều 19, Quy chế quản lý di tích, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi thành viên trong Ban, từ đó gắn trách nhiệm của cá nhân và tổ chức khi xảy ra sai phạm… 

Theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu (Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia), yếu tố cốt lõi trong bảo tồn là giữ gìn nguyên vẹn “yếu tố gốc cấu thành di tích”. Chính vì vậy, trong công tác bảo tồn, ngoài ý thức trách nhiệm của cán bộ, chính quyền và người dân, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của nhiều ngành khoa học khác nhau. Hơn nữa, cùng với việc áp dụng những kinh nghiệm, phương pháp truyền thống, cần ứng dụng, khai thác có hiệu quả những tiến bộ của khoa học, công nghệ hiện đại và đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực thực hiện công tác tu bổ, phục hồi bảo đảm yêu cầu.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cho rằng, để khắc phục những khó khăn trong quản lý hoạt động tu bổ, phục hồi di tích, Hà Nội cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn; nâng cao vai trò của chính quyền cơ sở trong công tác bảo vệ di tích; tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng giá trị di sản, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giám sát, bảo vệ, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Việc huy động các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn xã hội hóa phải thực hiện đúng quy định, không thỏa hiệp với nhà tài trợ, gây ảnh hưởng xấu tới di tích.

Theo GS.TS Trương Quốc Bình, thành viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, việc thiếu giám sát cũng như hình thức xử lý các trường hợp vi phạm chưa đủ tính răn đe, nên khó tránh khỏi tình trạng "nhờn luật". Bởi lẽ, với hầu hết các vi phạm nêu trên, mức xử lý chỉ dừng ở kiểm điểm, khiển trách và ở không ít nơi xảy ra vi phạm, việc khắc phục những sai phạm, sau khi được cơ quan chủ quản yêu cầu cũng không được thực hiện nghiêm túc.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động tu bổ, phục hồi di tích: Không để "sự đã rồi"!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO