Họa sĩ, Nghệ nhân nhân dân Chu Mạnh Chấn: Người "phục dựng" những vẻ đẹp văn hóa Việt

Hoàng Anh| 29/04/2021 07:07

Họa sĩ, Nghệ nhân nhân dân Chu Mạnh Chấn vừa khiến giới mỹ thuật nước nhà không khỏi ngạc nhiên khi có cuộc triển lãm mang tên Miền ký ức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (từ 26/3 đến ngày 3/4/2021). Cũng bởi, xưa nay khi nhắc đến Chu Mạnh Chấn mọi người nghĩ ngay đến người con xứ Đoài tài hoa, là thầy dạy nghề mỹ nghệ cho biết bao nghệ nhân đất Bắc. Ấy vậy mà, dịp này, khi đã ở tuổi 89, ông lại bất ngờ xuất hiện ở một câu chuyện khác - câu chuyện thuộc về hội họa.

Họa sĩ, Nghệ nhân nhân dân Chu Mạnh Chấn: Người
Ca trù - 1983 - tranh của họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn

Đau đáu hồn quê

Câu chuyện hội họa ở Miền ký ức được họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn kể với công chúng là câu chuyện gọi về những vẻ đẹp bị lãng quên, qua 28 tác phẩm hội họa được ông sáng tác trong cả cuộc đời. Đầu tiên là vẻ đẹp giản dị mà lắng sâu của Hà Nội không chỉ trầm mặc, hào hoa nơi nội đô mà còn cổ kính bay bổng với cả xứ Đoài, từ Phố cổ Hà Nội,  Ca trù, Viết câu đối đến Lễ hội chùa Thầy xưa, Chùa một mái, Chùa cả, Chùa Tây Phương, Phong cảnh Đá Chông, Xóm Ba Trại mùa gặt, Lâm Dương quán Đa Sỹ, Cổng làng... Nối tiếp đó là vẻ đẹp rất đỗi thơ mộng, thuần khiết, hoang sơ mà ăm ắp niềm vui lao động, sinh hoạt không chỉ nơi núi rừng Tây Bắc như Bản lác Mường Vang, Bản mường Chiềng Vang (Hòa Bình), Chợ Bắc Hà (Lào Cai), Làng Thổ Hà (Bắc Giang)... mà còn vào đến cả Lâm Đồng với một Đà Oai vừa khoáng đạt vừa hữu tình trong không khí quân dân rộn rã lao động, sản xuất. 

Ngắm tranh của họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã cho rằng  ông là một người “đi xuyên thời gian” để “phục dựng lại những vẻ đẹp văn hóa Việt đã bị lãng quên”. Quả vậy, khi trò chuyện về tác phẩm của mình, họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn bảo, ông “chủ trương” cầm cọ với tâm hồn của một họa sĩ luôn nặng lòng và tiếc nuối khi thấy cái đẹp truyền thống cứ dần tan biến trong sự vô tình lẫn hữu ý của con người. Chẳng phải sao, một xóm Giếng, một đình Cả trong ký ức cậu bé Chấn năm xưa với những nếp nhà, những bức tường xây bằng đá ong, những gương mặt mộc mạc của người dân quê vậy mà nay sao bỗng xa xăm. Chẳng phải sao, cây cầu Bồ Ta Chàng Thôn – cây cầu đẹp nhất vùng, xây kiểu thượng xa hạ kiều nay đã biến mất chỉ còn là một cái đầm mang tên Đầm Nông… 

Vì vậy, họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn đã tìm cách lưu giữ lại những vẻ đẹp năm xưa của quê mình, quê người… trong tranh sơn mài truyền thống (đôi khi điểm thêm bức bột màu…) bằng cách kể chuyện rất đỗi dung dị, chân thực mà chứa đựng cả một tâm hồn không ngừng hoài niệm, nâng niu ký ức; một tâm hồn đau đáu trước những vẻ đẹp riêng biệt của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam mà sao cứ dần phôi phai? Chính vì thế, dù kể chuyện cũ, theo phong cách của người họa sĩ trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến và bằng chất liệu xưa của cha ông (sơn mài) nhưng tranh Chu Mạnh Chấn không hề bị bụi thời gian phủ mờ. Trái lại, trong lớp chồng của những chất liệu, phong cách xưa cũ ấy, người nghệ nhân tài hoa này vẫn có cách neo lại vẻ đẹp truyền thống với thời gian mà vẫn có thể ngầm gửi đến công chúng hôm nay và cả mai sau niềm trăn trở: Trách nhiệm thế hệ hôm nay với những vẻ đẹp của ngày hôm qua? 

Họa sĩ, Nghệ nhân nhân dân Chu Mạnh Chấn: Người
Họa sĩ, Nghệ nhân nhân dân Chu Mạnh Chấn

Bởi vậy, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã tiếp tục luận giải: “Tôi luôn thấy ông từ hiện tại bước vào quá khứ để gọi tên những vẻ đẹp đã chìm sâu trong quên lãng thức dậy. Những lễ hội, những cảnh sinh hoạt văn hóa xưa hiện ra như chính nó đang tồn tại song song cùng chúng ta mà chưa từng biến mất. Rồi ông lại từ quá khứ trở về hòa vào đời sống hiện tại. Và khi vẽ một bức tranh mới, ông lại bước vào quá khứ. Những bức tranh với hơi thở nóng hổi của quá khứ và kỹ thuật sơn mài truyền thống điêu luyện đã mang tới cho họa sĩ Chu Mạnh Chấn một quyền năng làm sống lại những vẻ đẹp đã chết hoặc bị vùi vào quên lãng của con người hiện đại. Với cách sống của con người đương đại thì biết bao vẻ đẹp văn hóa truyền thống đang bị giết chết. Và họa sĩ Chu Mạnh Chấn là một trong những người cứu vớt và bảo vệ những vẻ đẹp ấy”.

Dũng cảm vươn tới ước mơ 

Họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn sinh năm 1932 ở vùng đất trăm nghề -  làng Chàng Sơn, Thạch Thất, Sơn Tây nay thuộc Thành phố Hà Nội. Ông mồ côi mẹ từ nhỏ và vừa đến tuổi thiếu niên thì cha hy sinh trong một trận càn của giặc Pháp. Những mất mát khôn cùng ấy của tuổi ấu thơ những tưởng khiến cậu bé Chấn sớm phải từ bỏ ước mơ nối nghiệp cha trở thành họa sĩ. Nhưng không, dù ra Hà Nội để học nghề may trong nhà người anh họ, Chấn vẫn luôn ấp ủ ước mơ của riêng mình. 

Thật tình cờ trong một dịp đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám gặp họa sĩ Trần Quang Trân dẫn học trò đến đây vẽ ký họa, Chấn cứ quẩn quanh mà không chịu rời bước. Thấy thế, thầy Trân bèn hỏi: “Anh cũng muốn theo học à?”. “Con có ạ, nhưng hoàn cảnh nhà con khó khăn lắm ạ” – chàng thiếu niên đáp lời thầy trong bao ngỡ ngàng. “Vậy anh học đến đâu rồi?” - “Con mới học hết bậc tiểu học đang học thêm ở ngoài lên trình độ trung học ạ” – “Được rồi, thứ 2 cậu đến kiểm tra trình độ văn hóa (một bài dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp và ngược lại), sau đó kiểm tra nhận thức về hình khối”, thầy Trân hẹn.

Lời hẹn ấy đã khiến cậu thiếu niên Chu Mạnh Chấn ngỡ như một giấc mơ. Thế nên, cậu dễ dàng vượt qua hai bài kiểm tra, nhất là bài nhận thức về hình khối đã được điểm độc đáo vì vẽ đường diềm có họa tiết là hoa cúc đục chạm trên bia ở Văn Miếu mà cậu chợt bắt gặp nên được nhận vào Trường Mỹ nghệ quốc gia của chính quyền Bảo Đại. Vào trường, cậu theo học về sơn ta với thầy Đinh Văn Thành, học vẽ với chính thầy Trần Quang Trân và thầy Phạm Hậu. Chu Mạnh Chấn đã miệt mài học tập trong suốt 4 năm và là một người giỏi nghề luôn được thầy yêu, bạn nể. 

Thực ra, trên con đường vươn tới ước mơ này là cả một tinh thần quyết tâm và lòng dũng cảm của cậu thiếu niên Chu Mạnh Chấn. Cũng vì, cậu đã phải đánh đổi từ việc có nơi ăn, chốn ở và học nghề may nay phải ra ngoài vừa học vừa tự kiếm sống. “Tôi đã may mắn gặp một người thợ nề tốt bụng nuôi ăn ở. Để báo đáp công của ông, ngoài giờ học tôi phụ giúp ông quét vôi, sơn cửa, tối về  kẻ biển chữ phụ. Ước mơ nối nghiệp cha của tôi đã được chắp cánh bởi những nhân duyên tốt lành đến ngỡ ngàng như thế”, họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn nhớ lại.

Họa sĩ, Nghệ nhân nhân dân Chu Mạnh Chấn: Người
Lễ hội chùa Thầy - 1964 - tranh của họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn

Khi tốt nghiệp Trường Mỹ nghệ quốc gia, Chu Mạnh Chấn đã cùng với một nhóm bạn thành lập Hợp tác xã Thống Nhất  và phụ trách sáng tác đề tài mẫu cho Tổng Công ty Ngoại thương tổ chức sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu. Sau đó, khi Trường Mỹ nghệ của tỉnh Hà Tây (nay là Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội) được mở, Chu Mạnh Chấn tiếp tục là một trong những hạt nhân đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng trường và gắn bó cho đến tận lúc nghỉ hưu. Vậy nên, ông đã trở thành người thầy của nhiều thế hệ nghệ nhân các làng nghề phía Bắc, trong đó có nhiều người thành danh như nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự, nghệ nhân Nguyễn Thị Thu, họa sĩ Trần Bảng... 

Trong suốt những năm tháng dạy học trò, họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn luôn tận tâm dạy dỗ thế hệ sau với phương châm không bao giờ giấu nghề. Đây cũng là điều thầy Chấn đã gửi gắm tới các nghệ nhân: Hãy phá bỏ tâm lý sợ mất nghề mà hãy  cùng lan tỏa những bí quyết, những tinh hoa để nghề ngày một phát triển. Là trưởng khoa mỹ nghệ, thầy Chấn còn dành nhiều thời gian đi đến nhiều nơi, từ vùng Tây Bắc điệp trùng đến thủ phủ cà phê Lâm Đồng để sáng tác mẫu vẽ. Cũng từ những chuyến đi này ông luôn cần mẫn ghi chép lại phong cảnh, phong tục, không khí lao động, sinh hoạt đời thường, sinh hoạt tín ngưỡng… của mỗi vùng quê bằng những nét ký họa tài hoa. Đây cũng chính là nguồn tư liệu vô giá để ông bắt tay vào sáng tác tranh sơn mài, sơn dầu, bột màu từ những năm 1960 cho đến tận bây giờ. Những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm Miền ký ức được chọn lọc từ bộ sưu tập này. 

Sáng xuân, tôi đến thăm họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn ở khu nhà ba tầng – khu nhà tập thể được xây cách đây hơn nửa thế kỷ tại quận Hà Đông. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn sang sảng kể bao câu chuyện đời, chuyện nghề. Lần giở những bức ký họa đã sờn cũ của mấy mươi năm trước, họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn bảo, chỉ khi sang tuổi 80 ông mới chịu ngồi nhà. Vì với ông, phải đi thì mới có được tác phẩm. Và, giờ sắp bước sang tuổi 90 nhưng ông vẫn chưa chịu ngừng nét cọ. Ngay như bây giờ, bức tranh sơn mài chùa Hương – được ông ghi lại từ ký ức hồi cuối năm 1946 đang đợi ông hoàn thiện. 
(0) Bình luận
  • Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cùng các đơn vị có liên quan tổ chức Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”.
  • Trao 80 di ảnh phục dựng chân dung Anh hùng liệt sĩ tại tỉnh Ninh Bình
    Trong không khí trang nghiêm và xúc động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2025); vừa qua, Hội Cựu Công an Nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình, phối hợp với “Trái tim người lính Việt Nam,” đã tổ chức Lễ trao Di ảnh Anh hùng - Liệt sĩ CAND và Anh hùng – Liệt sĩ có thân nhân là Công an tỉnh Ninh Bình, như một hành động thiết thực thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã hi sinh vì Tổ quốc.
  • Trưng bày “Gan vàng dạ sắt”: Thế hệ trẻ thêm vững bước trên con đường bảo vệ và xây dựng Tổ quốc
    Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (TP. Hà Nội) tổ chức trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”. Đây là sự kiện không chỉ gợi nhắc ký ức hào hùng mà còn lan tỏa niềm tự hào, khơi dậy tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay.
  • Triển lãm Văn Miếu - Quốc Tử Giám và truyền thống khoa bảng Hải Phòng
    Triển lãm được chắt lọc từ hàng trăm tư liệu nhằm tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một trong những di sản quan trọng bậc nhất của Thủ đô Hà Nội, biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt, đồng thời tôn vinh truyền thống hiếu học cũng như danh nhân văn hóa Hải Phòng.
  • Tổ chức triển lãm tranh cổ động cỡ lớn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
    Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy vừa cho biết, cuộc triển lãm tranh cổ động cỡ lớn tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) sẽ được tổ chức vào tháng 12/2024, dự kiến giới thiệu 150 đến 200 tác phẩm đến công chúng.
  • 29 tác phẩm xuất sắc nhận giải thưởng Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7
    Sáng ngày 29/11, sự kiện khai mạc Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 đã diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA). Các tác phẩm trong festival phản ánh đa dạng thực tế cuộc sống và cho người xem thấy được sự trăn trở của các nghệ sỹ trẻ trước các vấn đề trong cuộc sống, xã hội đương đại.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” - Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
    Tối 31/3, tại Landmark 81 (TP.HCM) đã diễn ra sự kiện ra mắt bộ phim 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối'. Bộ phim tái hiện cuộc sống và quá trình chiến đấu của những du kích ở Củ Chi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ khởi công và xây dựng 43 cụm công nghiệp
    UBND TP Hà Nội ban hành Thông báo số 171/TB-VP ngày 31/3 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp rà soát quy trình thành lập cụm công nghiệp.
  • Hà Nội điều chỉnh lộ trình và tần suất hàng loạt các tuyến xe buýt từ 1/4
    Căn cứ vào quyết định của Sở Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã điều chỉnh lộ trình luồng tuyến, tần suất hoạt động, các chỉ tiêu dịch vụ đối với 44 tuyến buýt của Tổng công ty từ ngày hôm nay (1/4).
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ, Nghệ nhân nhân dân Chu Mạnh Chấn: Người "phục dựng" những vẻ đẹp văn hóa Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO