Hỗ trợ cho không gian sáng tạo vượt khó

HNM| 04/04/2021 11:29

Được coi là một trong những nền tảng vững chắc cho sự phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, không gian sáng tạo góp phần khai mở tiềm năng, nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo cũng như gia tăng mức hưởng thụ văn hóa trong cộng đồng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, những không gian này đang phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc duy trì, phát triển hoạt động. Thực tế đó đòi hỏi có thêm giải pháp hỗ trợ nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh các không gian sáng tạo, phục vụ hiệu quả đời sống văn hóa.

Hỗ trợ cho không gian sáng tạo vượt khó

Không gian sáng tạo “Ơ kìa Hà Nội” là điểm hẹn của các sự kiện văn hóa, nơi kết nối nghệ thuật với cộng đồng (ảnh chụp tháng 1-2021).

Thiếu tính bền vững

Giữa tháng 3-2021, thông tin “Ơ kìa Hà Nội” bị lấy lại mặt bằng, khiến những người yêu mến không gian sáng tạo này không khỏi bất ngờ, tiếc nuối. Điều đáng nói, kể từ khi được thành lập đến nay (tháng 1-2018), không gian sáng tạo này đã phải trải qua 3 lần thay đổi địa điểm, đồng nghĩa với việc toàn bộ tâm huyết, tiền của gây dựng, vun đắp trước đó bị xóa sổ. Ông Lê Bảo Trung (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) bày tỏ: ""Ơ kìa Hà Nội" là điểm đến yêu thích của tôi và bạn bè, bởi không gian Hà Nội xưa cùng những sự kiện văn hóa hấp dẫn, bổ ích. Việc phải trả lại mặt bằng khiến người yêu sáng tạo nghệ thuật vô cùng tiếc nuối".

Trước đó, đầu tháng 1-2021, cùng một lý do trả lại mặt bằng, khu tổ hợp sáng tạo “60S Thổ Quan” phải tuyên bố đóng cửa, dừng hoạt động, sau 3 năm hình thành, mở ra hàng chục thương hiệu sáng tạo nhỏ bên trong. Theo anh Cao Trung Hiếu (đồng sáng lập "60S Thổ Quan"), đây không phải lần đầu "60S Thổ Quan" lận đận về điểm đến, nhưng lần này là đóng cửa vĩnh viễn. “Tôi đang liên hệ để có một phiên bản khác, ở một không gian khác, nhưng những lo lắng về tính ổn định thì vẫn thường trực”, anh Cao Trung Hiếu cho hay.

Không chỉ "60S Thổ Quan" hay "Ơ kìa Hà Nội", tính ổn định về mặt bằng không gian là một trong những thách thức mà hầu hết không gian sáng tạo ở Thủ đô Hà Nội phải đối mặt. Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân sáng tạo Lê Quốc Vinh nhận xét, dù đóng vai trò quan trọng trong kết nối sáng tạo phục vụ cộng đồng, song tính bền vững của các mô hình này không cao. Hầu hết không gian sáng tạo do giới trẻ gây dựng với nguồn kinh phí eo hẹp, trong khi chi phí thuê mặt bằng ở Thủ đô lại rất cao, chính sách ưu đãi, bảo hộ dành cho các mô hình mang đặc tính phục vụ lợi ích cộng đồng như không gian sáng tạo còn chưa nhiều, dẫn đến việc hình thành, tồn tại và ngừng hoạt động của không ít không gian sáng tạo có chu trình rất nhanh.

Nâng đỡ không gian sáng tạo phát triển

Những năm qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng đến việc mở đường, tạo điều kiện để các không gian sáng tạo trên địa bàn thành phố hoạt động hiệu quả, với những chủ trương, như: Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng; thúc đẩy kết nối, tương tác trong hoạt động, phát triển của không gian sáng tạo… Đặc biệt, từ sau khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Thủ đô tiếp tục đặt ra nhiều giải pháp để hiện thực hóa những cam kết đã đề ra trong hồ sơ gia nhập mạng lưới, trong đó có việc xây dựng, củng cố các không gian sáng tạo.

Theo Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam Bùi Hoài Sơn, để giải quyết những khó khăn của không gian sáng tạo cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp; trong đó, rõ ràng không thể ứng xử với các không gian sáng tạo như doanh nghiệp bình thường, vì đặc điểm của các mô hình này là mang tính thử nghiệm và hướng tới cộng đồng. Cần có những chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch đô thị, thuế; xác định rõ ràng hơn địa vị pháp lý của các không gian sáng tạo là những tổ chức phi lợi nhuận, vì cộng đồng, thì các không gian sáng tạo ở Thủ đô mới có thêm cơ hội phát triển.

Về vấn đề này, theo Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh, không gian sáng tạo được xác định là một trong những ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô hiện nay, đã được Thành ủy Hà Nội khóa XVII đưa vào Chương trình số 06/Ctr-TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Cùng với đó, thành phố cũng đang tập trung thực hiện các sáng kiến, đề xuất chăm lo xây dựng nền tảng sáng tạo với các hoạt động giáo dục sáng tạo, như: Thành lập Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; phát triển chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội; lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội; tuần lễ thiết kế sáng tạo Hà Nội…

“Cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Tạp chí Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát động (tháng 10-2020), cũng gợi mở những giải pháp cho vấn đề xây dựng, củng cố các không gian sáng tạo, khi khai thác các mô hình sáng tạo trên cơ sở cải tạo các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng”, bà Phạm Thị Lan Anh cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xúc động những câu chuyện thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế
    Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình từng sinh sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước ở Thừa Thiên Huế trong thời gian từ 1895 - 1901 và 1906 - 1909.
  • Tái hiện “một thời hoa lửa” của Thanh niên xung phong
    Tối 18/5, tại khu vực sân khấu ngoài trời thị xã Sơn Tây, đêm thi thứ 5 “Liên hoan tiếng hát Cựu Thanh niên xung phong Hà Nội năm 2024” (cụm số 3) được tổ chức với sự tham gia của 6 đơn vị và hàng chục tiết mục đặc sắc, được dàn dựng công phu tái hiện chân thực một thời gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của các thế hệ Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam.
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Phát động bình chọn “Những bản hùng ca của đất nước”
    Với chủ đề "Những bản hùng ca đất nước", cuộc bình chọn 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất chính thức được phát động ngày 18/5 tại Hà Nội.
  • Khánh thành công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức Phù điêu Bác Hồ với Công an Thủ đô
    Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ đến thăm, chúc Tết Công an TP Hà Nội và 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5, Công an TP Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ khánh thành công trình "Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức Phù điêu Bác Hồ với Công an Thủ đô".
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ cho không gian sáng tạo vượt khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO