Hình thái kiến trúc đô thị cổ phố Hiến

ThS.KTS. Ngô Kiên Thi| 07/08/2017 13:29

Trong dân gian có câu ca lưu truyền đã khẳng định vị trí quan trọng của Phố Hiến xưa với Kinh kỳ và châu thổ Hồng Hà: “Thứ nhất Kinh kỳ Thứ nhì Phố Hiến” Phố Hiến đã có lúc trở thành một trung tâm thương mại, trung tâm giao thông của Xứ Đàng Ngoài suốt mấy thế kỷ. Chính vì vậy mà hình thái kiến trúc đô thị cổ Phố Hiến cũng đa dạng, giao thoa từ những dòng người di cư về quần tụ. Nổi bật và rõ nét là các công trình kiến trúc của người Việt dựng làng, mở mang bờ đất; kiến trúc của người Hoa với dạng nhà chia

Kiến trúc nhà ở người Việt

Người Việt định cư lập làng trên mảnh đất phố Hiến xưa, nghề nghiệp chuyên canh trồng lúa, làm nghề thủ công và đánh bắt thủy sản trên sông Hồng và số ít là đánh bắt khơi xa vùng  cửa biển. Kiến trúc ban đầu là kiến trúc nhà ở  của nông dân sống theo làng xóm. Mô thức kiến trúc chủ yếu là nhà bằng gỗ ba gian, năm gian lợp lá hoặc ngói về sau này. Kiến trúc dân gian nhà kết cấu gỗ, trình tường bằng đất sét hoặc xây gạch hồ đường mật còn lưu lại ở các công trình như đình làng, đền thờ thành hoàng, chùa... (đình An Vũ, chùa Chuông, Văn Miếu, đình, đền, chùa Đào Đặng, chùa Nễ Châu...).

Hình thái kiến trúc đô thị cổ phố Hiến
Đền thờ Thiên Hậu

Kiến trúc nhà ở của người Việt theo sự phát triển từ nhỏ đến lớn, từ đơn sơ đến phức tạp… có thể thấy được qua sự phát triển của các kiểu vì kèo.

Đơn giản nhất là kiểu kèo ba cột. Mỗi vì có ba cột, cột giữa như cao hẳn lên, hai cột trước và sau bằng nhau và thấp. Đầu cột giữa liên hệ với đầu cột trước và sau bằng một chiếc kèo đơn hoặc kép. Đầu cột trước và sau nối với nhau xuyên qua lung chừng cột giữa bằng một chiếc ruỗi. Kèo kép gồm hai kèo đơn song song với nhau và kẹp đầu các cột bằng con xỏ chốt ngang…

Từ vì kèo ba cột bỏ hẳn cột giữa, bổ xung cái ruỗi thanh quá giang chuyển sang kiểu vì kèo suốt - quá giang. Trụ giữa có khi không kéo tới đỉnh nóc, chân kèo. Đỉnh trụ có thể đội một đòn cánh ác gọi là vì kèo cầu - cánh ác.

Đối với ngôi nhà chính, hình thức cần sang trọng, long nhà cần kéo dài mở rộng không gian. Kèo được kéo dài và kết cấu nhiều điểm đỡ là đầu cột hoặc đầu cột trốn. Phía trước cột cái ngoài và phía sau cột cái trong có dựng thêm cột con (thành vì bốn hàng chẵn, hoặc kéo ra nữa thành vì sáu hàng chẵn…). Thường bỏ bớt cột phía sau, làm hiên nhà phía trước. Vì kèo phía trên kiểu vì kèo suốt - giá chiêng. Ở đình, chùa, nhà đại khoa hay dùng kiểu vì chồng giường.

Vì kèo là sự liên kết theo mặt phẳng đứng dọc sau - trước, các vì con phải liên kết theo mặt phẳng đứng ngang trái - phải…Nhờ các xà ngang (xà nóc) tạo sự liên kết. Người Việt ở phố Hiến, tuy có nhiều lụt lội, nhưng kề sông, cận biển nên ở nhà trệt sát đất.

Hiện trên địa bàn thành phố Hưng Yên còn một vài ngôi nhà gỗ cổ có niên đại khoảng hơn 100 năm. Chúng hiện vẫn bảo tồn được nguyên vẹn cấu trúc như khi mới xây dựng. Nền chính của nhà vẫn giữ nguyên nền đất nện. Ngoài hiên thì được gia cố bởi gạch Bát Tràng hoặc gạch hoa men. Mái nhà trước được lợp bằng lá cọ, gần đây được gia chủ lợp lại bằng mái ngói.

Mặt bằng kiến trúc của hai căn nhà này tương tự nhau và cũng tương tự như không gian nhà ở dân gian tại đồng bằng Bắc Bộ. Nhà chính được cấu tạo 5 gian với hai gian đầu hồi nhô ra tạo thành hai gian buồng để nghỉ ngơi. Gian chính giữa là nơi đặt bàn thờ gia tiên. Ba gian chính ngăn cách với hai gian đầu hồi bằng vách gỗ, trên vách có chạm trổ vân mây hình ngọn lửa. Nhà bếp, nhà vệ sinh, nguồn nước được thiết kế tách rời và vuông góc với nhà chính.

Để tránh mưa lụt, các ngôi nhà đều có nền cao so với mặt đất khoảng 50 cm. Để cố định chắc nền đất nện tại mép hiên/ vỉa hè, người ta sử dụng bó vỉa bằng hàng gạch dọc. Tường nhà trước kia cũng là tường đất để bảo vệ chủ nhà khỏi thời tiết nóng lạnh. Phần chịu lực chính của nhà là hệ thống khung cột gỗ to khỏe. Cả hai ngôi nhà đều kiến trúc bộ vì kiểu giá chiêng truyền thống. Tại hai vì đầu hồi, phần ván lá đề đã được chạm thành hình chữ “thọ”, chữ “lộc” nổi tạo cảm giác mềm mại. Trên rường bụng lợn và đầu các trụ trốn đều được chạm trổ hình hoa bao ngoài, che khuất điểm lắp ráp. 

Kiến trúc nhà gỗ người Việt ở Phố Hiến thường là những ngôi nhà của thợ thủ công hoặc thương buôn giàu có. Một số nhà gỗ là từ đường của các dòng họ lớn. Còn trên đại thể, nhà ở dân gian và các cửa hiệu buôn bán của người Việt thời kỳ Phố Hiến hưng thịnh chủ yếu là nhà tranh tre nứa lá, dễ cháy. Lịch sử thời kỳ Phố Hiến đã chứng kiến nhiều vụ hỏa hoạn lớn. Các khách thương phương Tây buôn bán tại Phố Hiến thời kỳ này thường xuyên lo lắng tình trạng hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhật ký công ty Đông Ấn Anh tại Đàng Ngoài có đoạn ghi chép: Năm 1672, “hôm nay chúng tôi chuyển 7 kiện vải Anh đến nhà vị quan trấn thủ để gửi vì lo sợ thương điếm tranh tre nứa lá này sẽ bị hỏa hoạn. Thị trấn phố Hiến đã từng 2 lần bị cháy gần như rụi hoàn toàn chỉ trong vòng có 3 năm trở lại đây”. 

Kiến trúc nhà ở, đền, hội quán người Hoa 

Từ thế kỷ XIII, người Hoa đã có mặt tại phố Hiến xưa. Người Hoa, một cộng đồng người “phi nguyên trú” với nhiều lý do, nguyên nhân như: như lầm lạc từ chiến tranh, bị áp bức bóc lột, đói nghèo… phải di cư, tha phương nơi đất quê người, cùng cộng sinh với cư dân bản địa. Chính thân phận chìm nổi của người Hoa di cư; trên mọi phương diện người Hoa phải thích nghi để bảo lưu, vừa hòa nhập nhưng vẫn cách biệt, bản sắc truyền thống.

Hình thái kiến trúc đô thị cổ phố Hiến
Chùa Nê Châu
Với tư duy, cách ứng xử của người Hoa: “Con thỏ khôn ngoan phải có ba hang”; người Hoa đã xây dựng hình thành “văn hóa Hoa Hương”, thiết lập kinh doanh mảng nghệ thuật “móc nối”, đặc biệt là các mối quan hệ thân tộc, dòng họ; với những phẩm chất cá nhân tốt: chữ tín, tầm nhìn chiến lược… người Hoa sinh sống tập trung là những đầu mối kinh tế. Tính liên kết cộng đồng chặt chẽ.

Người Hoa ở phố Hiến cư trú tập trung, đường phố riêng biệt và thường gắn với nhà thờ họ, hội quán. Như dòng họ Tiết ở trục đường phố Hiến, dòng họ Ôn ở phố Bắc Hòa…

Nhà người Hoa thường sâu, kín đáo (nhà mặt phố) là hình thái kiến trúc nhà ống, là nơi sinh hoạt gia đình (ăn, ở…) vừa là kho chứa hàng, giao dịch thương mại. Ở những vị trí có điều kiện về mặt bằng, người Hoa tổ chức nhà ở theo quần thể dạng bình đồ như: chữ Môn, chữ Đinh, thường thợ, cái ấn. Kiến trúc gồm: nhà chính, nhà phụ bao quanh một sân kín, giữa sân là thiên tỉnh giếng trời. Nhà ít cột, hoặc không có cột. Mái lợp ngói âm dương.

Về kết cấu công trình, khung nhà theo loại hình kỹ thuật chồng rường (đầu trụ), thể hiện rõ nét là các công trình kiến trúc đền, hội quán…(đền Lâm Tức Mặc, đền Mẫu). Do phải thích nghi với điều kiện nơi sinh ở Việt Nam, kiến trúc Việt đã xâm nhập trong loại hình kiến trúc nhà ở người Hoa ở phố Hiến cũng khá đậm nét. Ví dụ như loại hình kiến trúc nhà “cái ấn” đã được giải thể, giản thể cho phù hợp, gần với kiến trúc nhà ở người Việt. Bộ kết cấu khung nhà người Hoa chuyển đổi nhà vì cột sang nhà vì kèo…

Với thời gian, người Hoa phi cư trú đã dần chuyển dịch và trở thành người Việt gốc Hoa (nguyên trú) và đã đóng góp vào kiến trúc phố Hiến xưa, thành phố Hưng Yên nay những công trình có giá trị nghệ thuật kiến trúc như: Đông Đô hội quán, đền Thiên Hậu, chùa Phố, đền Võ Miếu.

Trong thời kỳ thương cảng Phố Hiến, những ngôi đền của người Hoa đã được xây dựng tại đây. Hai công trình tiêu biểu nhất là Đền Võ Miếu thờ Tam thánh thời Tam Quốc và đền Thiên Hậu thờ nữ thần biển Lâm Tức Mặc. Võ Miếu và đền Thiên Hậu đều thể hiện rõ nét phong cách kiến trúc của cư dân Phúc Kiến, tuy nhiên trong hai công trình này đã có sự giao thoa văn hóa khá rõ nét. Tại đền Thiên Hậu, phong cách kiến trúc Phúc Kiến có sự hòa quyện với kiến trúc Việt tại một số chi tiết. Trên sân đền có hai con nghê đá được gia cố trong tư thế khỏe mạnh, một con ngậm ngọc, một con tay ẵm con. Đây là một đặc trưng trong di tích Việt Nam. Hình ảnh hai con nghê đá với ý nghĩa ca ngợi tình mẫu tử và đôi mắt trông ra như để soi rọi tâm hồn của kẻ hành hương. Bốn gian nhà sảnh của đền Thiên Hậu được kiến trúc theo kiểu bộ vì nóc là các con rường lớn nhỏ, xếp chồng len nhau kê trên đấu vuông thót đáy, trong đó các nghé bảy là các đầu rồng, trang trí các họa tiết râu rồng, tóc rồng là các đao mác dài uốn lượn mang đặc trưng rồng Việt Nam thời Nguyễn. Còn tại đền Võ Miếu, dấu ấn giao thoa giữa kiến trúc Phúc Kiến và kiến trúc Việt cũng có thể thấy rõ trên bộ vì kèo kiểu giá chiêng chồng rường con nhị cũng như lối chạm kênh bong hoa văn mềm mại trên kẻ truyền, câu đầu tại tòa tiền tế.          

Thương điếm của Hoa Kiều cũng chính là hội quán của họ. Người Hoa tại Phố Hiến cũng giống như người Hoa tại Hội An, sinh sống tại đâu thì cũng đều lập họi quán tại đó. Hội quán là nơi để tụ tập, gắn kết đồng hương cùng mưu việc ích lợi, gìn giữ bản sắc truyền thống. Người Hoa là cộng đồng buôn bán rất giỏi, do đó, hội quán của họ cũng là nơi để tập kết hàng hóa, trao đổi công việc. Trong thời kỳ phát triển của thương cảng Phố Hiến, hội quán của người Hoa trở thành nơi bốc dỡ, tập kết, thu mua hàng hóa, nơi tập trung của đông đảo thương nhân Hoa Kiều trên các tuyến đường buôn bán đường biển đến Đàng Ngoài.

Về niên đại, Đông Đô Quảng Hội được xây dựng vào cuối thế kỷ XVI – năm 1590. Cấu trúc mặt bằng kiểu chữ công. Toàn bộ đồ tế khí, nguyên vật liệu xây dựng đều được chuyển tử 3 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến sang bằng đường biển. Di tích được chia làm hai phần chính: Đền thờ Tam thánh (bên tả) và Thiên Hậu cung (bên hữu).

Tòa tam thánh kiến trúc các bộ vì theo kiểu giá chiêng con nhị. Hàng cột quân là tường hồi xây bổ trụ, mỗi cột cát được làm trên một đá tảng thắt cổ bồng. Di vật quan trọng nhất trong Đền tam thánh là gỗ khám thờ được sơn son thiếp vàng bên trong có đặt 3 pho tượng Tam thánh. Khám thờ được trang trí hoa lá hướng dương, tại cửa khám được thể hiện đề tài long mã. Tại gian bến phải có 2 cỗ khám thờ trấn thủ Lê Đình Kiên rước về từ đền thờ ông sau khi ngôi đền này bị đổ nát.

Thiên Hậu cung nằm sát đền Tam thánh, các bộ vì kiến trúc theo kiểu giá chiêng con nhị. Bốn cột cái đỡ hai vì tường hồi xây bổ trụ đặc biệt tại hai bệ vì đầu hồi được đặt trên lưng 4 con lân gỗ thay đấu đỡ trên hàng cột. Hai bộ vì hai bên được kiến trúc đơn giản, chủ yếu là bào trơn đóng bén. Gian thờ chính kín đáo, thâm nghiêm nhờ hệ thống cửa bức bàn cao có con quay ván bưng, phần dưới cửa làm kín. Phần trên chạm lộng điển tích cổ phúc lộc, phượng, lá hoa, lựu đào, phật thủ…tượng trưng cho sự cầu phúc, cầu lộc. Thiên Hậu cung thờ Nữ thần biển Lâm Tức Mặc, phối thờ Quan thổ thần và Thổ địa.

Quy hoạch kiến trúc và sự tồn tại những thương điếm phương Tây ở phố Hiến, thế kỷ thứ XVII

Năm 1510, người Bồ Đào Nha chiếm được Goa, rồi năm 1511 chiếm được Malacca, năm 1557 chiếm  được Ma Cao đã chính thức thiết lập quan hệ với triều đình Lê -Trịnh.

Năm 1626 lực lượng giáo sĩ (tiên phong là giáo sĩ Juliano Baldiroti) cùng nhiều thương nhân Bồ Đào Nha đã viếng thăm, lui tới các thương cảng Đại Việt và lên Thăng Long-kẻ chợ. Năm 1627, chúa Trịnh cho người Bồ Đào Nha dựng một ngôi nhà bằng gỗ; rộng rãi, khang trang, bên  ngoài phủ chúa, theo kiến trúc Đàng ngoài.

Nhà nghiên cứu người Pháp George Dumoutier đã cho rằng Karel Hartsinck, trưởng đoàn của Công ty Đông Ấn Hà Lan do không xin được mở thương điếm ở Thăng Long nên đành xuôi xuống phố Hiến để lập thương điếm của Công ty. Và, Carel Hartsinck, một trưởng đoàn khôn ngoan  của Công ty Đông Ấn Hà Lan đã khéo léo để vua Lê Thánh Tông nhận mình làm con nuôi. Do luật lệ của Đại Việt cấm người nước ngoài không được lưu trú tại kinh đô. Hartsinck đã xuống khu chợ của người ngoại quốc (phố Khánh) nằm ở mạn hạ lưu, cách chừng 30km bên bờ tả ngạn sông Hồng làm địa điểm tập kết buôn bán tạm trú. (Các nhà nghiên cứu trước đây cho rằng thương điếm phố Hiến của người Hà Lan tồn tại 64 năm, từ 1637 đến 1700, khi người Hà Lan rời khỏi đàng ngoài. Với 64 năm có 13 vị giám đốc kế tục nhau đứng đầu thương điếm tại phố Hiến.). Thương điếm VOC trong thế kỷ XVII còn là vấn đề lớn đòi hỏi sự kiên trì nghiên cứu, khám phá, bổ sung tư liệu…

Ngày 25/6/1672 tàu Zant đưa đoàn thương nhân người Anh đến Đàng ngoài. Người Anh đã đề đạt lên vị thế tử thứ ba đang cai quản đất nước thay chúa Cha thân chinh ra chiến trường chỉ huy giao chiến với Đàng trong. Nguyện vọng của người Anh xin được cư trú, xây dựng thương điếm (EIC) tại Thăng Long - Kẻ Chợ. Thế tử chỉ thị cho người Anh xuống phố Hiến. Được sự giúp đỡ của trấn thủ Lê Đình Kiên, người Anh đã ở tạm trong ngôi nhà của hoa thương Nithoe. Sau nhiều nỗ lực, cố gắng về ngoại giao, người Anh không ngại tốn chi phí quà biếu, Trịnh Tạc đã cho phép người Anh cư trú và có đất tại kẻ chợ vào ngày 14/8/1678. EIC vẫn duy trì ngôi nhà ở Phố Hiến làm chỗ ở và kho chứa hàng. Ngày 23/5/1683, chúa Trịnh Căn chấp thuận thỉnh cầu của thương điếm EIC, người Anh được chính thức nhận giấy phép tự do xây dựng tại Thăng Long – Kẻ Chợ. Trong năm 1683 thương điếm EIC ở Đàng Ngoài đã được chuyển toàn bộ từ phố Hiến lên kinh thành Thăng Long.

Công ty Đông Ấn Pháp (CIO) được đặt thương điếm trọn ven tại Phố Hiến trong khoảng thời gian 1680-1682. Xu hướng dịch chuyển các thương điếm của các nước phương Tây về phố Hiến trong thế kỷ XVII đã thể hiện thái độ ứng xử, các chính sách của triều đình Lê - Trịnh với nền ngoại thương Đàng Ngoài, đặc biệt đối với các thương nhân ngoại quốc nói riêng.

Quy hoạch kiến trúc khu thương điếm của các nước phương Tây tại phố Hiến

Công ty Đông Ấn Bồ Đào Nha năm 1627 được xây dựng thương điếm là một ngôi nhà bằng gỗ ở Kẻ chợ.

Công ty Đông Ấn Hà Lan còn là câu hỏi để kết luận về sự có mặt một thương điếm mạnh, có thời gian dài nhất (64 năm) tại phố Hiến từ năm 1637.

Công ty Đông Ấn Anh ở Phố Hiến hơn 11 năm và sử dụng tạm ngôi nhà của hoa thương Nithoe làm chỗ ở và kho chứa hàng.
Công ty Đông Ấn Pháp ở Phố Hiến từ năm 1680 đến năm 1682 (khoảng trên 2 năm).

Mục đích và ý nguyện của các Công ty Đông Ấn phương Tây ở Đàng ngoài đều muốn và tìm mọi cách dịch chuyển về Thăng Long - Kẻ Chợ.

Một số tài liệu có nói tới các thương điếm như số lượng nhân viên khoảng dưới 7 người làm việc. Cai quản tài chính với mua bán của các thương nhân phương Tây hầu hết giao cho các bà vợ người Việt lo toan. Thời gian thu giao hàng hóa cho đủ chuyến tàu xuất bến cũng phải 6 tháng.

Xuất phát điểm từ một nền kinh tế dựa vào nông nghiệp làm chủ thể. Kết cấu tổ chức xã hội là làng xã và phải huy động mọi tiềm lực do chiến tranh liên mien, kéo dài. Các đô thị của Việt Nam giai đoạn XVI đến XVIII đều có quy hoạch và kiến trúc đơn giản. Phố Hiến cũng nằm trong hệ thống kiến trúc đô thị đơn giản đó. Theo W.Dampier, năm 1688 phố Hiến có 2000 nóc nhà. Trụ sở ban đầu của thương điếm Anh tại phố Hiến cũng là nhà tranh, về sau đã có một số dinh thự. Thương quán Hà Lan, thương quán Anh, nhà của hai viên giám mục người Pháp và phố của Hoa thương được xây bằng gạch, lợp ngói.

Đại Nam nhất thống chí ghi “phố Bắc Hòa thượng và hạ đều ở phía Tây Nam huyện Kim Động. Đồi Lê, Vạn Lai Triều và dinh Hiến Nam đều ở đây, hai phố này nhà ngói như bát úp, là nơi người Trung Quốc tụ hội buôn bán. Lại có phố Nam Hòa người Trung Quốc ở đối diện với phố Bắc Hòa. Người Việt vẫn gọi phố Hoa Kiều sinh sống là “phố khách”.

Từ thế kỷ XVII, phố Hiến trở thành trung tâm chính trị-kinh tế có nhiều mối giao lưu quốc tế. Phố Hiến có lị sở của trấn thủ xứ Sơn Nam, ty Hiến sát xứ Sơn Nam, các trạm tuần ty để kiểm soát tàu , bè…; những phố chợ đông đúc, có nhiều thợ thủ công, thương nhân người Việt, người Hoa, Nhật Bản và các nước phương Tây…Đặc biệt với diện mạo của một đô thị kinh tế, ngoài bến cảng sông, khu phường phố, phố Hiến còn có khu thương điếm của các công ty Đông Ấn phương Tây như VOC, ETC, CTO…Đây là quần thể kiến trúc được xây bằng gạch, nằm ở phía dưới phố Hiến, gần thôn Nễ Châu và Vạn Mới, xung quanh có hào nước khoảng rộng 6m bao bọc. Một mặt nhìn ra đường phố Hiến để đón khách, giao dịch…Mặt sau hướng ra sông để nhận xuất hàng hóa…Từ thế kỷ XVIII, quần thể kiến trúc thương điếm của người phương Tây đã bị hủy hoại…

Người Nhật cũng đã đến phố Hiến từ rất sớm, vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Người Nhật mang bạc, đồng đến bán, mua đổi lấy các loại tơ, vải lụa..Và một số là giáo sĩ, giáo dân Nhật Bản có tên đạo theo chữ La tinh đi theo phục vụ (thông ngôn) cho các giáo sĩ phương Tây tới Đàng ngoài giảng đạo. Đô thị phố Hiến có phố của người Nhật và một khu đất gọi là Nghĩa trang Nhật Bản.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
  • Chợ Bến Thành được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố
    Chợ Bến Thành là một trong những địa danh tiêu biểu của TP HCM, lịch sử hình thành chợ gắn liền với đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn.
Đừng bỏ lỡ
Hình thái kiến trúc đô thị cổ phố Hiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO