Hiện thực hóa ước mơ nông nghiệp xanh trên quê hương
Dám nghĩ, dám làm và thực hiện nguyên tắc “5 không”, Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (HTX Cuối Quý) gây dựng được nền nông nghiệp xanh, hiện đại tại vùng đất Đan Phượng nói riêng, Hà Nội nói chung.
Bắt đầu với diện tích 1.360m2 năm 2007, đến nay tổng diện tích canh tác của HTX Cuối Quý (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) đã lên tới 5ha. Các loại rau củ của HTX trồng chủ yếu là rau cải, rau dền, mồng tơi, su hào, súp lơ, cà chua, bông hẹ… Sản lượng rau củ quả các loại hàng năm đạt từ 80 - 100 tấn, doanh thu của đơn vị này đạt từ 2 tỷ đến 2,4 tỷ đồng. Không những vậy, HTX Cuối Quý cũng tạo công ăn việc làm cho 20 lao động thường xuyên với thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/người/tháng, cùng khoảng 50 lao động thời vụ với thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Ít ai biết, đằng sau những cánh đồng rau, củ, trái cây hữu cơ sạch nức tiếng tại Đan Phượng hôm nay được gây dựng bởi hai “thủ lĩnh” - cũng là vợ chồng: Chị Đặng Thị Cuối và anh Nguyễn Đăng Quý. Sau một hành trình dài ở xứ người tự học hỏi, rồi “thai nghén”, hai vợ chồng trở về nơi mình sinh ra và lớn lên để “khoác áo mới” cho mảnh đất quê hương bằng mô hình nông nghiệp sạch công nghệ cao.
"Tìm thấy ước mơ" từ xứ người
Nhìn những căn nhà lưới bên trong trồng đủ loại rau củ, mơn mởn màu xanh, quả trĩu xuống mặt đất cứ nối tiếp nhau chạy vút tầm mắt, chúng tôi choáng ngợp. Không ai nghĩ đây là tất cả tài sản, tâm huyết của một cơ sở sản xuất nông nghiệp mà các mặt hàng chủ yếu là rau quả. Rau dền, mồng tơi, rau cải… đến những giàn nho hạ đen, nho sữa, những rặng ổi và bưởi đang thì trĩu quả khiến những ai đặt chân tới HTX Cuối Quý khó có thể rời đi.
Không ai có thể nghĩ rằng HTX Cuối Quý được gây dựng nên bởi đôi bàn tay của cặp vợ chồng mà cách đây hơn 15 năm họ vẫn đang còn là những nông dân nghèo đi xuất khẩu lao động ở xứ người. Anh Nguyễn Đăng Quý – “phu quân” chị Đặng Thị Cuối - Giám đốc HTX Cuối Quý với khuôn mặt rám nắng, tóc đã pha nhiều sợi bạc nhìn về những căn nhà lưới đầy rau củ, trầm ngâm chia sẻ, gần 30 năm trước vợ chồng anh chị còn rất trẻ, ước mơ thoát nghèo cháy bỏng nhưng với đồng đất quê nhà chỉ quanh năm cấy cày 2 vụ thì chỉ “nghèo bền vững” chứ khó mà thoát nghèo. Vậy là ông bà chủ HTX Cuối Quý bây giờ tìm đường đi xuất khẩu lao động, nơi đến là Đài Loan, công việc của họ chính là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nhận thấy nơi xứ người có rất ít đất phục vụ nông nghiệp nhưng cho sản lượng cao và chất lượng hoàn toàn vượt trội. Họ không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu hay bất cứ một loại chất kích thích tăng trưởng nào. Những sản phẩm nông nghiệp họ sản xuất ra bằng chính sức lao động của những người Việt Nam có giá trị rất cao và sự an toàn tuyệt đối. Từ đây, cặp vợ chồng người Việt đã ấp ủ dự định mang những kỹ thuật của loại hình canh tác này về áp dụng ở quê hương. Ước mơ tạo ra động lực, anh chị động viên nhau ngày đêm cố gắng, tích lũy cả kiến thức, kinh nghiệm và chắt chiu từng đồng làm vốn để mong đến ngày trở về quê nhà lập nghiệp.
16 năm đằng đẵng làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc), năm 2006, khi đã tích lũy đủ kiến thức, kinh nghiệm và dành dụm được một số vốn nhất định, hai vợ chồng bàn bạc trở về nước, cùng đó thể hiện sự quyết tâm, thực hiện ước mơ đưa những kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao học được ở xứ người vào sản xuất nông nghiệp ngay trên đồng đất quê nhà. Những “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng cho phương thức canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hai vợ chồng thực hiện vào năm 2007.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội, anh Quý cho biết, cái khó và vật cản lớn nhất khi trở về quê làm nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao là tìm được khu đất đủ điều kiện để xây dựng mô hình. Khu đất phù hợp phải bằng phẳng, rộng, cách xa khu dân cư, khu công nghiệp, xa những khu nghĩa địa để đảm bảo tính sạch tự nhiên của đất. Đi nhiều nơi thuộc vùng đất Đan Phượng để tìm kiếm, cuối cùng hai người cũng chọn được vị trí phù hợp. Sau khi đề xuất với chính quyền địa phương, vợ chồng nhận được sự ủng hộ và tạo mọi điều kiện tốt nhất.
Đi qua những tháng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” từ xứ người và ngay trên quê hương Đan Phượng, với 22 sản phẩm OCOP, HTX Cuối Quý đang cung cấp rau quả cho 16 trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng, 3 chuỗi cửa hàng rau sạch trên địa bàn Thành phố, 6 chợ đầu mối trong vùng. Hầu hết các nơi thu mua rau, củ, quả của HTX Cuối Quý đều đánh giá cao tính “sạch”, nhất là “chất” của các loại rau củ đều an toàn, không gây hại cho sức khỏe người dùng.
Lan tỏa thương hiệu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Ngoài các loại rau củ như rau cải, rau dền, mồng tơi, su hào, súp lơ, cà chua, bông hẹ…, hiện nay HTX Cuối Quý đã phát triển thêm các loại quả như bưởi, ổi và đặc biệt là nho hạ đen và nho sữa đang cho năng suất rất cao.
Nhà quản lý HTX Cuối Quý chia sẻ, trong nông nghiệp quan trọng nhất là nguồn nước, để có nguồn nước sạch, đơn vị đã cho khoan giếng, bơm nước vào bể lắng, dùng hệ thống lọc hiện đại trước khi tưới cho rau và cây ăn quả. Để giữ độ ẩm liên tục cho vườn rau, nhất là vào thời điểm nắng nóng kéo dài, HTX Cuối Quý đã đầu tư đào hệ thống đường mương lớn chạy quanh các khu vườn, trong các mương nước lại thả các loại cá như cá trắm, trôi, chép và tận dụng chính nguồn rau vụn từ quá trình sơ chế để làm thức ăn cho chúng. Vì vậy, gần như khu vườn của HTX Cuối Quý thành quy trình sản xuất khép kín, không có chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Phân bón cho khu vườn là phân hữu cơ do chính đơn vị này tự ủ từ các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, trấu lót chuồng gà, chuồng vịt nên chi phí rẻ mà lại rất tốt, làm đất tươi xốp, giữ ẩm, hạn chế công tưới… Rau trồng phát triển tốt, ăn ngon ngọt, vị thơm đậm và an toàn tuyệt đối khi sử dụng.
Về đất trồng, toàn bộ diện tích trong nhà màng không lên luống, sau khi thu hoạch hết một lứa rau, HTX Cuối Quý sử dụng đèn khò phun lửa đốt đất để diệt cỏ dại, các loại sâu bọ, vi khuẩn còn lại trên đất. Sau đó, đất được đánh tơi và bổ sung phân bón hữu cơ với lượng được tính toán kỹ lưỡng, vừa đủ cho thời gian sinh trưởng của lứa rau tiếp theo. Điểm đặc biệt là từ khi gieo giống, ô nhà màng sẽ được đóng cửa, chỉ tưới nước đều đặn cho đến khi thu hoạch mới mở cửa trở lại.
Để diệt sâu bọ tận gốc, HTX Cuối Quý làm thuốc hữu cơ bằng cách trộn với men vi sinh, đường cát, sữa milo, ủ trong 2 tuần. Sau đó nghiền nát, lọc cặn bã và phun cho rau. Tuy không làm cho sâu chết ngay nhưng thuốc hữu cơ tác động trực tiếp làm chúng ngưng không ăn và yếu dần rồi “hòa vào lòng đất mẹ”.
Theo chị Đặng Thị Cuối, trồng rau hữu cơ vất vả hơn rất nhiều phương pháp canh tác thông thường, do phải tốn nhiều công chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói… nhưng bù lại cho thu nhập cao gấp 3 - 5 lần so với làm truyền thống. Đặc biệt, HTX đã thực hiện nghiêm ngặt theo đúng nguyên tắc “5 không” (không sử dụng thuốc diệt cỏ; phân bón hóa học; thuốc BVTV hóa học; thuốc kích thích tăng trưởng; giống biến đổi gen).
Không chỉ dừng lại ở việc phát triển mô hình canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho riêng mình, sau khi có những thành công nhất định, anh chị được nhiều người biết đến, khi có người muốn học hỏi để làm, anh chị sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ. Đến nay, trong cả nước đã có hơn 20 trang trại và HTX được anh chị giúp đỡ từ xây dựng mô hình, hướng dẫn kỹ thuật đến chuyển giao công nghệ cho đến khi đi vào sản xuất và có thành quả.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, HTX Cuối Quý thời gian qua đã tiếp đón nhiều cá nhân và tổ chức ở nước ngoài tìm đến tham quan phương thức canh tác. Gần nhất, cuối tháng 5/2023, phu nhân Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Phankham Viphavanh đã ghé thăm HTX này, các chuyên gia của đoàn đánh giá rất cao cách làm, tính hiệu quả của Cuối Quý. Có rất nhiều lời mời đến từ các tổ chức nông nghiệp nước ngoài gửi đến HTX, nhưng “cặp đôi vàng của làng nông nghiệp” Đan Phượng chưa thể xuất ngoại vì nhiều lý do khác nhau. Hiện tại, HTX Cuối Quý mới chỉ nhận hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm trong nước.
Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nhiều năm qua đã, đang là xu hướng tất yếu cho việc phát triển ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội nói riêng. Tính đến nay, Thủ đô Hà Nội đã có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp thành phố Hà Nội. HTX Cuối Quý chính là một trong những đơn vị có đóng góp đáng kể vào mục tiêu xây dựng một nền nông nhiệp xanh, bền vững và có quy mô lớn của TP. Hà Nội cũng như triển khai có hiệu quả mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Không chỉ xây dựng được cho mình một thương hiệu, Cuối Quý còn đang góp phần không nhỏ vào việc phát triển nhiều hơn những mô hình tương tự khi hỗ trợ kỹ thuật đến chuyển giao công nghệ, rút ngắn thời gian để có được thành công cho những người đi sau tại Hà Nội mà còn ở cả nước. Thành công của HTX Cuối Quý đã góp phần thay đổi tư duy trong canh tác nông nghiệp để vừa tạo ra những sản phẩm an toàn, có chất lượng cao, làm tăng giá trị hàng hóa và góp phần bảo vệ môi trường. Đó cũng là minh chứng cho sự cần cù, óc sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm để thành công của những người nông dân tại Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung, tạo nền tảng cho một nền nông nghiệp xanh, hiện đại, bền vững./.