“Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”
Kế hoạch “Tháng hành động vì trẻ em” năm 2024 vừa được Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà ký ban hành. Năm nay, “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” là chủ đề “Tháng hành động vì trẻ em” của Thành phố.
Theo đó, “Tháng hành động vì trẻ em” năm 2024 chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”, diễn ra từ ngày 1/6 đến ngày 30/6/2024 nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Bên cạnh đó thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, kế hoạch liên quan đến trẻ em nhằm đảm bảo các quyền của trẻ em. Quan tâm đầu tư bố trí nguồn lực và tăng cường vận động xã hội hóa tập trung cho các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện và giúp trẻ em phát triển một cách toàn diện.
Thông điệp và khẩu hiệu truyền thông “Tháng hành động vì trẻ em” năm 2024 trên địa bàn Hà Nội đa dạng, như: Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động; Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng; Chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em; Ưu tiên nguồn lực cho trẻ em để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Bảo đảm quyền trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển đất nước; Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; Lắng nghe trẻ em để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em…
Theo Kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội, Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 cấp Thành phố dự kiến diễn ra vào 19 giờ 30 phút ngày 30/5/2024 tại huyện Mỹ Đức.
Từ 1 – 30/6/2024, Hà Nội tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục và vận động xã hội, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Trung ương và Thành phố về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, cam kết trách nhiệm và hành động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo quyền trẻ em, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến trẻ em; phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị tai nạn, thương tích hướng đến xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để mọi trẻ em được phát triển toàn diện.
Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp và cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, tập huấn kỹ năng sống cho trẻ em, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích, kỹ năng tự bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em; chỉ đạo các nhà trường quan tâm việc giáo dục kỹ năng sống, nắm bắt tâm lý, sức khỏe tâm thần của trẻ em, chú trọng công tác tư vấn và phổ biến cho học sinh về phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trước kỳ nghỉ hè.
Thường xuyên rà soát, quản lý trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng để có giải pháp ngăn ngừa, can thiệp, trợ giúp kịp thời tại cộng đồng; thực hiện đảm bảo việc tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em nhân ngày 1/6 theo quy định tại Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 của HĐND Thành phố và thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đặc thù cho trẻ em theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 6/12/2023 của HĐND Thành phố.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách pháp luật về trẻ em, các chương trình, kế hoạch về bảo vệ chăm sóc trẻ em do Trung ương và Thành phố chỉ đạo; tập trung giải quyết, can thiệp, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại nhằm đảm bảo quyền trẻ em.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quyền trẻ em, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại địa phương, đồng thời xem xét kết luận, kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các đối tượng vi phạm, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở giáo dục, cơ sở trợ giúp trẻ em... trong việc chậm trễ, thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, bao che hành vi, vụ việc vi phạm quyền trẻ em.
Đẩy mạnh hoạt động các câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em; các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện tại địa phương; các hoạt động khác nhằm thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, giúp các em tự tin, thực hiện tốt quyền và bổn phận của mình.
UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 trước ngày 15/4/2024, báo cáo kết quả thực hiện Tháng hành động vì trẻ em trước ngày 15/7/2024 gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
Tổ chức tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em và các cơ sở trợ giúp xã hội công lập có chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 theo quy định tại Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 của HĐND Thành phố. Bên cạnh đó, vận động các nguồn lực hỗ trợ khác để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, dụng cụ phục hồi chức năng, xe đạp, sách vở, đồ dùng học tập, trao học bổng, trao sổ tiết kiệm, nhận đỡ đầu... cho trẻ em có thành tích trong học tập và rèn luyện, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em tại các xã vùng dân tộc miền núi, trẻ em tại các địa bàn khó khăn; các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình chăm sóc sức khỏe cho trẻ em như: chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; cấp phát thẻ Bảo hiểm Y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; tổ chức khám, chữa bệnh, hỗ trợ phẫu thuật, chỉnh hình, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh phải điều trị dài ngày theo quy định...
Tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, giao lưu... với nội dung bổ ích, hình thức phong phú cho trẻ em; khuyến khích trẻ em tham gia các trò chơi tập thể và các trò chơi dân gian. Định hướng, giáo dục trẻ em giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc văn hóa hiện đại, tham gia môi trường mạng an toàn, không tham gia vào các tệ nạn xã hội, không để trẻ em sử dụng đồ chơi có chất độc hại hoặc tham gia vào các trò chơi mang tính bạo lực, phản văn hóa.
Tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hỗ trợ cho trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em nói riêng; Đầu tư xây dựng các công trình dành cho trẻ em, các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em, thay thế, bổ sung các trang thiết bị vui chơi giải trí, dụng cụ thể dục thể thao phù hợp cho trẻ em tại cộng đồng… ./.