Việt Nam đang triển khai dự án quan trắc thủy ngân trong không khí ở Hà Nội.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, dựa vào các kết quả quan trắc có thể thấy, hàm lượng thủy ngân trong không khí ở Hà Nội chưa đến mức quan ngại. Tuy nhiên, thủy ngân có khả năng phát tán xa, rất nguy hiểm và ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Đây là vấn đề được thế giới quan tâm.
Tại Việt Nam, Trạm quan trắc không khí ở đường Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) và nhiều trạm quan trắc khác vẫn tiếp tục quan trắc, lấy mẫu và phân tích hàm lượng thủy ngân trong không khí.
Trước đó, tại Hội thảo ô nhiễm không khí ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp do Văn phòng Quốc hội tổ chức, ông Nguyễn Văn Thùy, Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường chia sẻ, bên cạnh các nguồn ô nhiễm trong nước, Việt Nam đang đối mặt với ô nhiễm không khí xuyên biên giới, trong đó có vấn đề ô nhiễm thủy ngân xuyên biên giới.
Ông Thùy cho biết, trên bản đồ đánh giá nguồn phát thải thủy ngân trong không khí thế giới, các nhà khoa học đánh dấu toàn bộ dải bờ biển phía đông của Trung Quốc dày đặc các nguồn phát tán thủy ngân. Thủy ngân từ Trung Quốc phát tán vào các quốc gia xung quanh như Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí sang cả Mỹ. Việt Nam chưa có số liệu đo đạc trực tiếp nhưng chắc chắn không tránh khỏi vì rất gần và thuận tiện cho việc phát thải.
Thủy ngân là một hóa chất rất độc. Khi con người hít phải thủy ngân trong không khí sẽ hấp thu nhanh qua đường hô hấp, qua màng phế nang vào máu đến thận, gan lách và hệ thần kinh trung ương. Nếu hít phải thủy ngân có thể gây bệnh phổi nặng cấp tính, khiến nạn nhân bị ho, khó thở, đau tức ngực và có cảm giác đau rát ở phổi.