Đầu năm 2016, những lò mổ tự phát này bắt đầu mọc lên chỉ với vài cây tre, chiếc bạt tạm bợ cùng vài cái chậu, xong, nồi làm đồ nghề mưu sinh của những người làm nghề giết mổ gia cầm thuê với giá khoảng 5.000 đồng/con. Tại đây, trên nền các lò mổ luôn bừa bộn lông, lòng, phân, tiết gia cầm vương vãi khắp nơi. Và, những lò mổ này chủ yếu phục vụ cho các trường hợp mua gà, vịt, ngan, ngỗng qua sơ chế đem đi tiêu thụ tại các nhà hàng, số ít trường hợp thuê làm thịt để sử dụng tại gia đình. Mọi hoạt động ở đây đang khiến người dân lo ngại về nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), ô nhiễm môi trường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ban đầu chỉ có một vài hộ làm nghề giết mổ gia cầm tại khu vực này. Nhưng, do không thấy chính quyền địa phương xử lý nên các hộ khác đua nhau làm nghề giết mổ gia cầm và hiện nay đã có 10 hộ làm nghề này tại đây. Ban đầu, các hộ chỉ căng phông bạt tạm và làm thịt gia cầm trên nền đất thuộc hành lang giao thông đường liên xã. Đến nay, nhiều hộ dựng hẳn lều lán tạm bằng tre, nứa, lát gạch và căng, kéo dây điện để phục vụ chiếu sáng, sơ chế gia cầm bằng máy vặt lông gà. Cùng với đó, các hộ khoan giếng, bơm lấy nước ngay tại mương chứa nước thải liền kề đen ngòm, hôi tanh, để sơ chế gia cầm khiến bất kỳ ai đi qua nhìn thấy đều phải… rùng mình. Nhà ít, mỗi ngày giết mổ khoảng 200 con, nhà nhiều lên đến 500 con, cùng với đó là hàng chục khối nước thải được xả thẳng xuống mương liền kề. Toàn bộ những hoạt động của các hộ làm nghề giết mổ gia cầm tại đây gần 2 năm qua không hề bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Lý giải về việc để tồn tại các hộ làm nghề giết mổ gia cầm tại đây, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi Nguyễn Đăng Thênh cho rằng, UBND xã đã tuyên truyền, vận động các hộ không được giết mổ gia cầm ở ven đường giao thông, thậm chí đã nhiều lần tháo dỡ lều lán và thu giữ đồ nghề, nhưng vì cuộc sống nên các hộ vẫn lén lút hoạt động. Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập đến việc vì sao hiện nay vi phạm vẫn tồn tại. Đặc biệt, tại đây các hộ công khai giết mổ gia cầm giữa ban ngày trong lều lán, khung cột làm bằng tre đang bị mối mọt, phông, bạt thì rách nát; kết thúc ngày làm việc, tất cả đều khóa, để dụng cụ ở tại lò mổ. Lúc này, ông Thênh chỉ biết im lặng…!
Trong khi các quận, huyện đang tấp nập ra quân xử lý các trường hợp vi phạm chiếm dụng vỉa hè, lòng đường thì ngược lại, tại xã Lê Lợi, nhiều tháng nay vẫn tồn tại lều lán tạm của các hộ làm nghề giết mổ gia cầm trái phép ở ven đường giao thông, đối diện chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ. Điều này thể hiện rõ sự thiếu trách nhiệm trong xử lý vi phạm chính quyền địa phương. Đề nghị, UBND huyện Thường Tín chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND xã Lê Lợi sớm vào cuộc xử lý dứt điểm vi phạm tại đây. Không chỉ có vậy, nó còn tránh được nguy cơ mất VSATTP.