Hà Nội triển khai đại lý dịch vụ công trực tuyến trên toàn Thành phố từ tháng 3/2025
Đề án thí điểm mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn Hà Nội với các mục đích nhằm xây dựng mạng lưới đại lý dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) rộng khắp, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ hành chính công dễ dàng, nhanh chóng; nâng cao tỷ lệ hồ sơ người dân, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến từ 30% lên 80% vào năm 2025

Trung tâm phục vụ hành chính công TP. Hà Nội mới ban hành Đề án thí điểm triển khai mô hình đại lý DVCTT trên địa bàn TP. Hà Nội. Đề án là bước đột phá, mở rộng mạng lưới tiếp cận dịch vụ hành chính công.
Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp
Đề án nêu rõ, hiện nay mô hình giải quyết thủ tục hành chính tại trụ sở Bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn Thành phố đang bộc lộ nhiều hạn chế trong việc đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và thực hiện DVCTT. Mặc dù Thành phố đã tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, như: Đẩy mạnh trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử và thực hiện ký số văn bản điện tử trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tại tất cả các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Rút ngắn quy trình 4 xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa TTHC; Xây dựng dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình phục vụ người dân thực hiện các giao dịch hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên hầu hết các cơ quan, đơn vị chưa có chiến lược cụ thể về chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công; Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, máy móc thiết bị về công nghệ thông tin chưa được quan tâm chú trọng; Công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn và hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước của Thành phố khai thác, sử dụng các nền tảng, ứng dụng dùng chung của Thành phố theo chức năng và nhiệm vụ được giao chưa đáp ứng yêu cầu.
Trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia và xây dựng chính quyền điện tử, việc thí điểm mô hình đại lý DVCTT trên địa bàn thành phố Hà Nội là yêu cầu hết sức cấp thiết và mang tính đột phá. Thực trạng hiện nay cho thấy, mặc dù Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp cải cách hành chính, song tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT còn thấp (đạt khoảng 30%), nhiều người dân, doanh nghiệp trực tiếp cơ quan hành chính nhà nước để thực hiện thủ tục hành chính, gây quá tải và lãng phí thời gian, chi phí.
Triển khai thí điểm mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến là giải pháp đột phá
Thứ nhất, tạo đột phá trong việc nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hướng tới mục tiêu 80% người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến vào năm 2025 theo Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ.
Thứ hai, giải quyết triệt để tình trạng quá tải tại các cơ quan hành chính nhà nước, giúp tiết kiệm chi phí xã hội và nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thứ ba, thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ công theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, góp phần tinh gọn bộ máy hành chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực công.
Thứ tư, tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Mô hình này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi nộp hồ sơ thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công.
Thứ năm, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thông qua việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người dân với cán bộ, công chức nhà nước. (Qua khảo sát, có tới 65% người dân lo ngại về tình trạng nhũng nhiễu khi thực hiện thủ tục hành chính).
Đại lý dịch vụ công trực tuyến sắp thí điểm ở Hà Nội giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến từ 30% lên 80%
Đề án thí điểm mô hình đại lý DVCTT trên địa bàn Hà Nội với các mục đích nhằm xây dựng mạng lưới đại lý dịch vụ công trực tuyến rộng khắp, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ hành chính công dễ dàng, nhanh chóng; nâng cao tỷ lệ hồ sơ người dân, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến từ 30% lên 80% vào năm 2025 thông qua việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.
Việc triển khai mô hình giúp giảm tải áp lực cho bộ máy hành chính, tiết kiệm nguồn lực xã hội thông qua việc chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công cho doanh nghiệp đảm nhiệm; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính công, hướng tới xây dựng chính quyền số với nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.
Đối tượng làm đại lý DVCTT bao gồm các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính; các doanh nghiệp công nghệ thông tin; các tổ chức được cấp phép làm đại lý.
Các đại lý sẽ thực hiện hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của thành phố; số hóa hồ sơ, tài liệu; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp đăng ký nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích; tư vấn, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp về các nội dung liên quan khác trong quá trình thực hiện TTHC.
Việc thí điểm sẽ áp dụng trên địa bàn Hà Nội, ưu tiên các khu vực đông dân cư và vùng ngoại thành.
Trước ngày 15/12, Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố sẽ ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm mô hình đại lý DVCTT trên địa bàn thành phố; đồng thời, rà soát các điểm dự kiến làm đại lý dịch vụ công trực tuyến phù hợp đủ điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất; xây dựng các giải pháp kỹ thuật về công nghệ thông tin để kết nối các hệ thống thông suốt, hiệu quả.
Đến tháng 1/2025, Trung tâm phục vụ hành chính công phối hợp doanh nghiệp cung ứng dịch vụ xây dựng quy trình thực hiện, tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho nhân viên.
Tháng 2/2025, triển khai thí điểm quy mô nhỏ tại các đại lý DVCTT ở các quận thuộc thành phố; tuyên truyền qua các kênh truyền thông như: Truyền hình, mạng xã hội, loa phát thanh phường để người dân biết về đại lý dịch vụ công.
Tháng 3/2025, triển khai thí điểm mở rộng áp dụng trên toàn thành phố./.