Hà Nội triển khai chiến dịch 45 ngày đêm ra quân hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số tại các xã, phường
Ngày 25/7/2025, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc Triển khai Chiến dịch “45 ngày đêm ra quân hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số tại các xã, phường trong giai đoạn đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp” trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chỉ thị nhằm đảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời nhân sự, hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng số nhằm triển khai hiệu quả chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công tại các xã, phường.
Xây dựng lực lượng cộng đồng số có năng lực, hoạt động ổn định, với sự tham gia của sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin, nhân sự doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông và các tổ chức tại chỗ, nhằm hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, góp phần nâng cao hiệu quả chuyển đổi số tại cơ sở.
Đồng thời tăng cường hỗ trợ tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các nhóm đối tượng yếu thế trong việc tiếp cận và sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), bảo đảm tính thuận tiện, minh bạch và thân thiện trong quá trình sử dụng dịch vụ, góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp gắn với việc vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số
Để hỗ trợ 126 xã, phường trên địa bàn thành phố Hà Nội nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giai đoạn đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất là soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, bố trí bảo đảm 100% UBND xã, phường có công chức, viên chức có bằng chuyên môn về công nghệ thông tin (CNTT) thực hiện nhiệm vụ vị trí việc làm quản lý nhà nước về CNTT, chuyển đổi số và vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung (về CNTT, chuyển đổi số) phục vụ chính quyền địa phương hai cấp nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số tại địa phương.
Trường hợp chưa bố trí được nhân sự CNTT, thực hiện phương án ký hợp đồng thuê nhân sự CNTT trực tiếp hỗ trợ xã, phường triển khai nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Thứ hai là bảo đảm 100% xã, phường có lực lượng sẵn sàng hỗ trợ cán bộ, công chức và người dân trong quá trình thực hiện TTHC và sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại cấp xã: Rà soát, kiện toàn các thôn, tổ dân phố làm cơ sở để thành lập, kiện toàn Tổ Chuyển đổi số cộng đồng tại các xã, phường mới sau sắp xếp; Thành lập Tổ Ứng cứu công nghệ và nghiệp vụ tại cấp xã, phường theo hướng dẫn triển khai Kế hoạch số 02 của Trung ương, nhằm kịp thời hỗ trợ kỹ thuật, giải đáp nghiệp vụ và xử lý tình huống phát sinh trong quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số tại cơ sở.
Thứ ba là huy động nguồn nhân lực công nghệ thông tin và viễn thông trên địa bàn Thành phố tham gia Chiến dịch hỗ trợ 126 xã, phường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giai đoạn đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bảo đảm mỗi xã, phường được bố trí tối thiểu 02 nhân sự hỗ trợ: Đơn vị đang triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng và các hệ thống thông tin dùng chung của Thành phố tiếp tục bố trí cán bộ kỹ thuật có chuyên môn về công nghệ thông tin, viễn thông tham gia hỗ trợ vận hành, khai thác và sử dụng hiệu quả các ứng dụng, nền tảng số tại 126 xã, phường; Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố cử sinh viên thuộc các ngành đào tạo liên quan đến công nghệ thông tin, viễn thông tham gia Chiến dịch, hỗ trợ cán bộ, công chức và người dân trong việc hướng dẫn, sử dụng, khai thác các ứng dụng, nền tảng số tại địa bàn, đặc biệt trong các đợt cao điểm của Thành phố và vào những thời điểm phù hợp trong năm.
Thư tư, đẩy mạnh tổ chức triển khai các Điểm “Bình dân học vụ số lưu động”, trong đó tập trung thực hiện các dịch vụ công lưu động tại 126 xã, phường, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu của địa phương; bố trí đầy đủ trang thiết bị, nhân lực và hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối, vận hành. Ưu tiên hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo và các nhóm đối tượng yếu thế trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Thứ năm, 100% thành viên Tổ Chuyển đổi số cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố được tập huấn sử dụng các nền tảng số phục vụ người dân (như Công Dịch vụ công quốc gia, iHanoi, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ đời sống...) thông qua nhiều hình thức phù hợp (trực tuyến, trực tiếp, cầm tay chỉ việc), bảo đảm sẵn sàng hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC và sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại chính quyền địa phương hai cấp.
Sáu là, 100% cán bộ, công chức, viên chức tại UBND cấp xã tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số cơ bản thông qua nhiều hình thức phù hợp như: học trực tuyến trên các nền tảng đào tạo trực tuyến mở đại trà (Bình dân học vụ số, OneTouch...), tập huấn trực tiếp, hình thức “cầm tay chỉ việc”... nhằm bảo đảm khả năng sử dụng thành thạo các nền tảng số, hệ thống thông tin phục vụ hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp do Thành phố triển khai.
Thứ bảy là, 100% cán bộ, công chức, viên chức được hỗ trợ kịp thời, hiệu quả trong quá trình vận hành các nền tảng số, hệ thống thông tin phục vụ hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp thông qua các kênh hỗ trợ trực tuyến 24/7 do Thành phố triển khai.
Tám là, triển khai xây dựng, nâng cấp, lắp đặt bổ sung hạ tầng mạng viễn thông (bao gồm mạng băng rộng cố định và mạng di động 5G) tại các điểm phục vụ người dân, doanh nghiệp, bảo đảm kết nối thông suốt, ổn định phục vụ việc thực hiện TTHC và sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại chính quyền địa phương hai cấp.
Thứ chín là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ngay khi phát sinh nhu cầu thực hiện TTHC, sử dụng dịch vụ công trực tuyến hoặc tìm hiểu thông tin liên quan đến hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp.
Các sở, ban ngành cần phối hợp chặt chẽ để triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến dịch
Để triển khai hiệu quả các nội dung theo kế hoạch, UBND TP Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các xã, phường và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động tổ chức thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ và phù hợp với tình hình thực tiễn tại đơn vị.
Trong đó, UBND Thành phố giao Sở Khoa học và Công nghệ là đầu mối phối hợp các doanh nghiệp CNTT, viễn thông, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn huy động nguồn nhân lực CNTT, viễn thông, sinh viên được đào tạo chuyên ngành CNTT tham gia Chiến dịch “45 ngày đêm ra quân hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số tại các xã, phường trong giai đoạn đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp” hỗ trợ trực tiếp cán bộ, công chức và người dân tại từng xã, phường; phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất phương án hỗ trợ đối với các lực lượng tham gia Chiến dịch;
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND Thành phố, Trung tâm Phục vụ hành chính công và các đơn vị liên quan tổ chức khóa đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức, thành viên Tổ Chuyển đổi số cộng đồng tại các xã, phường về chuyển đổi số, kỹ năng số cơ bản, tập trung kỹ năng khai thác, sử dụng các nền tảng số, hệ thống thông tin (HTTT) phục vụ chính quyền và người dân, doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến, trực tiếp, cầm tay chỉ việc; đối với các lực lượng hỗ trợ Chiến dịch, tổ chức tập huấn (nếu cần) về khai thác, sử dụng các nền tảng số, HTTT phục vụ chính quyền và người dân, doanh nghiệp.
Công an Thành phố khẩn trương phối hợp Cục C06 - Bộ Công an tiếp nhận tài khoản quản trị nền tảng Bình dân học vụ số, bàn giao cho các Sở, ngành để tổ chức tập huấn về kiến thức, kỹ năng số cơ bản theo 04 nhóm đối tượng được giao tại Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 15/5/2025 về triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn Thành phố.

Trung tâm Phục vụ hành chính công khẩn trương hoàn thiện đầy đủ các chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố trước ngày 01/8/2025. Ứng dụng AI trên hệ thống iHanoi hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu sử dụng các TTHC, dịch vụ công trực tuyến hoặc tìm hiểu các thông tin liên quan đến chính quyền hai cấp. Bố trí cán bộ kỹ thuật tại 126 xã, phường, bảo đảm hỗ trợ trực tiếp, túc trực 24/7 tại cơ sở trong thời gian thực hiện Chiến dịch.
Các Sở, ban, ngành Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công và UBND xã, phường trong việc xây dựng kế hoạch, nội dung và tổ chức triển khai dịch vụ công lưu động, bảo đảm đúng quy định, khả thi, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế. Phân công cán bộ chuyên môn tham gia hỗ trợ tại các điểm phục vụ lưu động, kịp thời hướng dẫn, giải đáp và xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
UBND xã, phường chủ trì, tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Chiến dịch trên địa bàn quản lý; xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công rõ trách nhiệm, bảo đảm hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo tiến độ. Bảo đảm bố trí đầy đủ lãnh đạo, công chức thực hiện nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, triển khai, quản trị hệ thống hạ tầng, các hệ thống thông tin phục vụ chính quyền địa phương...
Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu triển khai đồng bộ các nền tảng số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và cấu hình đầy đủ quy trình điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Bảo đảm hạ tầng số được đầu tư đồng bộ, sẵn sàng phục vụ vận hành thống nhất, hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và giải quyết TTHC tại cấp xã; tăng cường phối hợp giữa chính quyền cơ sở với các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu trên địa bàn Thành phố nhằm huy động nguồn lực, tri thức và kinh nghiệm phục vụ chuyển đổi số hiệu quả, bền vững./.