Giáo dục

Hà Nội tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Phan Anh 04/10/2023 21:24

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành kế hoạch số 181-KH/TU về việc Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Hà Nội phấn đấu đi đầu cả nước về các hoạt động phát triển giáo dục nghề nghiệp

Theo đó, mục đích của việc thực hiện Kế hoạch số 181-KH/TU nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân Thủ đô trong việc thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Trung ương.

Phát huy tối đa các nguồn lực của Thủ đô để đưa hoạt động giáo dục nghề nghiệp lên một bước phát triển mới, ngang tầm với các nước có trình độ phát triển giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Đồng thời, đề cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; trách nhiệm và năng lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; sự chủ động tham mưu, đề xuất của các ngành tham gia vào công tác giáo dục và đào tạo Thủ đô, bảo đảm đồng bộ, thiết thực, hiệu quả trong việc tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi Chỉ thị của Trung ương.

Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô, đất nước và nhu cầu đòi hỏi của xã hội. Phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Phát triển nhân lực có cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng thành phố hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; tạo bước chuyển căn bản sang mô hình phát triển, tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Có cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực.

Kế hoạch yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện toàn diện, hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố Hà Nội với những chỉ tiêu cụ thể:

Đến năm 2030, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiếp cận trình độ các nước trong khu vực; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thành phố đạt 80-85%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 60%.

Tầm nhìn đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp Thủ đô phát triển, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của thị trường lao động Thủ đô; đi đầu cả nước về các hoạt động phát triển giáo dục nghề nghiệp, bắt kịp trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số ngành, nghề đào tạo.

10 nội dung của Chỉ thị số 21-CT/TW cần thực hiện

Thứ nhất là, tổ chức phổ biến, quán triệt và tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với quá trình đổi mới giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên lâu dài; khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động và thế hệ trẻ. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời. Huy động sự tham gia của xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giáo dục nghề nghiệp, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ hai, tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Thành phố về giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập thích ứng. Tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỉ lệ học sinh sau trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp; thực hiện vừa đào tạo nghề vừa có bằng trung học phổ thông vừa có bằng nghề bảo đảm chất lượng, có điều kiện tham gia thị trường lao động và cơ hội tiếp tục học tập, nâng cao trình độ; có chính sách khuyến khích học sinh khá, giỏi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Thứ ba, đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động thông qua các hình thức hỗ trợ phù hợp. Tôn vinh người lao động có kỹ năng, tay nghề cao; ưu tiên đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế. Phát triển giáo dục nghề nghiệp ở nông thôn, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên quỹ đất sạch dành cho giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố.

Thứ tư là, tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc quyền quản lý của Thành phố theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hoá, hiện đại hoá, có phân tầng chất lượng, gắn với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động, phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Quốc gia và Thủ đô; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để tăng quy mô, chất lượng đào tạo, phân luồng tuyển sinh. Chú trọng các ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo có thế mạnh gắn với nhu cầu thị trường lao động. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra; định kỳ đánh giá, xếp loại chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thứ 5, đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bảo đảm “học đi đôi với hành"; nâng cấp và chuẩn hoá cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, người dạy nghề, chuyên gia cho các ngành, nghề trọng điểm; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng cao, tiếp cận chuẩn của các nước tiên tiến. Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng số cho người học; thường xuyên cập nhật, đào tạo lại cho lực lượng lao động nhằm nâng cao khả năng thích ứng với yêu cầu đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Đổi mới việc đánh giá kiến thức, kỹ năng của người học, người lao động; phát triển hệ thống đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Thứ sáu là, tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức và nhanh chóng nâng cao năng lực chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thực hiện công tác chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp với mục tiêu phát triển các hoạt động trên môi trường số, đẩy mạnh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý số lượng và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Thành phố.

Thứ bảy, nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, tăng thời gian đào tạo, thực hành cho người học trong doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp từ khâu tuyển sinh, đào tạo đến sử dụng, thành lập các cơ sở thực hành tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết cung - cầu lao động với giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục quan tâm tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn; có chính sách ưu đãi trong đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân với lộ trình phù hợp với chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn và theo hướng phù hợp phát triển đô thị.

Thứ tám, tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục - đào tạo tương xứng với vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, nhất là cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn. Tập trung đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là các trường cao đẳng công lập thuộc Thành phố đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt nghề trọng điểm, trường được giao thí điểm đào tạo các chương trình theo tiêu chuẩn quốc tế, trường chất lượng cao; từng bước đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô. Chuyển nhanh cơ chế cấp phát ngân sách sang đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hoá, hợp tác công - tư nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nhiều nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực, địa bàn mà khu vực ngoài công lập có thể tham gia. Bảo đảm chính sách bình đẳng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập.

Thứ chín, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo, chuyên gia, nhà giáo, người học với các nước. Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, mở rộng mô hình đào tạo nghề chất lượng cao thông qua hệ thống đào tạo của các nước tiên tiến; tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn, công nghệ mới trong giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ thi kỹ năng nghề khu vực và quốc tế.

Cuối cùng là tiếp tục thực hiện “Đề án rà soát, đánh giá tình hình hoạt động, nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2018 - 2025" đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 913/QĐUBND ngày 25/02/2019; góp phần thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nhân lực cho phát triển đất nước. Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước và xã hội; thực hiện tự chủ toàn diện với mục tiêu chuyển đổi hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán như doanh nghiệp./.

Bài liên quan
  • Hà Nội: Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau
    Tối 3/10, tại Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Ủy ban MTTQ thành phố tổ chức phát động Tháng cao điểm "Vì người nghèo và an sinh xã hội" năm 2023, hưởng ứng phong trào thi đua "Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động và Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2023 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • 34 tác phẩm xuất sắc đạt giải cuộc thi ‘Việt Nam hạnh phúc’ 2024
    Tối 11/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm và công bố Giải thưởng Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam” năm 2024.
  • CLB Giám đốc các bệnh viện miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành
    CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành… để hướng tới người bệnh và lấy người bệnh làm trung tâm phấn đấu cho mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO