Chuyển động Hà Nội

Hà Nội phấn đấu chỉ số thương mại điện tử giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên

Phan Anh 20:22 07/01/2025

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 03/01/2025 về việc phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025.

marketing-internet-tmdt-14otou-16874128380361939250550.jpg
Hà Nội phấn đấu chỉ số thương mại điện tử giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên (ảnh minh hoạ)

Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020, Kế hoạch 169/KH-UBND ngày 20/8/2020 và Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND ngày 18/11/2022 của UBND Thành phố, các Văn bản chỉ đạo có liên quan của Trung ương và Thành phố.

Mục tiêu cụ thể

1. Giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) hằng năm.

2. Doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng và tính cho cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 13% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố; tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến dự kiến đạt 55%.

3. TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử đạt 70%.

4. Website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến đạt 80%; doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử đạt 50%; doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động đạt 40%.

5. Duy trì 100% số chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia Hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR code truy xuất nguồn gốc.

6. Khai thuế, nộp thuế điện tử, duy trì tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt 100%. Hoàn thuế điện tử 100% doanh nghiệp thuộc đối tượng hoàn thuế giá trị gia tăng trường hợp xuất khẩu, đầu tư đăng ký sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử; 100% số doanh nghiệp, tổ chức đăng ký phát hành Hóa đơn điện tử.

7. Duy trì tỷ lệ thanh toán hóa đơn tiền nước không dùng tiền mặt đạt 100%.

8. Duy trì tỷ lệ thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt 100%.

9. Phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử: 2.000 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.

10. Mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng… qua các kênh thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn.

11. Khuyến khích doanh nghiệp hình thành và phát triển các sàn giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới.

12. Phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công; đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán để góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại điện tử.

Thực hiện 14 nhiệm vụ, giải pháp

1. Tuyên truyền các chính sách, pháp luật về quản lý và phát triển thương mại điện tử của Trung ương và Thành phố.

2. Tổ chức đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho các doanh nghiệp, cá nhân theo các lĩnh vực kinh doanh.

3. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.

4. Đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, hình thức, công nghệ TTKDTM trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ.

5. Phát triển hạ tầng dịch vụ logistics phục vụ hoạt động thương mại điện tử.

6. Tổ chức chuỗi cung ứng thương mại điện tử cho các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP.

7. Phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) quản lý theo phân cấp cơ sở dữ liệu tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử. Phối hợp tổ chức các sự kiện, hội thảo, hội nghị.

8. Phối hợp các hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử tổ chức các hội nghị, sự kiện đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, trang website của doanh nghiệp nhằm quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

9. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hiệu quả Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội.

10. Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

11. Phát triển dịch vụ du lịch trực tuyến và thị trường sản phẩm du lịch cạnh tranh trên môi trường mạng.

12. Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn Hà Nội.

13. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và quản lý thuế điện tử trong thương mại điện tử.

14. Triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, định kỳ, đột xuất đối với hoạt động thương mại điện tử.

UBND thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương - Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai tổ chức thực hiện đạt hiệu quả Kế hoạch. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử; tổ chức các hội nghị, hội thảo, sự kiện kết nối về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp 5 trên địa bàn Thành phố tiếp cận các sàn giao dịch thương mại điện tử trên thế giới nhằm hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa; hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử mở rộng thị thường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng…

Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND quận, huyện, đơn vị liên quan phổ biến, hướng dẫn cá nhân, hộ kinh doanh, thương nhân đẩy mạnh ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, phấn đấu đạt tỷ lệ 100% các chợ, các tuyến phố hoạt động thương mại trên địa bàn Thành phố có sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, phân công rõ nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch. Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; đảm bảo tính khả thi, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn của Thành phố./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phấn đấu chỉ số thương mại điện tử giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO