Hà Nội mở rộng đường tỉnh 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển rộng gấp 5 lần
Để giải quyết tình trạng ùn tắc, trong giai đoạn từ nay đến 2026, Hà Nội sẽ triển khai dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển dài 7,08 km. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 5.484 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố.
Đường tỉnh 70 là tuyến đường đóng vai trò như một trục đường phục vụ giao thông liên tỉnh quá cảnh qua Hà Nội, kết nối các quốc lộ hướng tâm như Quốc lộ 32, Quốc lộ 6, Quốc lộ 1A và đường Láng - Hòa Lạc.
Tuy nhiên, những năm trở lại đây, tốc độ phát triển đô thị tăng nhanh, nhiều khu nhà ở mới, cùng hệ thống bệnh viện, trường học khiến đường tỉnh 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển thường xuyên xảy ra ùn tắc, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Để giải quyết tình trạng trên, trong giai đoạn từ nay đến 2026, Hà Nội sẽ triển khai dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển dài 7,08 km, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 5.484 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố.
Dự án có điểm đầu nối với đường Nguyễn Khuyến trong khu đô thị Văn Quán (quận Hà Đông) và điểm cuối tại nút giao Tứ Hiệp, kết nối với tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Vành đai 3 thuộc huyện Thanh Trì.
Đặc biệt, trên tuyến đường này sẽ được xây dựng hai nút giao thông khác mức, gồm một nút giao với đường quy hoạch rộng 53,4m (nối Vành đai 3 - Vành đai 4) và một nút giao với đường Quốc lộ 1A cũ tại huyện Thanh Trì.
Theo thống kê sơ bộ, khoảng 355.828m2 đất sẽ bị thu hồi để phục vụ dự án, trong đó có 205.352m2 đất nông nghiệp và 47.537m2 đất ở, ảnh hưởng đến khoảng 788 hộ dân. Các hạng mục bổ sung của dự án bao gồm việc xây dựng 3 cây cầu mới: Cầu vượt sông Tô Lịch, cầu qua sông Hòa Bình và mở rộng cầu Tó qua sông Tô Lịch.
Theo thống kê sơ bộ, có hơn 355 nghìn m2 đất sẽ bị thu hồi để thực hiện dự án. Đáng chú ý, theo số liệu điều tra của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, hiện tại hai bên tuyến đường có tổng cộng 263 cây bóng mát cần chặt hạ, đánh gốc và đánh chuyển cây. Trong đó có 16 cây xà cừ và 247 cây bạch đàn có đường kính gốc dao động trong khoảng từ 15-40 cm.
Khi xây dựng tuyến đường, chủ đầu tư sẽ bố trí cây bóng mát ở hai bên hè phố, cự ly dọc tuyến 6-8 m/cây. Tại nút giao thông không bố trí cây xanh để tránh làm cản tầm nhìn.
Tuyến đường sau khi được mở rộng sẽ có mặt cắt ngang 50m (đường cũ chỉ rộng 8-10m) giúp giảm tải áp lực giao thông cho các tuyến đường cửa ngõ phía Nam thành phố, đồng bộ hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Bên cạnh tuyến đường tỉnh 70, tại quận Hoàng Mai, dự án mở rộng, nâng cấp đường Lĩnh Nam cũng là một trong những công trình giao thông trọng điểm của thành phố. Dự án đã được phê duyệt từ năm 2013, với chiều dài 3,4km, bắt đầu từ nút giao Tam Trinh và kết thúc tại nút giao đê Nguyễn Khoái. Một phần của tuyến đường (đoạn từ ngã ba phố Vĩnh Hưng đến đê Nguyễn Khoái) sẽ trở thành một phần của Vành đai 2,5 Hà Nội.
Khoảng 829 hộ dân và 19 tổ chức tại 4 phường: Mai Động, Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam và Trần Phú sẽ bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất, với tổng diện tích đất thu hồi lên đến 98.300m2. Hiện tại, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai đang phối hợp với UBND các phường để tiến hành đo đạc, kiểm đếm và thông báo thu hồi đất.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lĩnh Nam dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 6/2025, với mục tiêu hoàn thành vào năm 2027./.