Hà Nội dự kiến còn 50% đơn vị hành chính cấp xã, phường
Hà Nội dự kiến giảm 50% xã, phường sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, theo dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố.
Chiều 3/4, tại Hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã Quý I/2025.

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh đã báo cáo Báo cáo về việc triển khai thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nghiên cứu tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kết luận số 128-KL/TW ngày 07/3/2025 của Bộ Chính trị về chủ trương công tác cán bộ.
Đảm bảo giữ được tính đặc trưng, đặc thù, bản sắc
Theo dự thảo, số lượng đơn vị hành chính cấp xã dự kiến giảm 50% so với hiện nay (526 xã, phường). Đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp dựa theo tiêu chí tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. “Tuy nhiên, việc sắp xếp cũng cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán.
Ngoài ra còn dựa trên các yếu tố vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, liên kết tiểu vùng, vùng tỉnh, quy mô, trình độ phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội, hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó chọn ra 5 vùng động lực, 5 trục phát triển. Việc tổ chức lại các đơn vị hành chính cơ sở dựa trên nguyên tắc chung, nhưng có tính đến yếu tố quy hoạch trong tương lai.
Hà Nội cụ thể hóa quy hoạch ngay giai đoạn hiện nay, tính đến xu thế theo quy hoạch định hướng phát triển hai đô thị trực thuộc thủ đô (đô thị phía Bắc và đô thị phía Tây), định hướng phát triển vùng du lịch, vùng công nghiệp, dư địa để phát triển của từng vùng, từng địa phương…
Bên cạnh đó, đảm bảo giữ được tính đặc trưng, đặc thù, bản sắc của các địa phương, đặc biệt là những vùng văn hóa tiêu biểu (vùng văn hóa Thăng Long, vùng văn hóa xứ Đoài, vùng văn hóa Kinh Bắc, vùng văn hóa Sơn Nam Thượng…).
Nguyên tắc riêng cũng đảm bảo được chức năng của từng địa phương như đơn vị hành chính cơ sở Ba Đình là trung tâm chính trị hành chính quốc gia của cả nước, đơn vị hành chính cơ sở Hoàn Kiếm phải bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa của 36 phố phường cổ của kinh thành Thăng Long xưa.
Đề xuất 2 cách đặt tên, đổi tên xã, phường sau sắp xếp
Theo dự thảo, việc đặt tên, đổi tên xã, phường hình thành sau sắp xếp được đề xuất theo 2 cách.
Về việc đặt tên, đổi tên xã, phường hình thành sau sắp xếp, Hà Nội thực hiện đặt tên theo định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, tên gọi của xã, phường mới hình thành sau sắp xếp cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học; khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin, ví dụ: Thanh Xuân 1, Thanh Xuân 2, Đan Phượng 1, Đan Phượng 2...
Về đề xuất đặt tên đối với các đơn vị hành chính nội đô lịch sử, có truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng, có tính đại diện của đất nước và Thủ đô, Hà Nội sẽ lựa chọn một đơn vị hành chính tiêu biểu để đặt tên. Các đơn vị hành chính liền kề được lấy theo tên các địa danh lịch sử, văn hóa, cách mạng tiêu biểu khác, tránh sự trùng lặp.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh lấy ví dụ tại Hoàn Kiếm, đơn vị đặt tên là Hoàn Kiếm; tại Đống Đa, một đơn vị đặt tên là Đống Đa, một đơn vị đặt tên là Kim Liên, một đơn vị đặt tên là Văn Miếu - Quốc Tử Giám; tại Hai Bà Trưng, một đơn vị đặt tên là Hai Bà Trưng, một đơn vị đặt tên là Bạch Mai; tại Đông Anh, một đơn vị đặt tên là Cổ Loa…
Hà Nội dự kiến giảm 50% đơn vị cấp xã
Dự thảo phương án cũng nêu các nguyên tắc xác định trung tâm hành chính. Theo đó, thành phố sẽ lựa chọn trung tâm hành chính của một trong số các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay là trung tâm hành chính của đơn vị hành chính cơ sở mới.
Trung tâm hành chính của đơn vị hành chính cơ sở mới có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển, dễ dàng kết nối với các đơn vị hành chính khác trong thành phố, kết nối giữa trụ sở của đơn vị hành chính và cộng đồng dân cư trong đơn vị hành chính đó.
Về tiêu chí xác định đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp, Hà Nội thực hiện theo tiêu chí tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Đồng thời, thành phố cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên...
Về dự kiến số lượng đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến tổng số lượng đơn vị hành chính xã, phường sau sắp xếp giảm khoảng 50% so với tổng số lượng đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp.
Hiện nay, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn. Nếu thực hiện theo tỉ lệ trên, Hà Nội sẽ giảm từ 526 phường, xã, thị trấn còn 263 đơn vị hành chính cấp xã./.