“Tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là điều kiện để Hà Nội xây dựng và thúc đẩy vị trí cạnh tranh trong thu hút đầu tư, kích thích tái tạo đô thị, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa gắn liền với sự phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Tiết mục văn nghệ chào mừng buổi lễ. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Lễ công bố Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được UBND Thành phố Hà Nội tổ chức tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào trung tuần tháng 12 vừa qua.
Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ra đời từ năm 2004 với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Đến nay, mạng lưới đã có sự tham gia của 246 thành phố đến từ các quốc gia trên thế giới theo 7 nhóm lĩnh vực: Thủ công và nghệ thuật dân gian; Nghệ thuật truyền thông nghe nhìn; Điện ảnh; Thiết kế sáng tạo; Ẩm thực; Văn học; Âm nhạc.
Thủ đô Hà Nội có lịch sử phát triển hơn 1.000 năm tuổi, đã và đang trong quá trình đổi mới và hội nhập, sẵn sàng “lấy sự sáng tạo và coi nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong tiến trình phát triển thành phố năng động, toàn diện và bền vững”. Ngày 30/10/2019, Thành phố Hà Nội vinh dự là một trong 246 thành phố chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với lĩnh vực thiết kế. Thiết kế sáng tạo cũng phù hợp với tiêu chí phát triển của một Thủ đô trong quá trình hội nhập và phát triển nhưng vẫn gìn giữ bản sắc văn hóa của mảnh đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp đột phá, tích cực hưởng ứng tinh thần Quốc gia khởi nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phát động. Đặc biệt là khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo - một trong những nhiệm vụ chiến lược cho phát triển Thủ đô trong giai đoạn 2018 - 2020 và các năm tiếp theo. Theo đó, Thành phố tiếp tục triển khai cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn. Thành phố đã và đang quyết liệt hành động vì một môi trường hấp dẫn, an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư, các startup đến từ các quốc gia trên thế giới.
Tại buổi lễ, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Michael Croft đã trao thư chứng nhận Hà Nội là thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cho lãnh đạo Thành phố Hà Nội. Ông Michael Croft khẳng định, việc trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Unesco là một sự bổ sung quý giá cho vị thế của Hà Nội, bên cạnh danh hiệu Thành phố vì Hòa bình. Nhưng giá trị thực sự của danh hiệu này còn mang ý nghĩa và tầm vóc lớn lao hơn thế nữa, đó là việc hướng Hà Nội trở thành một Thành phố Thủ đô.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung tin tưởng, với những danh hiệu cao quý đã được công nhận, trên nền tảng những giá trị văn hóa, tinh thần kết tinh trong suốt chiều dài lịch sử, Hà Nội - Thành phố sáng tạo sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình và thịnh vượng trên thế giới, cho hôm nay và các thế hệ mai sau.
Hưởng ứng sự kiện Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, UBND thành phố cũng tổ chức Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, nhằm góp phần quảng bá và giới thiệu tới người dân và du khách về di sản văn hóa Thủ đô, các làng nghề thủ công truyền thống, sản phẩm văn hóa dân gian trong đời sống đương đại.