Các thành viên “Hà Nội bộ hành”. |
Hành trình ký ức
Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1991, là người làng hoa Tây Tựu, nguyên sinh viên Trường Đại học Ngoại thương), sáng lập viên “Hà Nội bộ hành”, nhớ về nguồn cảm hứng đưa cô đến với ý tưởng kể chuyện Hà Nội bằng du lịch.
Trong một buổi nói chuyện về di sản, có một bạn trẻ đã tâm sự rất nhiều về tình trạng thiếu hụt kiến thức lịch sử, văn hóa của bản thân và bạn bè cùng nỗi trăn trở “một người không hiểu về văn hóa, lịch sử nước mình giống như sống với một khoảng trống rất lớn trong tâm hồn". Câu nói ấy khiến Hà không ngừng mong mỏi phải làm điều gì đó để thay đổi.
Không nói đâu xa, ngay ở Hà Nội, đâu phải ai cũng hiểu tường tận về thành phố mình sinh ra và lớn lên, nơi mình sinh sống và công tác. Và, nếu không hiểu thì làm sao yêu và có cách ứng xử cho phù hợp. Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Chính bởi vậy, em nảy ra ý tưởng xây dựng các tour du lịch đi sâu vào trải nghiệm văn hóa, lịch sử Hà Nội dành cho những người muốn tìm hiểu và yêu thêm mảnh đất tưởng như đã quá quen thuộc này. Tour du lịch hướng tới việc tận hưởng và khám phá thành phố qua góc nhìn mới với việc thiết kế các “gói” hành trình theo từng chủ đề mà du khách quan tâm cùng người dẫn đường hiểu biết, nhiệt thành và sáng tạo.
Với quan điểm chủ đạo tập trung vào vẻ đẹp của cuộc sống đang diễn ra và khám phá những phần, những “mảnh” di sản Hà Nội, “Hà Nội bộ hành” chọn cách đi bộ chậm rãi, nhẩn nha để “thưởng thức” thành phố với sự hỗ trợ của người dẫn đường có đủ kiến thức, sự tinh tế và tình yêu dành cho thành phố. Đơn cử như hành trình “Dấu xưa hồn phố”, “nhân vật” chính là sông Tô Lịch với những biến đổi, thăng trầm, du khách thấy rõ quá trình dịch chuyển trong lòng thành phố, những mất mát, đổi thay để có được một đô thị phát triển như bây giờ.
Hành trình “Một mảnh kinh kỳ” cho du khách hiểu thêm phần nào những biến đổi của Thăng Long - Hà Nội qua chiều dài lịch sử, những câu chuyện dang dở về bao thời đại thịnh suy cũng như chạm vào dấu tích hoài niệm một thời về kinh đô tráng lệ và thanh lịch...
Không chỉ chuyên sâu về di tích lịch sử, “Hà Nội bộ hành” còn hướng tới lĩnh vực văn hóa dân gian với việc dẫn dụ du khách học cách thưởng thức làn điệu chèo xưa với đủ mọi cung bậc tinh, sành của người yêu nghệ thuật cổ qua hành trình “Chiếu đỏ sân đình”; xâm nhập vào thế giới mơ mộng đầy mê hoặc của mỹ thuật với hành trình “Khi cái đẹp đổi thay”, tìm hiểu cảm thức hội họa của lớp nghệ sĩ đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương - giai đoạn đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tư duy sáng tác của người Việt...
Học yêu để giữ gìn di sản
Không tham vọng hướng tới đối tượng khách phổ thông mà chỉ mong tìm được sự đồng cảm từ những người yêu và muốn có kiến thức sâu về Hà Nội, “Hà Nội bộ hành” duy trì lượng khách nhỏ 3 - 5 người trong một hành trình để bảo đảm chất lượng thông tin truyền tải cũng như gửi gắm cảm xúc cho người đồng hành. Dẫu vậy, chỉ mới ra đời vỏn vẹn 6 tháng (2-2017), “Hà Nội bộ hành” đã có hơn 100 lượt khách với đủ mọi lứa tuổi, trong đó không ít người đã tham gia 2 - 3 hành trình trong khuôn khổ tour du lịch thú vị này.
Sự khác biệt của “Hà Nội bộ hành” mang đến nhiều điều đặc biệt cho những người tham gia, như là tình bạn mới giữa người dẫn đường với chính du khách. Mối giao tiếp được duy trì sau khi kết thúc hành trình, họ có thể tiếp tục gặp gỡ, chia sẻ cùng nhau những câu chuyện mình từng thổn thức về thành phố hay nhận về sự góp ý để hoàn thiện chương trình.
Du khách Trần Thị Thu Hương (ở quận Cầu Giấy) hồ hởi nói: "Những câu chuyện mang đậm giá trị lịch sử với cách kể đầy cảm xúc cho mình nhận ra rằng Hà Nội lâu nay trong mình chỉ là một lát cắt rất mỏng. Phải chi mỗi người khách du lịch đều được truyền những cảm xúc đó, mình tin chắc họ sẽ nhớ mãi không bao giờ quên chuyến đi này". Một du khách khác có tên Ngô Thu Phương (ở phố Kim Mã) nói: “Nhiệt tình và nghiêm túc, các em đã truyền tình yêu Hà Nội cho những người tham gia hành trình của mình bằng chính tình cảm chân thành và ý thức gìn giữ giá trị di sản. Một điều rất tuyệt vời cho Hà Nội”.
Không chỉ tạo dấu ấn với những người yêu văn hóa trong nước, “Hà Nội bộ hành” còn thể hiện sự hấp dẫn đối với những du khách nước ngoài. Nguyễn Thị Thu Hà hào hứng kể: Một du khách người Nhật tên là Yuka nói rằng mình rất mừng vì biết đến chương trình này. Một du khách người Mỹ có tên Andre Sauvageot thì chia sẻ dòng cảm tưởng bằng tiếng Việt: “Mặc dù đã làm việc nhiều năm ở Hà Nội nhưng tôi chưa bao giờ bước chân vào đây. Vì lời giải thích, tôi mới biết thêm nhiều chi tiết hay như cách phát triển liên tục của kinh đô Thăng Long và lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam”. "Những chia sẻ ấy khiến chúng em vô cùng hạnh phúc", Thu Hà nói.
Mong muốn dành trí tuệ, sức lực, tình yêu, nhiệt huyết của mình cho việc gìn giữ vốn quý của cha ông, các thành viên của “Hà Nội bộ hành” tích cực đẩy mạnh hoạt động với tâm nguyện dành một phần lợi nhuận cho Quỹ 1920 Foundation để hỗ trợ các nghệ nhân, chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa neo đơn, góp phần cùng họ giữ gìn và phát huy giá trị di sản.