Hà Nội: Bảo đảm an toàn cho người dân là ưu tiên hàng đầu

Nhóm Phóng viên/Hanoimoi| 13/10/2017 12:30

Mưa lớn, nước sông lên nhanh, lũ về cuồn cuộn, cuộc sống của hàng nghìn hộ dân ngoại thành Hà Nội lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhiều tài sản như lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm, thủy sản... bị nhấn chìm trong nước. Trước tình hình này, lãnh đạo thành phố yêu cầu các cấp, các ngành phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân vùng bị mưa lũ.

Lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng

Trận mưa lớn kéo dài hai ngày qua khiến làng quê lâm cảnh lũ lụt, nhiều người dân xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) mất hết tài sản, vốn liếng chỉ sau vài giờ đồng hồ. Người dân ở đây cho biết, hàng chục năm qua, chưa bao giờ nước lũ sông Tích lên nhanh đến vậy. Anh Nguyễn Văn Thứ, xóm 4, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu cho biết, nhiều lồng bè nuôi cá trên địa bàn xã đã bị nước lũ cuốn trôi. “Gia đình tôi ước thiệt hại khoảng 100 triệu đồng, các gia đình khác nuôi trồng thủy sản quy mô lớn thì thiệt hại nhiều hơn” - anh Thứ bùi ngùi cho biết. Theo chính quyền xã Cấn Hữu, có 272 hộ dân ở thôn Đĩnh Tú và Cấn Hạ bị ngập, trong đó có 23 hộ dân bị ngập hoàn toàn đã được di chuyển tới vùng an toàn; 145ha rau màu, nuôi trồng thủy sản bị ngập; hơn 8.400 vịt con bị chết và thất lạc…
Hà Nội: Bảo đảm an toàn cho người dân là ưu tiên hàng đầu
Nhiều căn nhà bị ngập, mất điện tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: VnExpress

Tại huyện Chương Mỹ, nhiều hộ nông dân nuôi lợn, gà, cá cũng đã lâm vào cảnh trắng tay. Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, mưa lũ đã làm ngập khoảng 92ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch; 842,4ha cây vụ đông bị hư hỏng; diện tích cây ăn quả bị ngập khoảng 63,8ha; 125ha nuôi trồng thủy sản có nguy cơ mất trắng; làm chết hàng nghìn con gia súc, gia cầm. Đáng chú ý, có 9.900m đê trên địa bàn huyện bị ngập, trong đó nghiêm trọng nhất là đê hữu Bùi đoạn qua xã Hoàng Văn Thụ có 10m bị vỡ do lở; một số địa bàn dân cư, vùng sản xuất bị ngập nặng. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đã có 2 người ở xã Yên Bài (huyện Ba Vì) và 1 học sinh của Trường THCS Nam Phương Tiến B (huyện Chương Mỹ) tử vong do nước cuốn trôi...

Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội tính đến 18h ngày 12-10, trên địa bàn thành phố đã có gần 4.288ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; trong đó, huyện Ứng Hòa 2.982ha, Quốc Oai 325ha, Mỹ Đức 856ha, Chương Mỹ 126ha. Ngoài ra, theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, mưa lớn đã làm nhiều sông nội địa như Bùi, Tích, Nhuệ, Mỹ Hà... nước lên ở mức báo động 2 và 3, gây sạt lở nhiều tuyến đê trên địa bàn các huyện Hoài Đức, Phú Xuyên, Quốc Oai...

Khẩn trương ổn định đời sống người dân

Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước mưa lũ, huyện Thạch Thất đã chỉ đạo sơ tán 6 hộ dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở tại xã Yên Bình, 2 hộ ở xã Tiến Xuân, 3 hộ ở xã Thạch Hòa về nơi an toàn. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất) cùng nhân dân xóm Trại đã chủ động xử lý chống tràn 50m đoạn đê bao đầu xóm Trại. Sáng 12-10, huyện đã chỉ đạo xã Cần Kiệm huy động lực lượng xử lý 25m sạt lở đoạn bờ bao đê bờ hữu sông Tích. 

Tại huyện Mỹ Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Văn Triều cho biết: Do ảnh hưởng của mưa lũ, huyện chỉ đạo vận hành 11 trạm bơm tiêu úng với 37 máy, tổng công suất 130.400m3/giờ. Huyện Ba Vì yêu cầu các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, phát hiện và báo cáo kịp thời các sự cố đê điều, công trình thủy lợi để kịp thời di dời nhân dân đến nơi an toàn; theo dõi chặt chẽ những điểm sạt lở tại các xã Cổ Đô, Thái Hòa, Chu Minh, Đông Quang, Cam Thượng, Minh Quang…

Trước diễn biến mưa ngập phức tạp diễn ra trên địa bàn, ngày 12-10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã trực tiếp thị sát một số điểm xung yếu tại huyện Chương Mỹ, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ và thăm hỏi, động viên nhân dân. Cùng đi có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu...

Trực tiếp thị sát tại khu Bùi Xá, điểm ngập nghiêm trọng của thị trấn Xuân Mai, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã thăm hỏi, tặng quà động viên một số hộ gia đình. Đồng chí mong muốn người dân cố gắng vượt qua khó khăn, đoàn kết, giúp đỡ nhau và cùng chính quyền thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn về người và tài sản. Thành phố sẽ tập trung cao nhất các biện pháp trước mắt để khắc phục hậu quả, hỗ trợ bà con sớm ổn định cuộc sống. Đồng chí Hoàng Trung Hải đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện Chương Mỹ, các xã trong vùng ngập lụt và các cơ quan thành phố đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, sơ tán kịp thời các hộ dân đến nơi an toàn; cung cấp đầy đủ thực phẩm, nước uống, không để người dân nào bị đói, khát; tổ chức lực lượng bảo vệ tài sản, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả. Bí thư Thành ủy Hà Nội đặc biệt khen ngợi sự chủ động, tích cực và hiệu quả của lực lượng quân đội, công an trong ứng phó với tình hình khẩn cấp trên địa bàn những ngày qua.

Thị sát tại một số khu vực đê xung yếu trên địa bàn, đồng chí Hoàng Trung Hải lưu ý, tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải theo sát dự báo thời tiết để có biện pháp ứng phó kịp thời, tránh bị động, bất ngờ. Đồng chí nhấn mạnh: "Các cấp, các ngành phải bám sát chặt chẽ tình hình dân cư, nhất là về sức khỏe, tình hình ăn, ở của từng hộ dân, từng thôn, xóm trong vùng ngập lụt; cung cấp đẩy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân; huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, lấy sự an toàn của người dân là ưu tiên số một. Huyện Chương Mỹ phối hợp với các lực lượng thực hiện các biện pháp khẩn cấp khắc phục sự cố đê ở xã Hoàng Văn Thụ, kiểm tra giám sát chặt chẽ toàn tuyến đê, gia cố ngay các điểm xung yếu. Các cơ quan chức năng thành phố tập trung mọi biện pháp để bơm rút nước, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng khi nước rút đến đâu phải chăm lo ngay việc phòng, chống dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm đến đó”.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Bảo đảm an toàn cho người dân là ưu tiên hàng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO