Phát biểu mở đầu buổi giao lưu, nhà văn Ngô Thị Phú Bình, Trưởng phòng văn học NXB Kim Đồng chia sẻ, trong suốt 65 năm qua kể từ ngày thành lập, sách văn học luôn là trái tim của NXB Kim Đồng. Trái tim ấy hòa nhịp cùng tuổi thơ Việt Nam. “Sách Văn học Kim Đồng từ những ngày đầu đã được vinh dự đón nhận những trang bản thảo của các tác giả lớn, lớn cả về tài năng và lớn cả về tình yêu dành cho con trẻ. Từ những trang bản thảo viết tay, đánh máy, đã trở thành những tuyển tập lớn như Tủ sách Vàng, Thơ hay viết cho thiếu nhi, Văn học Tuổi mới lớn, Tủ sách Dấu ấn thế hệ mới…” – nhà văn Ngô Thị Phú Bình khẳng định.
Buổi giao lưu có sự góp mặt của nhiều cây bút viết cho thiếu nhi.
Có mặt tại buổi giao lưu, nhiều nhà văn, nhà thơ đã cùng nhau chia sẻ cơ duyên đến với dòng sách văn học thiếu nhi cũng như những kỷ niệm dấu ấn bên những trang sách Kim Đồng.
Nhà văn Trần Đức Tiến và nhà thơ Cao Xuân Sơn – người đã dành nhiều tâm sức để hai tuyển tập “65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi” và “65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi” kịp ra mắt độc giả đúng dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập NXB Kim Đồng mang tới buổi giao lưu câu chuyện “hậu trường” phía sau tuyển tập. Ấy là khó khăn trong việc tuyển chọn khi mà giữa hàng trăm, hàng ngàn tên tuổi đã gắn bó với văn học thiếu thì chỉ có thể lựa chọn mỗi thể loại 65 tác phẩm.
Nhà văn Trần Đức Tiến cho hay vì thời gian gấp gáp (chỉ có vài ba tháng) và nguồn tư liệu mình có sẵn không nhiều nên ông định từ chối trọng trách này, nhưng những ân tình và sự gắn bó với nhà xuất bản khiến ông không thể từ chối. Rất may là được sự giúp đỡ của các biên tập viên nhà xuất bản nên ông đã hoàn thiện xong việc tuyển chọn để giới thiệu tới độc giả. Nhà văn Trần Đức Tiến cũng không quên bày tỏ tình cảm và sự trân trọng đối với những đội ngũ các họa sĩ đã đồng hành cùng với tác phẩm, góp phần vào thành công của tuyển tập này.
“65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi” được đánh giá là tuyển tập đồ sộ, hùng hậu về đội ngũ tác giả, phong phú về đề tài, đa dạng về phương pháp sáng tác. Qua “65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi”, người đọc có thể thấy được sự vận động phát triển của nghệ thuật kể chuyện, những đề tài thu hút sự quan tâm của các em. Dẫu là đồng thoại, cổ tích viết lại, giả tưởng hay hiện thực, các nhà văn đều thể hiện góc nhìn tinh tế, sự đồng điệu và sáng tạo hướng về trẻ thơ, vì trẻ thơ. Mỗi truyện ngắn gieo vào tâm hồn trẻ thơ một hạt mầm lành thiện bé bỏng và thuần khiết.
Các nhà văn, nhà thơ chụp ảnh kỷ niệm sau buổi giao lưu.
Tại buổi giao lưu nhà thơ Cao Xuân Sơn đã nhắc đến những bài thơ nằm lòng trong trí nhớ của nhiều thế hệ độc giả, những tứ thơ độc đáo, và cả những cây bút viết thơ cho thiếu nhi. Nhà thơ Cao Xuân Sơn nhận định, thơ thiếu nhi có những đặc trưng riêng, và tiêu chí lựa chọn của ông dựa trên tình tiếp nối, tính thế hệ và có phần nghiêng hơn về những cây bút trưởng thành sau này tạo được dấu ấn. Trong tuyển tập “65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi” ông lựa chọn mỗi tác giả một bài, có Bắc, Trung, Nam; có trẻ, có già; có cũ, có mới, có quen có lạ. Có thơ rộn ràng vào nhạc và thơ tung tăng bước ra từ ca khúc. Có trong vắt trong veo của tia nắng, hạt mưa. Có vị chát đầu đời của lấm lem cơ nhỡ…
Trả lời cho câu hỏi của Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh “Nếu muốn đặt hàng các nhà văn, nhà thơ thì các em/ các bố mẹ sẽ đặt hàng các nhà văn, nhà thơ viết về vấn đề gì”, cô học trò Lê Bảo Châu bày tỏ mong muốn được đọc những tác phẩm phản chiếu những “góc tối” trong tâm lý của lứa tuổi mới lớn để được đồng cảm, an ủi. Từ trăn trở, mong đợi của người cầm bút, nhà báo Nguyễn Như Mai, nhà thơ Chủ Văn Long, nhà thơ Vương Trọng, nhà thơ Lê Hồng Thiện, nhà văn Trần Thùy Dương, nhà văn Phong Lan… cũng góp thêm nhiều góc nhìn về văn học thiếu nhi tại buổi giao lưu.