Giảm tải cho hạ tầng phố cổ Hà Nội

HNNN| 20/09/2021 10:45

Khu phố cổ Hà Nội, hay còn được gọi với cái tên quen thuộc “36 phố phường”, là khu vực có vị trí rất quan trọng trong cấu trúc thành Thăng Long xưa. Qua thời gian, khu “36 phố phường” được nhìn nhận như một thành tố không thể tách rời trong tổng thể cấu trúc không gian: Khu Thành cổ - phố cổ - phố Pháp với khu trung tâm vô giá nằm quanh hồ Hoàn Kiếm, tạo nên những giá trị độc đáo của thành phố Hà Nội.

Giảm tải cho hạ tầng phố cổ Hà Nội
Việc bảo tồn Khu phố cổ Hà Nội như một sự đầu tư cho tương lai cộng đồng (ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19). Ảnh: Cao Anh Tuấn

Sống động trao truyền và tiếp nối

Trong dòng chảy thời đại, khác với nhiều đô thị lịch sử ở châu Á, phố cổ Hà Nội đã giữ được một đặc điểm quan trọng, đó là sự tồn tại song song giữa lịch sử và cuộc sống hiện đại. Các hoạt động đời sống xã hội như nếp sống, văn hóa ứng xử, hoạt động giao lưu, buôn bán... đang hiện hữu nơi đây đã khiến phố cổ không đơn thuần là “bảo tàng” kiến trúc khô cứng, mà trở thành một thực thể sống động có “phong cách và tâm hồn đặc hữu”. Giá trị văn hóa ở góc độ không gian của Khu phố cổ Hà Nội đã được nhìn nhận từ rất sớm. Năm 1995, lần đầu tiên, Khu phố cổ Hà Nội được phê duyệt quy hoạch với những quy định riêng nhằm bảo vệ, tôn tạo và phát triển. Sau đó 9 năm, năm 2004, Khu phố cổ Hà Nội được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Từ đây, Khu phố cổ Hà Nội được hợp nhất cả trên bình diện giá trị không gian kiến trúc và những giá trị văn hóa phi vật thể.

Từ năm 1999 đến nay, Thủ đô và quận Hoàn Kiếm đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Khu phố cổ Hà Nội. Hoạt động trùng tu, tính đến năm 2015, đã có 16 công trình di tích, nhà ở, trung tâm văn hóa - di sản và tuyến phố được thực hiện. Tiêu biểu là: Nhà số 87 phố Mã Mây, đền Quan Đế, đền Bạch Mã, Ô Quan Chưởng, chùa Bà Đá, đình Phả Trúc Lâm, chùa Kim Cổ, đền Phù Ủng, chùa Vĩnh Trù, chùa Huyền Thiên, Hội quán Phúc Kiến... và tuyến phố Tạ Hiện. Thành phố tổ chức các tuyến phố đi bộ kết hợp dịch vụ thương mại cuối tuần trên trục Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân, từ năm 2003 đã được tiếp nối trên các phố thuộc khu bảo tồn cấp I với nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn...

Nét vàng son còn hay mất?

Có lẽ những hoạt động văn hóa hấp dẫn được tổ chức ở Khu phố cổ Hà Nội có cơ hội phát huy và lan tỏa là bởi bên cạnh trầm tích văn hóa đậm sâu còn có hạ tầng kỹ thuật khá hoàn hảo. Những khảo sát mới đây cho thấy, hệ thống hạ tầng Khu phố cổ Hà Nội, vốn hình thành từ thời Pháp thuộc, hoàn chỉnh và đồng bộ hơn so với nhiều khu vực khác trong thành phố. Trong một khu vực có diện tích 80,93ha, diện tích đường phố ở mức cao nhất trong các khu vực trên toàn thành phố. Những năm gần đây, hệ thống đường dây cấp điện, viễn thông cũng đã và đang được hạ ngầm, hạn chế dần tình trạng chằng chịt, nguy hiểm và mất mỹ quan.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hệ thống này vẫn dần trở nên quá tải, đặc biệt, tại các ô phố, trên mạng lưới từ hệ thống chung thành phố vào các tòa nhà. Đồng thời, hệ thống hạ tầng đô thị ở khu phố cổ cũng đang chịu tải rất lớn. Điển hình là các trường học trong khu phố đều nhỏ, hầu hết bị phân tán về địa điểm, chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu hiện có. Một số trường học tiếp quản các diện tích là nhà ở, nằm trong khuôn viên đình, chùa như Trường Mầm non Họa Mi, Sao Mai, Măng Non hay Trường Tiểu học Hồng Hà hiện đang sử dụng đất của Hội quán Phúc Kiến... nên không đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn và ảnh hưởng đến công tác bảo tồn di tích lịch sử văn hóa. Sự quá tải về hạ tầng đô thị trong khu phố cổ chủ yếu do quy mô dân cư và số lượng người tập trung sinh sống ở đây quá lớn. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, sức sống dẻo dai của khu phố trên bình diện kinh tế vẫn tạo nên lực hấp dẫn với người bốn phương, đúng với cái tên Kẻ Chợ từ ngàn xưa.

Đáng ngạc nhiên ở chỗ, thống kê mới đây cho thấy dân số Khu phố cổ Hà Nội đã giảm. Hiện nay, mật độ cư trú trung bình trong khu phố cổ là 618 người/ha, tức là thỏa mãn mục tiêu quy hoạch là không quá 800 người/ha. Trong khi đó, công trình xây dựng lớn hơn nhưng dường như chưa có những chuyển biến tích cực về điều kiện sống. Trong khu phố cổ, vẫn còn có nhiều nhà sử dụng chung khu vệ sinh, nhiều hộ cư trú trong cùng một số nhà. Có lẽ, bài toán quy hoạch cần cân nhắc và tính toán lại một số chỉ tiêu cư trú sát với thực tiễn hơn. Cần coi việc thuê, cho thuê và cư trú tạm thời như một dữ liệu theo thời gian thực để nghiên cứu. Đồng thời, cần xem xét việc gia tăng chủ yếu các công trình khách sạn, dịch vụ... cùng với sự phát triển kinh tế, du lịch... đang là một trong những nguyên nhân gây quá tải hệ thống hạ tầng của khu phố cổ. Việc chia nhỏ các căn nhà ống cần được xem xét như một nguyên nhân gây gia tăng số hộ, số người trong khu phố cổ. Phải chăng đây cũng là một trong những khó khăn cho việc thực thi đề án giãn dân phố cổ hiện nay của quận Hoàn Kiếm?

Gắn bảo tồn với giảm tải hạ tầng cư trú

Giảm tải cho hạ tầng phố cổ Hà Nội
Khu phố cổ Hà Nội lưu giữ vẻ đẹp và giá trị văn hóa. Ảnh: Cao Anh Tuấn

Nếu so sánh với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đang diễn ra một cách hiệu quả, thì việc bảo tồn không gian kiến trúc lại tỏ ra rất khiêm tốn. Hơn 20 năm trôi qua, số lượng 15 công trình được trùng tu trên tổng số 676 công trình di tích lịch sử, tôn giáo, cách mạng - kháng chiến và các công trình kiến trúc có giá trị khác là một con số quá nhỏ. Có thể nhận định rằng, các biện pháp bảo tồn hiện nay cho thấy hiệu quả thấp, thậm chí khiến các công trình di tích lịch sử văn hóa bị tê liệt. Thực tiễn cho thấy, sự phát triển công trình mới thay thế các nhà cũ khiến hình ảnh khu phố cổ ngày nay không phù hợp với cấu trúc không gian vốn được bảo toàn bởi dạng thức nhà ống riêng có ở đây. Những lớp mái lô xô đan xen với khoảng sân trời được thay thế bằng những khối hộp dài. Phương án bảo tồn theo tuyến, với một kế hoạch khoa học gắn với giãn dân trên tuyến nhằm khôi phục lại hình thức phố xưa trong kết cấu hiện đại hơn sẽ mang tính khả thi trên thực tiễn.

Cấu trúc Khu phố cổ Hà Nội vốn có dạng thức đặc biệt, xuất phát từ sự hỗn hợp, cộng sinh giữa không gian cư trú, sản xuất và thương nghiệp. Do vậy, việc xem xét sự quá tải hạ tầng xã hội theo phương cách hiện tại có lẽ cũng cần được nhìn nhận lại. Khu phố cổ vốn không có cơ cấu đầy đủ như một khu quy hoạch mới, với trường học, trung tâm thương mại. Vậy nên, việc xem xét giảm tải hạ tầng xã hội cho khu phố cần tiếp cận ở phạm vi lớn hơn, lấy khu vực kề cận để giảm bớt gánh nặng cho khu phố cổ. Đặc biệt, chúng ta cần ưu tiên cho công tác bảo tồn. Xét trên góc nhìn này, việc xóa bỏ chợ Hàng Bè hay chuyển đổi chợ Hàng Da truyền thống sang trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại, phải chăng là một điểm trừ? Khi mà chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, Hàng Da, Hàng Bè đã trở thành ba hạt nhân cơ bản trong cơ cấu của khu phố. Đáng nói hơn, hình thức thương mại truyền thống trên các phố “Hàng” đang dần thích nghi với cuộc sống đương đại, chứng tỏ được sức sống mãnh liệt của nó. Chợ truyền thống trong hình ảnh quen thuộc mà sạch hơn, ngăn nắp và tiện nghi hơn trong khi vẫn duy trì những đặc điểm truyền thống về chất lượng, sự đa dạng và nét văn hóa xưa, có thể là sự lựa chọn để phố cổ đẹp hơn trong bóng hình cổ kính.

Hà Nội đang bảo tồn được giá trị văn hóa phi vật thể ở khu phố cổ, việc bảo tồn không gian vật thể hơn bao giờ hết cần được thực thi bằng cách làm mới. Đừng để phố cổ chẳng còn cổ một cách từ từ, mà ta chỉ nhận ra khi đã muộn màng.

Có lẽ, đã đến lúc nghĩ đến việc thực hiện song hành giãn dân phố cổ kết hợp với cải thiện điều kiện sống, xây dựng công trình mới theo hướng bảo tồn có trọng điểm và rõ lộ trình, gắn với phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Có như vậy thì Khu phố cổ Hà Nội mới cho ta cảm giác rằng nơi này khác với các nơi khác, rằng nó thuộc về chúng ta và chúng ta thuộc về nó, rằng chúng ta có vai trò quan trọng trong việc chuyển giao nó cho thế hệ sau. Đó chính là ý nghĩa cốt lõi của việc bảo tồn Khu phố cổ Hà Nội như một sự đầu tư cho tương lai cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • 18 tỉnh, thành phố tham gia Hội chợ trái cây, nông sản an toàn tại Hà Nội
    Tối 22/11, Sở Công thương Hà Nội chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì tổ chức Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  • Chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới
    Sau gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội đất nước có bước chuyển mình mạnh mẽ, đột phá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Bên cạnh những thành tựu to lớn, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tình trạng lãng phí, gây tác họa nghiêm trọng, lâu dài, khó khắc phục, cản trở đất nước vươn mình, giàu mạnh. Bởi vậy, hiện nay, Đảng, Nhà nước coi triệt bỏ lãng phí là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.
Đừng bỏ lỡ
Giảm tải cho hạ tầng phố cổ Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO