Gia Lai - Kon Tum: Phòng CSGT tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền PCCC đối với xe khách

25/04/2017 15:29

NHN Online - Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ cháy xe khách trên toàn quốc khiến nhiều người hoang mang. Ngày 15/04/2017, Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) PC 67 tỉnh Gia Lai - Kon Tum đều có chỉ đạo kiểm tra và nhắc nhở đối với các lái xe về điều kiện kinh doanh vận tải và phòng cháy chữa cháy của một số hãng xe khách hoạt động trên địa bàn tỉnh Gia Lai - Kon Tum theo thông tư số 57/2015/TT-BCA nhằm nâng cao nhận thức về PCCC.

Được sự đồng ý của đại tá Phạm Văn Uấn - Trưởng phòng CSGT tỉnh Gia Lai và đại tá Lê Đình Toàn - Trưởng phòng CSGT tỉnh Kon Tum. PV Báo Người Hà Nội đã cùng kết hợp với các đội tuần tra kiểm soát để tuyên truyền và nhắc nhở đến các lái xe về vấn đề PCCC đối với xe khách.

Trong ngày ra quân kiểm tra nhắc nhở đối với các lái xe và chủ các hãng vận tải hành khách như: Thuân Tiến, Thuận Ý, Tây Nguyên, Việt Tân, Thuận Phát, Đức Đạt, Việt Tân Phát, … Trên địa bàn tỉnh Gia Lai – Kon Tum, các trường hợp được kiểm tra thì hầu hết các xe cũng đã có trang bị về các thiết bị PCCC nhưng chưa đầy đủ; Cùng với đó cũng có một số xe khi kiểm tra thì chỉ có dụng cụ mang tính chất đối phó như bình cứu hỏa cũ nát, không có tem kiểm định, không có dụng cụ chữa cháy và thoát hiểm; Trong đó lái xe và phụ xe đều chưa được đào tạo, huấn luyện về PCCC, hiểu biết về PCCC còn rất nhiều thiếu sót. Vì vậy các đồng chí CSGT nhắc nhở và tuyên truyền các trường hợp trên bổ sung trang thiết bị đúng quy định, tham gia lớp huấn luyện về PCCC để nâng cao tinh thần PCCC, biết cách xử lý khi xảy ra cháy để phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại về cháy nổ gây ra; Và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn về tính mạng, của cải cho hành khách trên xe.

Căn cứ danh mục thiết bị PCCC, ôtô từ 4 chỗ trở lên phải được trang bị một bình bột loại dưới 4 kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4 kg.

Việc xử lý vi phạm sẽ căn cứ vào Nghị định 167/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, PCCC. Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi như trang bị phương tiện PCCC không đầy đủ, hoặc không đồng bộ; không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới theo quy định.

Trung tá Nguyễn Minh Tuấn phó đội trưởng đội và Thiếu tá Lê Công Ngọc cán bộ đội 1-14 chia sẻ: Thời gian qua rất nhiều vụ cháy xe khách xảy ra, để lại hậu quả đáng tiếc, việc kiểm tra thiết bị, ý thức phòng cháy chữa cháy đã được phòng CSGT PC67 chỉ đạo lực lượng thường xuyên thực hiện, nhằm nâng cao ý thức đối với lái xe và nhân viên phục vụ trên xe. Nhưng gần đây ý thức của các lái xe ngày càng kém đi, khi chúng tôi có ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra thì lái xe lại cố tình không chấp hành và chạy tiếp để né tránh việc kiểm tra.

Tiếp đó nhóm PV di chuyển xuống đội CSGT 2-19, dưới sự hướng dẫn của trung tá Lê Minh Tổng với PV Báo Người Hà Nội để tuyên truyền đến các lái xe về các biện pháp PCCC.

Nhiều chuyện khôi hài như khi hỏi lái xe và phụ xe các xe khách về vấn đề: nếu như có cháy nổ xảy ra thì cách xử lý như thế nào?

Chúng tôi nhận được những câu trả lời như: xe tôi đã bao giờ cháy đâu mà tôi biết; hay chúng tôi có được dạy qua cách chữa cháy thế nào đâu mà chữa; xe cháy rồi thì kêu bà con chạy ra khỏi xe cứu mình thôi chứ chắc không kịp làm gì nữa đâu!Trung tá Nguyễn Văn Hiền đội phó đội CSGT số 2

Kon Tum cho hay: Việc dừng xe chỉ để kiểm tra riêng vấn đề PCCC thì không được, nhưng nếu như xe vi phạm thì chúng tôi vẫn kiểm tra thêm. Để nâng cao ý thức của các lái xe, chủ xe thì cần phải có những chế tài xử lý thật nặng và đủ sức răn đe lúc đó sẽ đẩy tinh thần PCCC lên rất cao.

Quá trình kiểm tra còn phát hiện thêm một số xe khách còn cho chở xe máy trong khoang chứa đồ phía dưới ghế của hành khách mà không hút hết xăng trong bình, có thể gây ra cháy nổ bất kỳ lúc nào, Như vậy chẳng khác gì các lái xe đang coi thường tính mạng của mình cũng như hành khách trên xe. 

Theo nghị định 104/2009/NĐ-CP Quy định Danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có nêu rõ tại khoản 1,2 điều 3:

1. Chất nguy hiểm là những chất hoặc hợp chất ở dạng khí, dạng lỏng hoặc dạng rắn có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia.

2. Hàng nguy hiểm là hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm khi vận chuyển có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia.

Như vậy trên xe khách khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 6 điều 23 Nghị định 171/2013/NĐ-CP: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Vận chuyển hàng nguy hiểm, hàng độc hại, dễ cháy, dễ nổ hoặc động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách trên xe chở hành khách.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai - Kon Tum: Phòng CSGT tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền PCCC đối với xe khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO