Gặp mặt, giao lưu nhân chứng lịch sử Đại đội nữ lái xe "Huyền thoại Trường Sơn"
Ngày 24/4, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội và Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức giao lưu “Huyền thoại Trường Sơn", gặp mặt nhân chứng lịch sử gồm Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, nữ cựu thanh niên xung phong, vợ thương binh nặng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Tham dự chương trình có đại diện Ban Tuyên giáo, Hội LHPN Việt Nam; đại diện lãnh đạo Hội LHPN Thành phố Hà Nội; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội; đại diện Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo Hội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Thành phố Hà Nội...
Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của các bác, các cô - những nhân chứng lịch sử: đó là các nữ chiến sĩ thuộc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, các nữ cựu thanh niên xung phong - những người đã từng sống, chiến đấu tại các cung đường Trường Sơn huyền thoại, các bác, các cô là vợ thương binh nặng và cán bộ Hội cơ sở thuộc gia đình chính sách tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tri ân những người phụ nữ “Huyền thoại Trường Sơn”

Cách đây tròn 50 năm, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi đến thắng lợi cuối cùng, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc, ghi một mốc son huy hoàng, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất đất nước, vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 không chỉ là thành quả của ý chí quật cường, tinh thần chiến đấu quả cảm, anh dũng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước bất diệt, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam; là sự hi sinh to lớn của hàng triệu người dân yêu nước từ Bắc chí Nam, trong đó có những người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Phát biểu tại Chương trình, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, Chương trình giao lưu “Huyền thoại Trường Sơn là một trong những hoạt động giáo dục truyền thống thiết thực của Hội LHPN Hà Nội chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Chương trình là lời tri ân gửi tới những người phụ nữ đã góp phần làm nên “Huyền thoại Trường Sơn”.
Đó là những nữ chiến sĩ thuộc Trung đội nữ lái xe mang tên anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Hạnh (sau là Đại đội nữ lái xe Trường Sơn C13) - đại đội nữ lái xe duy nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; là một biểu tượng sống động về tinh thần anh hùng, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời cũng là nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Đó là những đại biểu nữ cựu thanh niên xung phong - những người con gái Hà Nội mảnh mai năm xưa, sục sôi nhiệt huyết, xếp lại bút nghiên, rời xa gia đình, tình nguyện tham gia các đơn vị thanh niên xung phong của Thủ đô, dấn thân vào “tuyến lửa”, chẳng ngại gian khổ, hi sinh, dâng hiến tuổi xuân, cùng quân và dân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đóng góp vào thắng lợi chung của cả dân tộc.

Tại Chương trình diễn ra cuộc giao lưu, gặp gỡ “Điểm tựa hạnh phúc” của các bác, các chú, các anh thương binh nặng trở về từ các chiến trường. Đó chính là những người vợ kiên cường, mạnh mẽ với những hi sinh thầm lặng, vượt qua biết bao khó khăn, vất vả để chăm sóc, động viên chồng vượt qua nỗi đau, di chứng chiến tranh, cùng nhau xây dựng tổ ấm gia đình, tiếp tục có đóng góp trân quý cho cộng đồng, viết tiếp bản anh hùng ca thầm lặng, tiếp nối tinh thần Trường Sơn trong cuộc sống đời thường
Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh bày tỏ niềm tự hào và trân trọng gửi lời tri ân các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí cựu chiến binh, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với đất nước đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất đất nước, đặc biệt là các nữ cựu chiến sĩ Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, nữ cựu thanh niên xung phong, các mẹ/vợ liệt sĩ, nữ thương binh, vợ thương binh tham gia chương trình.
Noi gương những thế hệ đi trước, các tầng lớp phụ nữ và các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập, lao động, sản xuất và công tác, luôn coi trọng thực hiện tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa và công tác hậu phương quân đội, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.
Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh nhấn mạnh, từ dấu mốc 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hôm nay, các cấp Hội và Phụ nữ toàn Thành phố sẽ tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, của Hà Nội anh hùng, hăng hái tham gia xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, cuộc sống của nhân dân ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Tinh thần dũng cảm và trái tim đầy yêu thương
Tại Chương trình, Trung tá Nguyễn Thị Hòa, nguyên chính trị viên Đội lái xe, Trưởng ban liên lạc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn chia sẻ, ngày đó, cán bộ chính trị rất ít người biết chuyên môn, thời gian đầu bà chưa biết lái xe. Sau này, bà đã học lái xe từ chính các chị em.

Những cung đường nào nơi chị em lái xe đến, Bộ Tư lệnh Công binh đánh dấu để có phương án bảo vệ. Trong 45 chị em có 40 lái xe, 5 thợ sửa. Chị em làm nhiệm vụ chỉ học có 45 ngày là ra lái. Thế là từ năm 1968, có đôi bàn tay con gái lái xe vòm.
Đến cuối năm 1968, chiến tranh rất ác liệt, chị em bắt đầu tham gia vào chiến dịch. Lái xe, chị nào giỏi thì 1 người 1 xe, chị nào còn yếu thì 2 người 1 xe.
“Trên đường đi chiến trận, nam giới đã vất vả, nữ giới thì vất vả đến như thế nào. Ngày nghỉ, đêm đi, đường nhiều hố bom. Chúng tôi phân công nhau, chị em khỏe thì đi, yếu thì ở nhà làm lốp, làm nhíp.
Trên tuyến đường Trường Sơn, trọng điểm 050 ở Quảng Bình, xe chúng tôi có tiểu đội 4 chị đi trước. Trước khi đi còn làm lễ truy điệu chết trước. Đợt đầu đó, chúng tôi đã có 2 chuyến xe trót lọt. Các chị em ngày xưa bé bỏng, lực lượng rất mỏng nhưng nhiệt huyết.
Trên tuyến đường Trường Sơn, trọng điểm 050 ở Quảng Bình, xe chúng tôi có tiểu đội 4 chị đi trước. Trước khi đi còn làm lễ truy điệu chết trước. Đợt đầu đó ,chúng tôi đã có 2 chuyến xe trót lọt. Các chị em ngày xưa bé bỏng, lực lượng rất mỏng nhưng nhiệt huyết.

Còn bà Bùi Thị Vân, người từng được ví là hoa khôi của Đại đội nữ lái xe Trường Sơn huyền thoại chia sẻ: “Nhận nhiệm vụ, ngoài việc lái xe, chúng tôi còn là người bốc vác. Rồi khi chở thương binh thì chúng tôi làm hộ lý dịu hiền để đưa các anh về trạm điều dưỡng. Năm tháng vất vả, nhưng chị em đều quyết tâm và nỗ lực, chúng tôi thường nói công việc này của nam giới nhưng chị em quyết tâm thì cũng gánh vác, cũng làm được…”

Bà Hoàng Thị Kim Vinh – nữ cựu thanh niên xung phong, vợ liệt sĩ, người đã để lại con thơ ở nhà để dấn thân vào tuyến lửa chia sẻ, năm 1965, Hà Nội sơ tán, mẹ tôi bế cháu đi sơ tán hết bên nội đến ngoại. Tôi ở nhà đi làm, ở với bố cùng các em. Các em đứa thì đi học, đứa thì đi bộ đội. Lúc bấy giờ, tôi là Bí thư chi đoàn. Hà Nội phát động phong trào thanh niên 3 sẵn sàng. Tôi là Bí thư chi đoàn nên về vận động thanh niên chi đoàn mình viết đơn tình nguyện tham gia. Tôi cũng viết đơn. Thành đoàn tưởng tôi gương mẫu thôi vì còn con nhỏ. Nhưng với tôi, phong trào 3 sẵn sàng, chống Mỹ cứu nước đều hừng hực như các thanh niên khác. Thế là tôi gửi con ở lại cho ông bà ngoại và đi thanh niên xung phong.
Vào ngày 13/7/1965, chúng tôi tập trung ở sân nhà văn hóa thiếu nhi (Cung thiếu nhi ở Lý Thái Tổ bây giờ). Học tập xong, đơn vị chia làm các A, từ A1 đến A6, tôi làm trưởng A6. Xong xuôi, mọi người được về nhà chuẩn bị, rồi hôm sau tập trung ở Quận Đoàn Hoàn Kiếm đi ô tô sang Cổ Loa học 1 tuần. Đến ngày 17/7, về tập trung ở nhà hát Nhân Dân. Một số anh em trốn về thăm nhà, bảo mẹ tôi: “Bà ơi bà bế cháu ra tiễn chị Vinh ở Nhà hát Nhân dân”. Mẹ tôi bế cháu đi xích lô ra. 4h chiều chuẩn bị lên tàu. Tôi làm A trưởng được đứng đầu, thấy mẹ bế cháu ra. Tôi chạy lại bế cháu, đại đội trưởng hô “Nghiêm!” làm cháu giật mình, tôi ôm chặt con trong lòng. Kỷ niệm ấy, khoảnh khắc ấy tôi nhớ mãi.

Những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử đã đưa chúng ta trở về với những tháng ngày gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Ở đó, có những người phụ nữ đã không ngần ngại hiểm nguy, lặng lẽ bước vào cuộc chiến với tinh thần dũng cảm và trái tim đầy yêu thương.
Những câu chuyện của họ không chỉ khơi nguồn niềm tự hào, xúc động mà còn là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay về một thời đã qua - thời của lòng yêu nước, của hy sinh thầm lặng mà lớn lao.



Để tri ân những con người bình dị mà phi thường trong chiến đấu, góp phần vào chiến thắng vĩ đại giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam, Hội LHPN Thành phố Hà Nội đã gửi tới các bác, các cô những phần quà tri ân, gửi gắm tình cảm của cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô./.