Chuyển động Hà Nội

Gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội – Ý chí và niềm tin quyết thắng”

Thụy Phương 19:39 09/04/2025

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), sáng 9/4, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Hà Nội tổ chức chương trình Tọa đàm – Gặp mặt nhân chứng lịch sử với chủ đề “Hà Nội – Ý chí và niềm tin quyết thắng”. Tới dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.

Phát biểu tại chương trình, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bạch Liên Hương nhấn mạnh: Chương trình không chỉ là dịp để ôn lại những ký ức lịch sử hào hùng mà còn là cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời, đây cũng là dịp để thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng qua những câu chuyện chân thực từ các nhân chứng lịch sử.

z6488051056137_15a194b338433c19e6773aa3970ea847.jpg
Những câu chuyện chân thực, xúc động của các nhân chứng lịch sử tại buổi tọa đàm đã truyền cảm hứng về lòng yêu nước, sự hy sinh và ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam.

“Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước luôn mang trong mình trọng trách lớn lao đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hà Nội là điểm tựa, là niềm tin, là hậu phương vững chắc, luôn hướng về miền Nam với tình cảm sâu nặng và tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”; hết lòng, hết sức cùng cả nước động viên, cổ vũ cuộc đấu tranh kiên cường của đồng bào, chiến sĩ miền Nam; chi viện sức người, sức của để miền Nam đi đến thắng lợi cuối cùng”, bà Bạch Liên Hương chia sẻ.

Điểm nhấn đặc biệt của chương trình là phần tọa đàm gặp mặt các nhân chứng lịch sử. Chương trình được dẫn dắt bởi nhà báo Tạ Bích Loan với các phần giao lưu xúc động giữa khán giả và các nhân chứng lịch sử từng trực tiếp tham gia vào những mốc son quan trọng của đất nước. Những câu chuyện chân thực về phong trào “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng”, những bức thư viết bằng máu đã làm sống lại không khí hào hùng, đau thương mà đầy niềm tin vào ngày thống nhất.

Bà Đặng Thị Ty, nguyên Trung đội trưởng Dân quân đập Đáy (Đan Phượng) chia sẻ những ngày cùng 11 chị em ở độ tuổi mười tám, đôi mươi trực chiến trên đập Đáy với khẩu pháo 12ly7 trong phong trào “Ba đảm đang”. Họ là biểu tượng sống động của lòng quả cảm, sự hi sinh và vai trò không thể thiếu của phụ nữ Hà Nội trong chiến tranh.

Bà Nguyễn Thị Sang người phụ trách tổ tàu “Ba đảm đang” hồi tưởng thời điểm 20 tuổi được giao nhiệm vụ đưa các đoàn tàu quân sự chở bộ đội vào Nam tiếp viện cho Chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Những câu chuyện của bà về việc phải đối mặt với máy bay địch oanh tạc ở ga Thanh Hóa, về sự phối hợp đầy trách nhiệm và gan dạ của tổ tàu toàn nữ khiến khán giả không khỏi bồi hồi.

z6488060381923_78542a4af94b6939e662cf1020d57f5e.jpg
Những nhân chứng góp phần làm nên thời khắc lịch sử trưa ngày 30/4/1975 cùng chia sẻ tại tọa đàm.

Đặc biệt, khán giả xúc động khi được nghe các cựu chiến binh từng trực tiếp tham chiến tại các mặt trận lớn chia sẻ về Hà Nội - nơi họ gửi gắm khát vọng và niềm tin chiến thắng. Ông Nguyễn Xuân Thuần, ông Lê Xuân Tường, những chiến sĩ từng chiến đấu tại Quảng Trị đã mang theo những kỷ vật từ Thủ đô, như chiếc túi mẹ mua ở chợ Hàng Da, như một mảnh hồn Hà Nội trên chiến trường. Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thế Văn chia sẻ về những ngày tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ trên không năm 1972, nơi ông và đồng đội góp phần làm nên bản anh hùng ca bất tử trên bầu trời Hà Nội.

Tại tọa đàm công chúng cũng được gặp gỡ những nhân chứng đã làm nên thời khắc lịch sử trưa ngày 30/4/1975, giây phút chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, chấm dứt chế độ Sài Gòn, mở ra thời khắc Bắc Nam sum họp một nhà. Các nhân chứng như Đại úy Vũ Đăng Toàn, ông Phạm Duy Đô, trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên và đặc biệt là ông Nguyễn Văn Tập – người trực tiếp lái chiếc xe tăng 390 đã kể lại hành trình tiến vào Dinh Độc Lập với sự xúc động và tự hào sâu sắc. “Khúc cua đưa xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập là khúc cua đẹp nhất của đời tôi”, ông Tập xúc động nói.

Những hồi ức về “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 tại Thủ đô và chiến thắng 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập qua lời kể của NSƯT, đạo diễn, phóng viên chiến trường Việt Tùng cũng đã tái hiện chân thực khúc khải hoàn ca của dân tộc trong thời khắc lịch sử. NSƯT Phạm Việt Tùng là người từng ghi lại những khoảnh khắc không thể nào quên: hình ảnh máy bay B52 rơi trên bầu trời Hà Nội, hay chiếc xe tăng nghiến lên lá cờ ba sọc của Ngụy quyền. Với ông, điện ảnh là chứng nhân của lịch sử, và cũng là lời tri ân với những người ngã xuống vì độc lập, tự do.

Những lời kể sống động của các khách mời trong buổi giao lưu không chỉ giúp khơi dậy ký ức về một thời đạn bom mà còn truyền cảm hứng về lòng yêu nước, sự hy sinh và ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam.

z6488088305786_17443b52d5dc62b3346656ed8556128d.jpg
Một góc không gian triển lãm “Hà Nội – Ý chí và niềm tin quyết thắng”.

Trong khuôn khổ chương trình còn có triển lãm chuyên đề “Hà Nội – Ý chí và niềm tin quyết thắng”. Lần đầu tiên được giới thiệu tại Bảo tàng Hà Nội, triển lãm trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật quý, phản ánh tinh thần kiên cường, bền bỉ và niềm tin sắt đá của nhân dân Thủ đô trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giai đoạn 1954–1975. Qua đó, góp phần làm nổi bật vai trò và đóng góp to lớn của Hà Nội trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.

Dịp này Bảo tàng Hà Nội cũng tổ chức lễ tiếp nhận các tài liệu, hiện vật do các cá nhân và tổ chức hiến tặng. Đây là những hiện vật có giá trị lịch sử cao như nhật ký, thư từ, hình ảnh, trang thiết bị quân sự, góp phần bổ sung và làm phong phú kho tư liệu phục vụ công tác trưng bày và giáo dục truyền thống./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tạo đột phá trong xây dựng phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
    Theo Luật Thủ đô năm 2024, Thành phố Hà Nội được xây dựng Trung tâm Công nghiệp Văn hóa tại bãi sông, bãi nổi ven sông Hồng và những khu vực có lợi thế về vị trí, không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. Đây được xem là một chính sách mang tính đột phá, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.
  • Hà Nội khơi thông điểm nghẽn để phát triển khu thương mại và văn hóa
    Dự thảo “Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa” (sau đây gọi là Dự thảo Nghị quyết) đang được UBND Thành phố Hà Nội lấy ý kiến nhân dân. Dự thảo này vừa cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024, vừa khẳng định hướng đi đúng đắn, sáng tạo của Hà Nội để khơi thông điểm nghẽn, đồng thời khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thành phố nhằm phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Đề án sân khấu học đường bồi dưỡng tâm hồn, khơi dậy tình yêu văn học, nghệ thuật dân tộc trong học sinh Thủ đô
    Đây là đánh giá của bà Lê Thị Ánh Mai – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tại “Hội nghị tổng kết Đề án Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030” (sau đây gọi là Đề án sân khấu học đường), giai đoạn thí điểm 2022-2024. Hội nghị diễn ra sáng 8/4 tại Nhà hát kịch Hà Nội.
  • Đến năm 2030, Hà Nội sử dụng 100% phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh
    Ngày 8/4, Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Thông báo số 185/TB-VP về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp liên quan đến việc phát triển hệ thống xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh và cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng trạm sạc, phương tiện vận tải công cộng sạch.
  • Các nước sẽ cùng ra “Tuyên bố Hà Nội” về chuyển đổi xanh
    Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm” sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 14-17/4.
Đừng bỏ lỡ
Gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội – Ý chí và niềm tin quyết thắng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO