Đưa Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng vào cuộc sống: Phát huy giá trị nhân văn trong các tác phẩm văn học nghệ thuật

Phùng Quang Trung| 09/04/2019 16:00

Giá trị nhân văn là những giá trị tốt đẹp của con người; tác phẩm có giá trị nhân văn là tác phẩm thể hiện được vẻ đẹp của con người qua những giá trị tinh thần như vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ, tình cảm; tác phẩm có tính nhân văn luôn hướng đến và đề cao giá trị con người; nhân văn là thước đo giá trị văn học nghệ thuật, khẳng định tấm lòng, sự trăn trở của tác giả đối với cuộc sống con người; đồng thời kết nối những giá trị của con người ở từng thời kỳ khác nhau.

Đưa Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng vào cuộc sống: Phát huy giá trị nhân văn trong  các tác phẩm văn học nghệ thuật
Ngày thơ Việt Nam là hoạt động thường niên thu hút sự quan tâm của công chúng với chuỗi hoạt động hấp dẫn. 


Một tác phẩm văn học nghệ thuật được gọi là nhân văn khi có ba đặc điểm: “Phản ánh sự thật cuộc sống”, “Đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân”, “Có tác dụng góp phần cải tạo cuộc sống văn minh hơn, nhân bản hơn nghĩa là sau khi đọc tác phẩm ấy con người trở nên người hơn”.

Vấn đề xây dựng hệ giá trị chuẩn về quy tắc ứng xử trong đời sống xã hội thông qua phát huy giá trị nhân văn trong các tác phẩm văn học nghệ thuật hiện nay không hoàn toàn mới, nhưng lại là vấn đề bức xúc được thực tiễn đặt ra và có ý nghĩa lâu dài để xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Giá trị nhân văn là những quan niệm, những nguyên tắc, chuẩn mực, hành vi ứng xử của con người đối với con người, đối với xã hội, đối với tự nhiên và đối với chính bản thân mình, nó có ý nghĩa tích cực thúc đẩy xã hội phát triển, hướng con người tới “chân - thiện - mỹ”. Giữa văn học nghệ thuật và giá trị nhân văn xã hội có mối quan hệ biện chứng: Mối quan hệ thẩm mỹ giữa văn học nghệ thuật với hiện thực, vừa mang tính chủ quan của người nghệ sĩ, vừa tuân theo những đòi hỏi nghiêm ngặt của lý luận phản ánh và quy luật sáng tạo. Nhân văn là một đối tượng phản ánh rộng lớn của văn học nghệ thuật. Những chuẩn mực giá trị nhân văn không phải là một quan niệm nhất thành, bất biến mà được hình thành, kế thừa, phát triển và biến đổi theo quá trình lịch sử. 

Phản ánh giá trị nhân văn trong tác phẩm, đấu tranh chống cái ác, cái thấp hèn, bảo vệ cái cao thượng, cái tốt đẹp là nhiệm vụ tự thân của văn học nghệ thuật, qua các tác phẩm văn học nghệ thuật, giá trị nhân văn được hun đúc, ý thức đẩy lùi cái ác được bồi đắp, cổ vũ khát vọng hướng tới cái thiện, cái đẹp, thổi lửa tin yêu con người vào cuộc sống. 

Giá trị nhân văn trong các tác phẩm văn học nghệ thuật dường như đang mờ nhạt, ở một số lĩnh vực, bộ phận, thậm chí đã chạm báo động đỏ, cái xấu, cái ác đang lộng hành, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng. Xã hội đang diễn ra một cuộc phân hóa dữ dội, đan xen cái tốt và cái xấu với phạm vi rộng khắp, trong cùng ý thức hệ, cùng một tập thể, một chi bộ, cơ quan, phân hóa trong từng gia đình, trong từng con người cụ thể. Môi trường giá trị nhân văn trong các tác phẩm văn học nghệ thuật đang bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng tinh thần, bào mòn các giá trị văn hóa tốt đẹp, làm rạn vỡ niềm tin của công chúng. Nguyên nhân chủ quan là công tác lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật có lúc buông lỏng, thiếu nhạy bén; sự chỉ đạo thiếu cụ thể, thiếu kiên quyết, dẫn đến tình hình giá trị nhân văn trong các tác phẩm văn học nghệ thuật diễn biến ngày càng phức tạp. Những kẽ hở của pháp lý cùng với biểu hiện vi phạm giá trị nhân văn trong các tác phẩm văn học nghệ thuật đã tác động tiêu cực đến giá trị nhân văn, khuynh hướng “thương mại hóa”, vọng ngoại, lai căng đã lấn lướt các hoạt động văn học nghệ thuật, gây nên sự rối loạn trong nhận thức, làm “lạc chuẩn”, “lệch chuẩn” các giá trị, chuẩn mực nhân văn trong các tác phẩm văn học nghệ thuật hiện nay.

Đưa Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng vào cuộc sống: Phát huy giá trị nhân văn trong  các tác phẩm văn học nghệ thuật
Vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” với nhiều yếu tố mới lạ và hấp dẫn đã xuất sắc giành Huy chương vàng 
tại Liên hoan Kịch nói Toàn quốc 2018. 
Tác phẩm văn học nghệ thuật khi khai thác những mặt trái giá trị nhân văn với mục đích là khơi gợi, thức tỉnh con người tránh xa cái ác, cái xấu để nuôi dưỡng, nâng đỡ, bồi đắp cái thiện vốn có trong cuộc sống, chứ không phải vùi dập, chà đạp nhân cách con người. Văn học nghệ thuật cần đấu tranh không khoan nhượng với những thói hư, tật xấu của con người, nhưng viết về mặt trái giá trị nhân văn, không thể chỉ là nơi gợi ra sự căm ghét, không chỉ là nơi nhà văn trút bỏ ẩn ức của mình. Cao hơn, văn học nghệ thuật còn biết giúp công chúng nhận thức vết thương đau và tìm cách vượt qua nó bằng niềm tin sâu sắc vào tương lai. Đây là sứ mệnh cao quý, đồng thời cũng là trọng trách nặng nề của văn nghệ sĩ. Tác giả văn học nghệ thuật không nhất thiết phải viết tác phẩm nhuốm màu đạo đức một cách gượng ép, hoặc cố khoác cho nhân vật thứ đạo đức mà nó không có. Ngay cả những tác phẩm viết về tiêu cực, thiếu lành mạnh nhưng vẫn giúp người đọc hướng tới chân, thiện, mỹ. Văn học, nghệ thuật đích thực luôn mang tư tưởng nhân văn sâu sắc, thì tự thân nó có giá trị nhân văn rất cao.
Đưa Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng vào cuộc sống: Phát huy giá trị nhân văn trong  các tác phẩm văn học nghệ thuật
Cần tôn vinh xứng đáng các tác phẩm có giá trị giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, nhân cách con người Việt Nam

Đưa Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng vào cuộc sống: Phát huy giá trị nhân văn trong  các tác phẩm văn học nghệ thuật
Để phát huy giá trị nhân văn trong các tác phẩm văn học nghệ thuật nhằm xây dựng hệ giá trị chuẩn về quy tắc ứng xử trong đời sống xã hội chúng tôi nhận thấy cần có một số giải pháp như sau:

- Một là: Văn học nghệ thuật những năm gần đây đã xuất hiện không ít những tác phẩm “lệch pha”, lạm dụng khai thác quá đà các hành vi tiêu cực, các tệ nạn xã hội, dẫn tới phản tác dụng giáo dục phát huy giá trị nhân văn. Vì vậy cần hoàn thiện các chuẩn mực giá trị nhân văn, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Cần đề cao trách nhiệm giới văn nghệ sĩ, mỗi văn nghệ sĩ cần cố gắng hướng về cơ sở, nghiên cứu sâu thực tiễn, vận động đa dạng, phản ánh những điển hình cá nhân, tập thể đang học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cần làm những việc hết sức cụ thể theo phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Điều tiết cho được sự hài hòa giữa yêu cầu xã hội và khát vọng chân chính của người nghệ sĩ, phát huy tối đa yếu tố cá nhân trong sáng tạo, đó là biểu hiện cụ thể tài năng, bản lĩnh của người cầm bút. 

- Hai là: Tăng cường công tác lý luận, phê bình, tuyên truyền, quảng bá, định hướng hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật. Sớm khắc phục tình trạng đề cao quá mức chức năng giải trí, tôn sùng chủ nghĩa hình thức, dẫn đến “lệch chuẩn” trong tất cả các loại hình văn học nghệ thuật. Tăng cường công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình, kịp thời phát hiện, cổ vũ những tác phẩm hay, phê phán chiều hướng “giải thiêng” các giá trị đạo đức của dân tộc. Tăng cường phối hợp thường xuyên giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các hội chuyên ngành, với các cơ quan chức năng ở địa phương, các cơ quan báo chí, xuất bản và cả hệ thống chính trị các cấp. 

- Ba là: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với văn học nghệ thuật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Cần cụ thể hóa những định hướng lớn là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đã nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, nhằm “Vừa bảo đảm để văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ, cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn; khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo”.
- Bốn là: Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn học nghệ thuật, Bộ VHTT&DL cùng các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với tổ chức Hội các cấp, với Hội Nhà văn Việt Nam, tập trung triển khai một số vấn đề quan trọng như: Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật; đặc biệt, khẩn trương cụ thể hóa các quy định về quản lý nghệ thuật biểu diễn, văn học, cần có sự quan tâm đến việc quản lý hoạt động văn học nghệ thuật trên môi trường mạng internet, các trang mạng xã hội; điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp tính đặc thù của văn học nghệ thuật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời những đơn vị, cá nhân có những tác phẩm vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của đất nước. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, và nâng cao chất lượng đặt hàng các tác giả viết về giá trị nhân văn trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, tôn vinh xứng đáng các sản phẩm có giá trị giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, nhân cách con người Việt Nam; tổ chức tốt việc quảng bá các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật trong lĩnh vực này; chủ động tích cực phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

- Năm là: Đề cao trách nhiệm và tấm lòng của văn nghệ sĩ trước Tổ quốc và nhân dân: Bộ VHTT&DL tham mưu cho Chính phủ phối hợp với các Hội chuyên ngành Trung ương và Hội Văn học nghệ thuật địa phương có những biện pháp cụ thể, hiệu quả tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo, làm giàu vốn sống, thường xuyên cung cấp những thông tin chính thống để văn nghệ sĩ tiếp nhận, chắt lọc, tái hiện cuộc sống bằng nghệ thuật sinh động, hấp dẫn. Mỗi văn nghệ sĩ tự trau dồi bản lĩnh, coi khát vọng sáng tạo là mục đích cao đẹp của người cầm bút, không ngừng tích lũy kiến thức nhiều mặt, đặc biệt là kiến thức văn hóa, gắn bó sâu sát với đời sống thực tiễn, tự làm giàu trí tuệ, tài năng của mình. Trong đời sống hiện nay, khi hệ thống thông tin internet phát triển toàn cầu, vấn đề lựa chọn, tiếp nhận những thông tin đúng bản chất là rất quan trọng để khẳng định niềm tin, phương pháp tư duy, sáng tạo tác phẩm. Mỗi văn nghệ sĩ cần đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sĩ để bồi đắp niềm tin, tạo những rung động, chân thành và nhiệt huyết từ trái tim của người sáng tạo. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
  • Chợ Bến Thành được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố
    Chợ Bến Thành là một trong những địa danh tiêu biểu của TP HCM, lịch sử hình thành chợ gắn liền với đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn.
Đừng bỏ lỡ
Đưa Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng vào cuộc sống: Phát huy giá trị nhân văn trong các tác phẩm văn học nghệ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO